Ô nhiễm không khí Ấn Độ đã đến mức 'không thể chịu nổi'

04/11/2019 - 12:00

PNO - Thủ hiến Delhi Arvid Kejriwal hôm 3/11 tuyên bố tình trạng ô nhiễm không khí ở phía bắc Ấn Độ và thủ đô nước này “đã đến mức không thể chịu nổi".

Chất lượng không khí nhiều khu vực ở Delhi hôm Chủ nhật tụt xuống mức "nguy hiểm", mức độ có khả năng gây ra các bệnh về đường hô hấp.

O nhiem khong khi An Do da den muc 'khong the chiu noi'
Những tín đồ Ấn giáo bất chấp sương mù lội xuống sông Yamuna bị ô nhiễm để thực hiện nghi lễ của lễ hội tôn giáo Chatth Puja - Ảnh: Reuters

Thủ hiến Kejriwal kêu gọi chính quyền trung ương cứu trợ và giải quyết ô nhiễm độc hại, đồng thời nhà chức trách địa phương cũng kêu gọi người dân nếu không cần thiết không ra ngoài trời để bảo vệ sức khỏe của mình.

Các trường học bị đóng cửa, hơn 30 chuyến bay đổi hướng và công việc xây dựng bị đình chỉ khi thành phố Delhi nằm dưới một lớp sương mù dày đặc.

O nhiem khong khi An Do da den muc 'khong the chiu noi'
Chỉ những chiếc xe có biển số lẻ hoặc chẵn mới có thể di chuyển theo quy định trong thành phố vào những ngày nhất định để giảm ô nhiễm - Ảnh: AFP

Giám đốc Y tế Delhi Satyendar Jain khuyến cáo người dân thành phố "tránh các hoạt động thể chất ngoài trời, đặc biệt là vào buổi sáng và buổi tối". Người dân cũng được khuyên nên đeo khẩu trang, tránh các khu vực bị ô nhiễm và đóng kín cửa ra vào, cửa sổ nhà mình.

Sương mù tồi tệ đến mức nào?

Mức độ các hạt nguy hiểm trong không khí - được gọi là PM2,5 - cao hơn nhiều so với cho phép và cao hơn khoảng 7 lần so với mức PM2,5 ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Một quan chức Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các máy theo dõi ô nhiễm của thành phố không có đủ chữ số để ghi lại chính xác mức độ ô nhiễm mà ông gọi là "thảm họa".

Varun Jhaveri, một quan chức y tế viết trên Twitter rằng, “Delhi đang chứng kiến ngày ô nhiễm nhất trong lịch sử thế giới, hầu hết các khu vực của thủ đô hiển thị chỉ số AQI là 999 vì các máy đo không thể ghi lại trên mức này nữa, thật là một thảm họa!”

O nhiem khong khi An Do da den muc 'khong the chiu noi'
Hầu hết các khu vực của Delhi hiển thị chỉ số AQI là 999 vì các máy đo không thể ghi lại trên mức này nữa

Năm triệu khẩu trang đã được phân phát cho các trường học hôm 1/11 sau khi các quan chức y tế tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và Thủ hiến Kejriwal ví thành phố như một "phòng kín chứa khí".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một phần ba số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. WHO viết trên trang web chính thức rằng ô nhiễm không khí “có tác hại tương đương với việc hút thuốc lá".

Người Ấn Độ phản ứng ra sao?

Vào ngày Chủ nhật, những người trẻ tuổi ở Delhi đã xuống đường biểu tình đòi chính quyền phải có biện pháp hành động khẩn cấp để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí đến mức nguy hiểm. Người biểu tình đòi chính quyền đưa ra các biện pháp chống ô nhiễm lâu dài và bền vững.

O nhiem khong khi An Do da den muc 'khong the chiu noi'
Người biểu tình so sánh tình trạng ô nhiễm với nền kinh tế trì trệ của Ấn Độ - Ảnh: AFP

Một người biểu tình nói, "Chúng tôi lo ngại về tương lai và về sức khỏe của chúng tôi nhưng chúng tôi cũng đang đấu tranh vì con em và cha mẹ mình, những người phải chịu gánh nặng ô nhiễm lớn nhất”.

Một số bộ trưởng gây ra tranh cãi trên mạng truyền thông xã hội khi đề xuất các biện pháp giữ sức khỏe “không giống ai”. Ví dụ, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Harsh Vardhan kêu gọi mọi người ăn cà rốt để chống "bệnh quáng gà" và "tác hại của ô nhiễm đối với sức khỏe". Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Prakash Javadekar đề nghị người dân nên "bắt đầu ngày mới bằng âm nhạc". Một người dùng Twitter đặt câu hỏi “Có phải đó là lý do khiến ông không nghe thấy gì về tình trạng ô nhiễm của chúng ta?”, một người khác nhận xét: "Có vẻ như ông quá bận rộn nghe nhạc nên không nghe thấy chúng tôi!"

Nguyên nhân gây ra khói mù ô nhiễm?

Nguyên nhân chính gây ra khói mù ô nhiễm cao vào thời điểm này trong năm được xác định là do nông dân ở các bang lân cận đốt rơm rạ để dọn dẹp cánh đồng chuẩn bị vụ mùa mới.

O nhiem khong khi An Do da den muc 'khong the chiu noi'
Cảnh sát cũng phải đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình khi làm việc ngoài trời - Ảnh: AFP

Khói đốt đồng tạo ra một hỗn hợp gây chết người gồm các hạt vật chất và các chất khí carbon dioxide (CO2), nitơ dioxide (NO2) và sulfur dioxide (SO2), tất cả trở nên tồi tệ hơn bởi các cuộc bắn pháo hoa dịp lễ hội Diwali của Ấn giáo một tuần trước. Góp phần làm không khí ô nhiễm tồi tệ hơn là khói xe hơi, khí thải xây dựng và công nghiệp.

Ấn Độ đang hy vọng những cơn mưa rải rác trong tuần tới sẽ cuốn trôi các chất ô nhiễm, nhưng phải đến thứ Năm tuần này mới bắt đầu có mưa.

Thanh Hải (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI