Nửa đời trốn chạy của điệp viên Triều Tiên

04/10/2013 - 23:18

PNO - Tháng 10/1995, Kim Dong-sik cùng đồng đội là đặc vụ Triều Tiên bí mật thâm nhập miền trung Hàn Quốc, với nhiệm vụ đón về nước một điệp viên có thâm niên nằm vùng 15 năm. Nhưng họ không biết rằng một cái bẫy đang giăng ra.

edf40wrjww2tblPage:Content

Kim Dong-sik (tên giả), 51 tuổi, tác giả của cuốn hồi ký "No One Reported Me" (tạm dịch: Không ai biết đến tôi) nhớ như in cái ngày đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.

Nua doi tron chay cua diep vien Trieu Tien

Ông Kim Dong-sik yêu cầu chỉ chụp nửa mặt do lo ngại bị trả thù. Ảnh: NY Times

Ông và đồng đội đã thành công khi dùng thuyền để lẻn vào lãnh thổ đối phương 52 ngày trước đó. Lời nhắn cuối cùng của thượng cấp cho hay điệp viên kia đã được hướng dẫn để chờ Kim tại một ngôi đền ở Buyeo, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 150 km về phía nam, trong vai một nhà sư mang tên Jawoon.

Thế nhưng, chẳng có nhà sư nào cả.

"Thay vào đó là một ông già mặc quần bò bạch phếch, người nói rằng đang dưỡng thương ở đây", Kim kể lại trong một cuộc phỏng vấn tại một quán cà phê ở Seoul vào tháng trước. "Tôi bỗng nhận ra đây là một nhân viên phản gián của Hàn Quốc, đã chờ sẵn ở đó để cho tôi vào bẫy. Khi tôi hỏi về Jawoon, thì ông ta nói các nhà sư đang làm vườn ở phía dưới đồi. Tôi đã linh tính có điều gì đó chẳng lành".

Ngay khi nhận ra đây là một cái bẫy, Kim chạy như bay đến phía đồng nghiệp, để báo cho anh ta và nhanh chóng tẩu thoát. Một chiếc xe xuất hiện ngay sau lưng họ. Người lái xe, trong bộ dạng một nhà sư, cho xe đi chậm lại và hỏi hai người có cần quá giang không. Khi họ từ chối, chiếc xe tiếp tục chạy vài mét. Nhà sư đột ngột dừng xe lại, vờ xuống kiểm tra lốp, rồi bất ngờ rút súng hướng về phía họ, và hét to: "Giơ tay lên!"

Thoáng qua đầu Kim là hai sự lựa chọn: hoặc là nuốt thuốc độc xyanua tự tử, hoặc là chiến đấu đến cùng. Ông rút súng lục, nhưng các điệp viên Hàn Quốc đã được bố trí dày đặc ở con đường phía sau. Hai điệp viên Triều Tiên bắn trả quyết liệt, mở đường máu bỏ chạy lên núi phía sau đền.

Quyết định chiến đấu đến cùng của Kim Dong-sik đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Ông đã từng được ca ngợi như một anh hùng, nhưng kể từ sau đó thân phận ông bị đóng cọc như một kẻ phản bội.

Gia đình ông ở miền Bắc tan nát, con gái ông nếu giờ còn sống đã 21 tuổi, mất tích trong một cuộc thanh trừng. Còn người điệp viên năm nào, giờ sống ở miền Nam, mai danh ẩn tích và chỉ chấp nhận trả lời phỏng vấn với điều kiện không được chụp ảnh cả khuôn mặt.

Kim bị bắt ngay trong ngày với một viên đạn găm trong chân trái, còn đồng nghiệp của ông bị bắn chết hai ngày sau đó. Hai cảnh sát Hàn Quốc cũng thiệt mạng trong cuộc săn đuổi.

"Tôi chẳng cảm thấy vui vẻ gì khi mình thoát chết, bởi tôi biết gia đình mình sẽ chịu nhiều đau khổ vì quyết định chọn lấy sự sống của tôi", Kim chia sẻ.

Đây là một trong những mẩu chuyện về cuộc đời Kim Dong-sik trong cuốn hồi ký mới của ông. Cuốn hồi ký đã hé lộ nhiều thông tin quý giá về cuộc chiến tình báo giữa hai miền Triều Tiên nhiều thập kỷ qua, và vẫn đang tiếp diễn đến ngày hôm nay.

Kim là con trai một quan chức cấp tỉnh thuộc Đảng Lao động cầm quyền. Ông được tuyển dụng vào các trường đào tạo điệp viên của Triều Tiên hồi năm 1981.

Kim sau đó phục vụ trong cơ quan tình báo với nhiệm vụ thâm nhập vào lãnh thổ Hàn Quốc, để tuyển dụng gián điệp, kích động những người bất đồng quan điểm, từ đó "xây dựng cơ sở cho một cuộc cách mạng ở miền Nam."

Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, ông được đào tạo trong vòng một năm dưới một đường hầm ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Ở đó, chính quyền Triều Tiên đã mô phỏng một khu phố Hàn Quốc điển hình, để Kim và đồng nghiệp làm quen với các kỹ năng sống và giọng nói như người dân bản địa thực thụ phía bên kia biên giới.

Điệp vụ đầu tiên của Kim Dong-sik đã rất thành công.

Tháng 5/1990, ông cùng một đồng nghiệp rời cảng Nampo trên một tàu cá Nhật Bản cải trang, dừng ở Trung Quốc để lấy tiếp tế từ một tàu hàng của Triều Tiên trước khi vào vùng biển quốc tế. Tại đó, các điệp viên được đưa vào đảo Jeju bằng tàu ngầm.

Bộ đôi điệp viên của Kim hoạt động trong 5 tháng tiếp theo. Họ gửi các báo cáo đã được mã hóa về Bình Nhưỡng, sử dụng các máy radio được giấu kín trong một quả núi do các điệp viên trước để lại

Hàng đêm, một phát thanh viên của Đài phát thanh Bình Nhưỡng sẽ đọc mệnh lệnh hướng dẫn cho họ bằng một loạt các dãy số có năm chữ số. Kim và chỉ huy sử dụng một cuốn tiểu thuyết thịnh hành của Hàn Quốc để giải mã thông điệp của nhau.

Tháng 10, bộ đôi điệp viên đã quay trở lại Bình Nhưỡng bằng tàu ngầm với một trong hai nhà bất đồng chính kiến Hàn Quốc mà họ tuyển mộ được. Ngoài ra, họ còn mang về Triều Tiên rất nhiều rượu và đồng hồ đeo tay làm quà cho lãnh đạo. Nhưng đáng giá hơn cả là một nữ điệp viên Triều Tiên đã nằm vùng ở miền Nam suốt 10 năm.

Bà Lee Sun-sil không phải là một gián điệp bình thường, mà là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Lao động khi đặt chân lên Hàn Quốc vào năm 1980. Thân phận của bà lúc đó là một kiều dân Hàn Quốc ở Nhật Bản quay trở về tổ quốc.

Trong suốt 10 năm đó, bà Lee trà trộn vào hàng ngũ các nhà bất đồng chính kiến miền Nam và chuyển thông tin tình báo về miền Bắc. Việc bà Lee quay về Triều Tiên hưởng chế độ hưu trí đặc biệt đã làm rung chuyển cộng đồng tình báo Hàn Quốc một vài năm sau.

Với chiến công đó, Kim và đồng nghiệp được trao tặng danh hiệu Anh hùng, danh hiệu cao quý nhất của Triều Tiên. Nhưng chỉ 5 năm sau, khi ông một lần nữa quay lại Hàn Quốc, mọi việc đã diễn ra không như dự định.

Năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ và nạn đói ở Triều Tiên được quốc tế chú ý, lý tưởng về một cuộc cách mạng dần phai nhạt trong lòng các nhà bất đồng chính kiến Hàn Quốc. 7 người Hàn Quốc mà Kim liên lạc đều từ chối hợp tác.

Vấn đề lớn nhất đối với giới tình báo miền Bắc là họ không nhận ra điệp viên đáng lẽ cải trang thành nhà sư đã bị bắt ngay từ năm 1980. Trong suốt 15 năm sau đó, các nhân viên phản gián Hàn Quốc đã gửi những báo cáo giả về miền Bắc.

Sau khi Kim bị bắt, ông đã bị thẩm vấn suốt 4 năm trước khi gia nhập cơ quan phản gián quân sự Hàn Quốc. Công việc của Kim hiện nay là phân tích viên tại Viện Chiến lược an ninh quốc gia, một cơ quan nghiên cứu có liên hệ mật thiết với tình báo quốc gia.

Kim hoàn toàn có lý do để lo sợ về một hành động trả thù đến từ miền Bắc. Năm 1997, ông đã giúp xác định danh tính kẻ giết ông Lee Han-young - một người họ hàng của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đào tẩu sang Hàn Quốc. Người giết ông Lee chính là đồng nghiệp cũ của Kim Dong-sik.

Kim tin rằng ông hoàn toàn có thể bị ám sát. Ông không có một vệ sĩ nào. Nhưng mối quan tâm lớn nhất của Kim Dong-sik là nếu danh tính của ông bị tiết lộ, hai người con trai của ông với người vợ Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Ông cũng không rõ về số phận của cha mẹ và anh chị em mình ở miền Bắc ra sao, chỉ biết rằng người vợ Triều Tiên đã từ bỏ ông và con gái để thoát khỏi kiếp tù đày, vốn là số phận của vợ những "kẻ phản bội".

"Tôi viết cuốn hồi ký này là để con trai tôi đọc khi chúng đủ lớn để hiểu cha mình là ai", Kim nói. "Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời của mình giống một bộ phim".

ĐỨC DƯƠNG (theo NY Times) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI