Phương Tây dỡ lệnh trừng phạt Iran, Mỹ bất an vì S-400 áp sát châu Âu

17/01/2016 - 07:55

PNO - Mỹ và EU đã chính thức dỡ lệnh cấm vận đối với Iran, trong khi Washinton vẫn cảm thấy bất an với hệ thống S-400 của Nga ở gần châu Âu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/1 kí một mệnh lệnh hành pháp dỡ bỏ trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Quyết định được đưa ra sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận rằng Iran đã thực hiện đầy đủ các cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Obama cũng đã thông báo với các nhà lãnh đạo quốc hội về bước đi này.

Phuong Tay do lenh trung phat Iran, My bat an vi S-400 ap sat chau Au
Lệnh cấm vận đối với Iran đã được dỡ bỏ.

"Tôi xác nhận rằng IAEA đã xác nhận Iran tuân thủ hoàn toàn cam kết theo yêu cầu. Các cam kết liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ bây giờ bắt đầu đi vào hiệu lực", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng cho biết trong một tuyên bố với Ngoại trưởng Iran Jawad Zarif rằng, các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế đa quốc gia nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran đã được dỡ bỏ.

Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận, Iran đã giảm qui mô chương trình hạt nhân của mình như đã nhất trí với các cường quốc thế giới. Tuyên bố này của IAEA có thể mở đường cho việc dỡ bỏ ngay lập tức hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết: “Tôi vừa công bố báo cáo xác nhận rằng Iran đã hoàn thành các bước đi chuẩn bị cần thiết để bắt đầu thực hiện kế hoạch hành động toàn diện chung. Báo cáo này được công bố sau khi các thanh sát viên của IAEA đã xác nhận Iran đáp ứng tất cả các biện pháp cần thiết theo thỏa thuận. Đây là một ngày quan trọng và được chờ đợi từ lâu kể từ năm 2003”.

Trong một dấu hiệu có thể cho thấy quan hệ ấm dần, Iran được cho là đã thả 4 tù nhân Mỹ, trong đó có nhà báo Jason Rezaian của Washington Post, theo một thoả thuận trao đổi tù nhân, hãng thông tấn Fars dẫn lời công tố viên Tehran cho hay. 

Liên quan tới mối quan hệ Moscow và Washington, Tư lệnh không quân Mỹ phụ trách các hoạt động ở châu Âu và châu Phi, Tướng Frank Gorenc đã bày tỏ lo ngại về việc Nga tăng cường lượng lớn các hệ thống phòng thủ tên lửa hỗn hợp đến gần không phận các thành viên NATO ở châu Âu, trong đó có Ba Lan.

Phuong Tay do lenh trung phat Iran, My bat an vi S-400 ap sat chau Au
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

"Việc phổ biến với mật độ dày đặc của các vũ khí phục vụ cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) là điều mà chúng ta cần xem xét", tướng Gorenc nói.

Moscow đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng không Almaz –Antey S-400 Triumf ở khu vực nằm tách biệt trên Biển Baltic này từ 2012, theo truyền thông Nga. Các hệ thống tên lửa hiện đại như S-400 có uy lực đủ mạnh để thiết lập một khu vực cấm bay trên thực tế ở phần lớn lãnh thổ nước láng giềng Ba Lan và Litva, có khả năng phát hiện và tiêu diệt chiến đấu cơ tàng hình thông thường trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo tướng Gorenc, các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không nhiều tầng của Nga ở Kaliningrad "khiến cho việc tiếp cận nơi này cực kỳ khó khăn". Nhiều khả năng tướng Gorenc đang nhắc đến hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa Voronezh–DM cùng các tiểu đoàn tên lửa S-400, S-300 và các hệ thống phòng thủ khác mà Nga được cho là đã triển khai ở khu vực này.

Với hệ thống S-400 có phạm vi tác chiến 400 km được bố trí ở Kaliningrad, lực lượng phòng không Nga có thể giám sát các máy bay hoạt động trên một phần ba lãnh thổ Ba Lan.

Lam Anh (tổng hợp)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI