Nước Pháp tê liệt vì tổng đình công

06/12/2019 - 06:00

PNO - Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt các cuộc đình công lớn nhất trong nhiệm kỳ, khi công nhân đường sắt, kiểm soát viên không lưu, giáo viên và nhân viên khu vực công xuống đường tuần hành chống lại những đề xuất thay đổi hệ thống hưu trí.

Hôm 5/12, các dịch vụ đường sắt gần như dừng lại, với 82% lái xe bị đình công và ít nhất 90% chuyến tàu trong khu vực bị hủy, giữa bối cảnh lo ngại rằng sự gián đoạn vận chuyển có thể tiếp tục trong nhiều ngày. Tại Paris, 11 trong số 16 tuyến tàu điện ngầm đã bị đóng cửa, buộc những người đi làm phải tranh giành để thuê xe đạp và xe tay ga.

Nhiều trường học đóng cửa và thậm chí một số công đoàn cảnh sát đã cảnh báo về việc đóng cửa tượng trưng tại một số đồn cảnh sát. Các cửa hàng dọc theo tuyến đường tuần hành ở Paris được khuyến cáo đóng cửa trong trường hợp bạo lực xảy ra ở rìa cuộc biểu tình.

Khoảng một nửa số chuyến tàu Eurostar theo lịch trình giữa Paris và London đã bị hủy bỏ. Khách du lịch không thể tiếp cận tháp Eiffel vì cuộc đình công.

Nuoc Phap te liet vi tong dinh cong
Lính cứu hỏa Pháp tham gia một cuộc biểu tình chống lại cải cách lương hưu ở Marseille hôm thứ Năm. (Ảnh: EPA)

Cuộc tổng đình công là một thử thách đối với tổng thống Pháp, người đã lên kế hoạch đại tu hệ thống lương hưu theo lời hứa bầu cử trước đây.

Chính phủ lập luận rằng việc thống nhất hệ thống lương hưu - và loại bỏ 42 chế độ đặc biệt đối với các lĩnh vực từ công nhân đường sắt và năng lượng đến luật sư và nhân viên nhà hát- là rất quan trọng để giữ cho hệ thống tài chính cân đối khi dân số Pháp già đi.

Tuy nhiên, các công đoàn nói rằng việc giới thiệu một hệ thống phổ biến chung nghĩa là hàng triệu công nhân ở cả khu vực công và tư nhân phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu hợp pháp là 62, hoặc phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị lương hưu.

Sự phản đối khoét sâu vào trung tâm dự án của tổng thống Macron, và cam kết của ông trong việc cung cấp sự chuyển đổi lớn nhất về mô hình xã hội và hệ thống phúc lợi tại Pháp kể từ thời hậu chiến.

Nuoc Phap te liet vi tong dinh cong
Người dân cầm cờ và biểu ngữ tham gia một cuộc biểu tình ở Perpignan. (Ảnh: AFP)

Xếp hạng ủng hộ của ông Macron, ở mức khoảng 30%, đã được cải thiện kể đỉnh cao phong trào “áo vàng” vào năm 2018. Nhưng trong khi nhiều cử tri Pháp đồng ý rằng hệ thống lương hưu nên được thay đổi, họ không chắc rằng vị Tổng thống thân doanh nghiệp hiện tại có thể được tin tưởng để làm điều đó.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây của Ifop cho thấy 76% người Pháp ủng hộ cải cách lương hưu, nhưng 64% không tin tưởng chính phủ sẽ thực hiện tốt kế hoạch.

Khác biệt lần này nằm ở chỗ cuộc biểu tình phản đối đang diễn ra trước khi chi tiết đầy đủ về bất kỳ thay đổi lương hưu nào được tiết lộ. Một quá trình tham vấn vẫn đang được tiến hành và quốc hội sẽ không tranh luận về các đề xuất cho đến năm 2020.

Nuoc Phap te liet vi tong dinh cong
Những người biểu tình tại Lyon. (Ảnh: Alamy)

Có thể thấy căng thẳng đang tăng cao sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, giữa một cảm giác chung ở Pháp rằng cuộc sống khó khăn hơn và các dịch vụ công cộng đang suy giảm. Một cuộc thăm dò vào tháng trước của Viavoice cho Libération chỉ ra rằng 89% người dân Pháp cảm thấy đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội.

Tấn Vĩ (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI