Phiên dịch khiếm thính trong lễ tang Mandela là giả mạo

12/12/2013 - 17:38

PNO - Báo chí quốc tế ngày 11/12 đã đồng loạt đăng tải thông tin gây chấn động về lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hôm 10/12, khi người phiên dịch ngôn ngữ dành cho người khiếm thính bị cho là đã bịa hoàn toàn trong...

 Người đàn ông này được sắp xếp đứng cạnh bục phát biểu và đã chuyển ngữ các bài phát biểu của từ gia đình ông Mandela, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho tới Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Buổi lễ tưởng niệm diễn ra trên sân vận động FNB ở Johannesburg, có sự tham dự của 91 nhà lãnh đạo thế giới và được truyền trực tiếp đi khắp thế giới cho hàng trăm triệu khán giả, trong đó có nhiều người khiếm thính. Song dường như những người này đã không thể hiểu được các bài phát biểu ở buổi lễ.

Phien dich khiem thinh trong le tang Mandela la gia mao

Người phiên dịch khiếm thính (bìa phải) bị cho là bịa hoàn toàn nội dung 

Braam Jordaan, một người Nam Phi khiếm thính và là thành viên ban điều hành của Liên đoàn người khiếm thính thế giới, cho biết người phiên dịch đã bịa ra những ký hiệu trong quá trình dịch thuật.

"Hình dáng tay ông ấy, sự biểu cảm trên gương mặt và những chuyển động cơ thể đã không theo sát những gì đại biểu được phiên dịch đang nói" - Jordaan nhận xét.

Theo ông Jordaan, người phiên dịch trên đã... tự nghĩ ra các ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình.

"Tôi thấy rất tức giận và có cảm giác như bị lăng nhục" - Jordaan nói với trang tin SBS - "Ông ta đã nghĩ ra các ký hiệu riêng của mình. Những gì diễn ra ở lễ tang thật nhục nhã và lẽ ra chuyện này không nên xảy ra. Những gì diễn ra hôm nay sẽ vĩnh viễn gắn với Nelson Mandela và cộng đồng người khiếm thính, nhờ gã phiên dịch giả mạo này."

Các thành viên của cộng đồng người khiếm thính Nam Phi trước đó đã bày tỏ quan ngại về phiên dịch viên trên, vốn đã có mặt trong các sự kiện khác của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).

Tuy nhiên bất chấp thực tế này, một phát ngôn viên của ANC vẫn tuyên bố hôm 11/12: "Tôi không biết nhân vật này. Ông ta không làm việc cho ANC. Lễ tang là một sự kiện do chính quyền tổ chức."

Collins Chabane, một bộ trưởng trong nội các Nam Phi, đã nói trong cuộc họp báo sau đó: "Chính quyền đang xem xét vấn đề, nhưng chưa thể đưa ra kết luận do lịch trình tổ chức các sự kiện đang rất căng".

Một phát ngôn viên của Tổng thống Jacob Zuma cho hay ông đang kiểm tra tin. Đài truyền hình quốc gia SABC, nơi phát hình về toàn bộ sự kiện, khẳng định họ không liên quan vì có chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu riêng.

Vidéo clip của Telegraph về cách thức "phiên dịch" bịa đặt của người phiên dịch khiếm thính

Trong quá trình người phiên dịch làm việc, Wilma Newhoudt-Druchen, người phụ nữ khiếm thính đầu tiên được bầu vào Quốc hội Nam Phi, đã nhắn tin lên Twitter nhận xét: "Phiên dịch viên có liên quan tới ANC này là một gã tồi. Ông ta không thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Làm ơn đưa ông ta xuống đi."

Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi Francois Deysel cũng nhắn tin lên Twitter rằng người phiên dịch trong lễ tang "đang nhạo báng nghề nghiệp của cúng tôi".

Bà Sheena Walters, thành viên Hiệp hội các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu thế giới cho biết ngôn ngữ mà nhân vật kia sử dụng khiến người ta không thể hiểu nổi, dù là sử dụng theo quy chuẩn của ngôn ngữ ký hiệu quốc tế hay Nam Phi.

"Hiển nhiên là người phiên dịch không dùng ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi" - bà nói với SBS - "Phần lớn ngôn ngữ ký hiệu trên thế giới chia sẻ cấu trúc và kiểu mẫu giống nhau. Trong khi đó người này dường như đã tạo ra rất nhiều ký hiệu lặp lại và không thể hiện sự biểu cảm trên gương mặt, hoặc cấu trúc của ngôn ngữ ký hiệu mà bạn vẫn thường thấy".

Blog tin tức cho người khiếm thính The Limping Chicken đồng tình và chỉ trích phương thức giao tiếp của người phiên dịch. Theo blog trên, ông này đã thể hiện ngôn ngữ ký hiệu "bằng các chuyển động theo nhịp điệu lặp đi lặp lại rất kỳ quái" và "cách tạo hình của bàn tay cũng như hoạt động di chuyển cơ thể dường như chẳng thay đổi, không cần biết đại biểu đang nói gì".

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI