"Nữ anh hùng giao thông"

24/02/2016 - 13:55

PNO - Dù chưa từng khoác lên mình bộ đồng phục cảnh sát nhưng bà Dorris Francis (59 tuổi) vẫn được người ta gọi là “nữ anh hùng giao thông”.

Hàng ngày từ 7-11g, Dorris luôn có mặt ở những nút giao thông thường xuyên ùn tắc tại Delhi và các khu vực lân cận, để chắc chắn là không có một vụ tai nạn giao thông nào xảy ra.

Bất chấp nắng mưa, bà đứng giữa đường hướng dẫn các phương tiện lưu thông, hạn chế tối đa những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu. Với Dorris Francis, việc làm tự nguyện này là một sứ mệnh, một món quà thiêng liêng bà thay mặt người con gái đã mất tặng cho cuộc đời.

Tám năm trước, Dorris cùng chồng và con gái Nikki (17 tuổi) không may bị một chiếc xe chạy quá tốc độ tông phải. Hai vợ chồng bị chấn thương nhẹ nhưng Nikki bị rơi vào tình trạng nguy kịch và đã qua đời sau chín tháng chống chọi với tử thần. Đau đớn nhưng không oán hận, Dorris tự hứa với bản thân sẽ không để bất kỳ ai phải chịu thiệt mạng oan uổng như con gái mình.

Từ đó, bà tự nguyện làm nhiệm vụ điều khiển giao thông ở ngay chính đoạn đường đã xảy ra vụ tai nạn - vòng xoay Aitbar Pushta (bang Uttar Pradesh), gần Delhi. Bà nói: “Tôi không muốn nhắc đến những gì đã xảy ra vì vết thương lòng đó quá lớn, không thể bù đắp nổi. Nhưng cuộc sống phải tiếp diễn”.

Bà Dorris Francis đang hướng dẫn các phương tiện lưu thông - Ảnh: ANKIT SRINIVAS

Để có kỹ năng thực hiện công việc này, Dorris tự trang bị kiến thức điều khiển giao thông, tập thực hiện từng thao tác một cách chuẩn xác. Ban đầu, các tài xế chẳng biết bà là ai nên chẳng buồn quan tâm, thậm chí có người không hợp tác, tranh cãi, hoặc toan giở trò bạo lực với bà.

Dorris kể: “Ban đầu, tôi thật sự căng thẳng, huyết áp liên tục tăng cao. Nhiều đêm tôi không ngủ được, tự hỏi mình có nên tiếp tục công việc này không?”. Trong khi đó, chồng bà lại bị tiểu đường nặng, thường xuyên nằm nhà, trách nhiệm gia đình nặng nề trên vai bà.

Bất chấp mọi khó khăn, Dorris vẫn theo đuổi sứ mệnh mình tự đặt ra. Mọi người dần quen với hình ảnh người phụ nữ kiên trì bám trụ ở những giao lộ, thoăn thoắt xử trí ùn tắc, hướng dẫn xe cộ lưu thông hợp lý… Dorris đã thuyết phục được các bác tài qua lại trên đường bằng sự tận tụy, thái độ làm việc nghiêm túc, dù bà chẳng nhận được một đồng lương nào từ công việc đó.

Ông Yashasvi Yadav, từng là Cảnh sát trưởng quận Lucknow của bang Uttar Pradesh đánh giá cao việc làm đầy ý nghĩa của người mẹ mất con này: “Tinh thần tự nguyện của bà Dorris thể hiện tấm lòng cao thượng đáng quý, là sự bổ khuyết cho những gì mà chính quyền chưa thể bao quát”. Anh Ajith, sống ở Uttar Pradesh cho biết: “Tôi từng được bà Dorris ra hiệu nhắc nhở trong một lần cố lấn đường. Chúng tôi cảm ơn bà ấy vì luôn toàn tâm toàn ý cho cộng đồng”.

Nhiều năm qua, chỉ duy nhất một tai nạn giao thông chết người xảy ra ở khu vực Dorris hướng dẫn giao thông nhưng lúc đó bà bận việc riêng, không có mặt. Nạn nhân lại là người hàng xóm của Dorris. Sự cố này khiến bà luôn ray rứt và gắn bó hơn với công việc tự nguyện này. Dorris Francis tâm sự: “Tôi muốn phụng sự xã hội cho đến ngày qua đời, đến khi tôi không còn phải thấy những người vợ mất chồng, người con mất cha, ông bố bà mẹ mất con chỉ vì một phút sơ sẩy sau tay lái”.

Thiên Như (Theo Times of India, First Post, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI