Nơi nương náu cho phụ nữ lầm đường

25/05/2014 - 07:50

PNO - PNCN - Đó là một biệt thự ba tầng có giàn hoa giấy phủ kín cổng. Nhìn bên ngoài, trụ sở chính của tổ chức từ thiện Dristi Nepal không khác gì mấy so với những ngôi nhà trên con đường có nhiều sứ quán tọa lạc này. Nhưng, bước...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tại đây, đập vào mắt bạn sẽ là cảnh những phụ nữ được điều trị vết chích heroin trên cánh tay. Một phụ nữ khác đang khám thai. Trên lầu, một cô gái 19 tuổi với đứa con trai còn ẵm ngửa kể lại kinh nghiệm chống chọi với đói rét lúc còn lang thang ngoài đường... Đây là mái ấm dành cho phụ nữ nghiện hút tại Nepal, do cô Parina Subba Limbu thành lập. Mọi người trong nhà mở gọi cô là “khoai tây” một cách thân mật do vóc dáng nhỏ bé của cô.

Nepal là một đất nước vẫn còn bị ràng buộc bởi nhiều truyền thống xã hội. Phụ nữ Nepal đóng vai trò trung tâm trong việc chăm sóc gia đình nhưng hầu như không có tiếng nói gì ngoài xã hội. Theo số liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia Nepal, trong số 91.000 người nghiện hút ở đất nước này có 6.330 người là phụ nữ. Kể từ năm 2007, con số này đã tăng gấp đôi. Việc chăm sóc cho bệnh nhân nghiện hút là cấp bách, nhưng vẫn có sự phân biệt giới trong điều trị. Nhân viên của Văn phòng ma túy và tội phạm thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết, nam giới nghiện hút có thể vô tư đến các trung tâm nhận bao cao su, kim tiêm và ống chích, nhưng phụ nữ không ai dám đến những nơi này. Họ thường bị gạt khỏi danh sách chữa trị tại các phòng khám miễn phí, bị thu tiền cho các sản phẩm phát miễn phí, bị cảnh sát dọa dẫm, gạ tình để đổi lấy thuốc điều trị, bị gia đình mình giấu diếm vì sợ không lấy được chồng. Nhiều người phải đi vào con đường mại dâm để chống lại những cơn nghiện...

Nhà mở Dristi Nepal ra đời sau khi Lee Fitzgerald, giám đốc điều hành của một trung tâm điều trị nghiện hút tại Mỹ được mời đến nói chuyện tại Kathmandu vào năm 2006. Lee từng là người mẫu, từng nghiện nặng suốt 14 năm. Khi đến Nepal, cô đã cai nghiện được sáu năm. Cô đi khắp thế giới để thuyết phục người nghiện từ bỏ ma túy và đã sốc khi dừng chân tại Nepal. Lee nhận ra sự bất công khi thấy có nhiều phụ nữ trẻ bị nghiện tại đây nhưng không một cơ sở hay tổ chức nào giúp đỡ họ. Chính người phiên dịch trẻ tuổi của cô lúc đó đã lên tiếng sẽ quyết tâm dẹp bỏ định kiến để giúp những phụ nữ nghiện hút. Người phiên dịch đó chính là Parina Subba Limbu.

Noi nuong nau  cho phu nu lam duong

Những tình nguyện viên của Dristi Nepal

Từng nghiện hút từ năm 15 tuổi, bị gia đình và bạn trai từ bỏ năm 17 tuổi, Limbu càng dính sâu vào ma túy. Sau một thời gian dài cảm thấy bị hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần, cô quyết đổi đời để con trai ba tuổi không biết về quá khứ của mình.

Sau khi cai nghiện, cơ hội đến với Limbu khi được hợp tác với Fitzgerald. Tổ chức từ thiện Dristi Nepal ra đời năm 2006. Dristi, theo tiếng địa phương có nghĩa là “phụ nữ”. Do định kiến xã hội nặng nề, hai người phải nói dối với chủ nhà về mục đích thật sự của tổ chức để được thuê nhà. Khi chủ nhà phát hiện sự thật, họ lại phải thu xếp để thuê chỗ khác.

Một năm sau, tổ chức đã mở cơ sở thứ hai và giúp đỡ được cho khoảng 100 phụ nữ cai nghiện mỗi năm. Với 10 nhân viên và nhiều tình nguyện viên, chi phí cho hai cơ sở cần đến 20.000 đô la mỗi năm. Nguồn viện trợ đến từ Liên Hiệp Quốc, từ việc vận động tài trợ của Lee Fitzgerald và nhiều cá nhân khác.

Dristi hiện có một trung tâm điều trị vào cửa tự do và một phòng khám mở cửa năm ngày/tuần. Có phòng ngủ cho bệnh nhân lưu trú đến 28 ngày. Họ có thời khóa biểu với những hoạt động lành mạnh như tập yoga, tư vấn và cả dạy nghề như làm nến, đan giỏ, làm móc khóa để bán. Dristi hỗ trợ việc tư vấn, khám thai, phát bao cao su miễn phí và hướng dẫn chương trình cai nghiện trong 28 ngày.

Hiện Fitzgerald vẫn miệt mài đi thuyết trình, tổ chức sự kiện để vận động tài trợ cho Dristi với mong muốn có đủ kinh phí mua hẳn một căn nhà để các bệnh nhân không phải thay đổi chỗ ở liên tục.

PHAN QUỲNH DAO (Theo Stella)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI