Sau 55 năm, giấc mơ Nobel đã mang gương mặt nữ giới

03/10/2018 - 06:24

PNO - 895 cá nhân đã vinh dự nhận giải thưởng này, nhưng phụ nữ chỉ chiếm khoảng 5% trong số đó, với vỏn vẹn 49 người.

“Chúng ta cần ăn mừng với những nhà vật lý là nữ giới, chúng tôi hiện diện và tồn tại nơi đây” là lời chia sẻ xúc động của nữ chủ nhân mới nhất của giải Nobel vật lý, nhà vật lý học người Canada Donna Strickland. 55 năm rồi, bao mong mỏi và kỳ vọng một gương mặt nữ giới chiến thắng ở lĩnh vực khoa học tại giải Nobel đã thành hiện thực.

Sau 55 nam, giac mo Nobel da mang guong mat nu gioi
Ba nhà khoa học nhận giải Nobel vật lý 2018

Giải Nobel vật lý được chia làm hai nửa, một cho nhóm hai nhà vật lý học Gérard Mourou (người Pháp) cùng Donna Strickland (người Canada) và nhà vật lý học người Mỹ Arthur Ashkin cho những phát minh mang tính cách mạng trong lĩnh vực vật lý laser. Riêng nhóm của hai nhà khoa học Gérard Mourou và Donna Strickland được ghi nhận bởi công trình phát triển công nghệ xung khuếch đại (CPA). Công nghệ này đến nay đã được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh về mắt cho hàng triệu người trên thế giới.

Hơn 100 năm tồn tại, giải Nobel đã ghi nhận nỗ lực phi thường của những nhà khoa học, chính trị gia và những nhà hoạt động xã hội. 895 cá nhân đã vinh dự nhận giải thưởng này, nhưng phụ nữ chỉ chiếm khoảng 5% trong số đó, với vỏn vẹn 49 người. 

Trong số 49 người này, có đến 30 người giành giải thưởng ở lĩnh vực văn chương hay hòa bình - những lĩnh vực bị xã hội gắn nhãn “dành cho phái yếu”. Từ năm 2000 đến nay, chỉ có 7 phụ nữ nhận giải Nobel. Giải thưởng danh giá này cần thêm những gương mặt nữ ở nhiều lĩnh vực khoa học như vật lý, hóa học, y sinh. Điều này không thể đạt được nếu thiếu những nỗ lực vun đắp cho những gương mặt nữ. Nhiều ngành khoa học lâu nay phát triển lệch giới, bởi xã hội quen với cách nghĩ “công việc nghiên cứu càng chuyên sâu, càng khô khan, không phù hợp với phái nữ”. Viện Vật lý Mỹ đã phải cảm thán với thống kê thực tế từ chính tổ chức của mình khi số nhà nghiên cứu nữ có học vị giáo sư chỉ chiếm 10%. 

Nhà hoạt động xã hội Anne-Marie Imafidon - Trưởng nhóm Stemettes (một tổ chức ở Anh quốc, khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái theo đuổi lĩnh vực khoa học - chia sẻ: “Lỗi ở tất cả chúng ta, trong một chuỗi mắt xích đan cài chặt chẽ. Ai là người lựa chọn những cá nhân cùng thành tựu và đưa vào danh sách ứng cử? Phần lớn những giáo sư đầu ngành uy tín là nam giới và họ không thật sự hiểu các vấn đề những đồng nghiệp nữ đang đối diện để vượt qua. Trong đầu họ luôn tồn tại một giả định rằng, đã là phụ nữ thì ưu tiên số một luôn là việc chăm sóc con cái, hoặc nếu có xuất hiện trong một sự kiện chuẩn bị giải Nobel thì cũng chỉ là ghế thư ký”. 

Nhà khoa học người Pháp Pierre Curie - chủ nhân giải Nobel vật lý năm 1903 - trên bục vinh quang, đã nhắc đi nhắc lại vai trò của người vợ, người đồng nghiệp và cũng là đồng chủ nhân giải thưởng năm ấy - nhà khoa học Marie Curie. Bà Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel và mãi đến năm 1963, mới có gương mặt nữ thứ hai nhận Nobel vật lý, là bà Maria Goeppert Mayer. 

Lẽ ra, nữ chủ nhân thứ ba của Nobel vật lý phải là nhà vật lý thiên văn người Anh Jocelyn Bell Burnell với công trình phát hiện ẩn tinh (ngôi sao không nhìn thấy được bằng mắt thường). Bà Jocelyn Bell phát hiện ra ẩn tinh trong quá trình học tiến sĩ tại Đại học Cambridge. Oái oăm thay, người nhận giải thưởng Nobel năm 1974 cho công trình này là người giám sát của bà - nhà vật lý thiên văn Antony Hewish. Jocelyn Bell chẳng hề phiền lòng vì bà hiểu có những “quy luật ngầm”, buộc phải chấp nhận. 

Tác giả người Mỹ Brian Keating và cũng là giáo sư ngành vật lý đang làm việc tại Đại học California, San Diego là một trong số ít nhà khoa học nam đau đáu về khoảng cách giới tại giải Nobel. Brian Keating cho rằng, Ủy ban Nobel nên bỏ nguyên tắc không xét đến một thành tựu nào đó nếu đã được vinh danh và giới hạn số lượng tối đa 3 người cho một giải thưởng. Theo lập luận của Brian Keating, trường hợp các nhà khoa học nữ nghiên cứu cùng đề tài là rất nhiều và việc giới hạn số lượng khiến cơ hội dành cho nhà khoa học nữ hạn hẹp hơn nữa. 

Giải Nobel năm nay vắng bóng hạng mục Nobel văn chương sau ồn ào không đáng có, càng tạo khoảng cách rõ rệt về bình đẳng giới trong danh sách người chiến thắng. Nó khiến nhiều người liên tưởng đến chiến dịch #metoo từ Hollywood lan sang những cuộc đối chất trực diện và thẳng thắn giữa các nhà sản xuất, đạo diễn về sự thiếu vắng danh hiệu cho gương mặt nữ. Thế nhưng, chiến thắng của nhà vật lý Donna Strickland là chiến thắng lịch sử, khẳng định với các nhà khoa học nữ rằng mọi cánh cửa cơ hội sẽ mở khi họ đủ đam mê và kiên trì. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI