Rác thải phương Tây đầu độc thức ăn của người dân Indonesia

15/11/2019 - 06:23

PNO - Báo cáo từ hãng tin BBC kết hợp cùng tổ chức phi chính phủ vì môi trường cho thấy việc đốt chất thải nhựa ở Indonesia, phần lớn gửi đến từ phương Tây, đang góp phần đầu độc chuỗi thức ăn.

Nhóm hoạt động môi trường Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế - IPEN thu thập mẫu thí nghiệm từ làng Tropodo, miền Đông Java. Kết quả phân tích cho thấy chất độc dioxin trong trứng gà tại đây cao gấp 70 lần mức tiêu chuẩn an toàn của châu Âu. Với mức dư lượng cao nhất được thu thập gần một nhóm các nhà máy đậu phụ đốt nhựa làm nhiên liệu.

Các nhà nghiên cứu cho biết đây là mức độ dioxin trong trứng cao thứ hai từng được đo ở châu Á - chỉ sau một khu vực ở Việt Nam bị ô nhiễm bởi chất độc màu da cam. Đồng thời, trứng gà cũng chứa các hóa chất độc hại như chất chống cháy, SCCP và PBDEs sử dụng trong nhựa.

Rac thai phuong Tay dau doc thuc an cua nguoi dan Indonesia
Dân làng Bangun phân loại nhựa khỏi các vật liệu chất lượng tốt hơn mà họ có thể bán.

Ăn một vài quả trứng bị ô nhiễm sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng quá trình tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như ung thư, tổn hại hệ thống miễn dịch và các vấn đề phát triển trí tuệ ở trẻ em.

Chương trình của BBC cũng ghi nhận câu chuyện từ những người có vấn đề về hô hấp do khói từ việc đốt rác thải nhựa gửi đến Indonesia để tái chế.

Một người dân ở Tropodo cho biết nơi đây được gọi là "thành phố của khói": "Chúng tôi không cần phải nói với bác sĩ về các triệu chứng... chúng tôi chỉ cần nói với họ rằng chúng tôi đến từ Tropodo và họ hiểu vấn đề ngay lập tức".

Tiến sĩ Agus Haryono, từ Viện Khoa học Indonesia, cho biết chính phủ cần triển khai "cơ sở hạ tầng thích hợp để kiểm tra và giám sát POP (Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy)" và chống lại việc "buôn bán nhựa xuyên biên giới không kiểm soát".

Rac thai phuong Tay dau doc thuc an cua nguoi dan Indonesia
Một xưởng sản xuất đậu phụ sử dụng rác thải nhựa làm nhiên liệu.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào khu vực xung quanh một nhà máy giấy ở Đông Java, nơi có khoảng 40% giấy nhập khẩu. Nhưng khảo sát cho thấy giấy thường lẫn với nhựa chất lượng thấp. Nhựa sau đó được bán cho dân làng địa phương, nhiều người dựa vào nhựa để kiếm sống.

Một "nông dân nhựa" ở làng Bangun, Supiyati, nói với BBC rằng cô kiếm sống bằng cách tìm kiếm chất thải nhựa để bán cho các nhà máy nhựa.

Theo cơ quan thống kê Indonesia, lượng nhập khẩu chất thải nhựa của quốc gia vạn đảo đã tăng 141% trong năm 2018 lên tới 283.000 tấn - chủ yếu từ các quốc gia như Úc, Canada, Ireland, Ý, New Zealand, Anh và Mỹ.

Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu chất thải vào đại lục vào đầu năm 2017, dẫn đến một dòng chất thải khổng lồ được gửi đến các nước khác.

Rac thai phuong Tay dau doc thuc an cua nguoi dan Indonesia
Trong sáu tháng đầu năm 2019, Anh đã gửi 18.000 tấn nhựa và 55.000 tấn giấy tới Indonesia.

Giới chuyên gia cho rằng rác thải của phương Tây là một phần quan trọng của vấn đề xử lý nhựa ở Indonesia. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng và tài trợ cho việc thu gom chất thải đồng nghĩa với một lượng lớn rác bị đổ xuống sông hoặc đốt cháy.

Ở Sindang Jaya, Java, quận trưởng Masrur cho biết ông thấy nhiều người gặp vấn đề về hô hấp do khói tạo ra từ nhựa bị đốt cháy. Một người dân, Mila Damila, cho biết cháu gái của cô từng nhập viện bốn lần.

Phần lớn bãi đốt nhựa quy mô lớn trong khu vực hiện đã ngừng hoạt động sau các cuộc thảo luận "căng thẳng" với những thương nhân nhựa, và bằng chứng cho thấy chính sách của chính phủ đang có tác động. Các cá nhân vẫn đốt chất thải, nhưng dòng chất thải nhập khẩu mới ở Sindang Jaya bắt đầu cạn kiệt.

Rac thai phuong Tay dau doc thuc an cua nguoi dan Indonesia
Khi những chuyến hàng rác thải từ phương Tây đến Indonesia giảm đi, một quốc gia nào đó trên thế giới sẽ là nơi tiếp nhận thay thế.

Dù vậy, khi ít chất thải đổ vào Indonesia, sẽ có một nơi nào đó trên thế giới rơi vào tình cảnh tương tự. Nghiên cứu gần đây của nhóm môi trường Basel Action Network phát hiện nhiều container đáng lẽ phải gửi trở lại phương Tây đã kết thúc hành trình ở các quốc gia Đông Nam Á khác.

Ngọc Hạ (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI