Nỗi đau ẩn giấu sau gương mặt khóc, cười

10/10/2018 - 10:00

PNO - Dự án Let's Talk là tập hợp các câu chuyện kể bằng hình ảnh, với mục đích giúp mọi người hiểu hơn về trầm cảm, sức khỏe tâm thần, từ chia sẻ của chính những người trong cuộc.

“Tôi từng phải bỏ ngang một năm đại học vì trầm cảm. Điều may mắn nhất là mọi người đã ở bên cạnh, lắng nghe câu chuyện và nâng đỡ tôi” - lời chia sẻ cũng chính là động lực để Charlie Clift (sống ở Anh) lập nên dự án kể chuyện bằng hình ảnh “Let’s Talk”. 

Một năm nghỉ học, xách máy ảnh lang thang khắp nơi đã cho Charlie Clift cơ hội nhìn ngắm vẻ mặt của vô số người quen, lạ. Họ nói cười vui vẻ, rôm rả nhưng phía sau là điều gì đó bất ổn mà Charlie mơ hồ nhận ra. Với dự án “Let’s Talk”, Charlie hợp tác cùng họa sĩ Kate Forreste tạo nên những bức chân dung ấn tượng, kể được câu chuyện ở tầng sâu nội tâm vốn không dễ phơi bày. 

Ở Anh, 25% số người được hỏi trong các cuộc khảo sát về sức khỏe tâm thần thừa nhận rằng, họ phải chịu đựng bệnh tâm lý. Đây là tỷ lệ phổ biến ở các quốc gia mà ở đó, người dân rất coi trọng sức khỏe tâm thần. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, tỷ lệ này là khoảng 50 -70%. Dưới đây là thổ lộ của người trong cuộc về những bất ổn tâm lý, tâm thần của họ cũng như cách để họ vượt qua. 

Sue Perkins (diễn viên - người dẫn chương trình): “Chúng ta đã vô tình bỏ mặc bản thân”

Noi dau an giau sau guong mat khoc, cuoi
 

Tôi phải sống cùng khối u lành tính ở tuyến yên từ nhiều năm qua và chính khối u này khiến não tôi không hoạt động bình thường. Nó sẵn sàng “kích hoạt” chế độ rối loạn hoảng sợ. Tôi luôn có cảm giác nặng nề, luôn tưởng tượng rằng, ai đó đang gí súng vào đầu mình. Rồi tôi học cách quen dần với cảm giác đó và tiếp tục cuộc sống.

Khi viết ra những cảm xúc trên gương mặt mình thế này, tôi có cơ hội trò chuyện và cam kết với chính mình rằng: tôi sẽ giúp tôi. Nếu bạn đang chịu đựng chứng rối loạn lo âu hay rối loạn hoảng sợ, điều đó không có nghĩa bạn yếu đuối, không có khả năng hay bạn là một người nhàm chán. Tất cả xuất phát từ thực tế rằng, chúng ta đã vô tình bỏ mặc bản thân.

Nathaniel Cole (nhà nghiên cứu tự do): “Người thân, bạn bè cho tôi điểm tựa”

Noi dau an giau sau guong mat khoc, cuoi
 

Tôi đang sống cùng chứng trầm cảm và đang nỗ lực giúp mình vượt qua. Hằng ngày, tôi duy trì nhịp công việc và nhịp sống, không cho mình có khoảng thời gian quá dài để vùi mình trong chán chường. Tôi học cách sống cân bằng, tạo khoảng thời gian thảnh thơi đi bộ, chầm chậm lại để kết nối với chính mình.

Trầm cảm như một con quái vật níu bạn lại, nhưng tôi sẽ không đầu hàng. Khi biết mình không thể chịu đựng được, tôi sẽ tìm đến người thân, bạn bè, người yêu và họ sẵn lòng ở bên cạnh tôi, cho tôi điểm tựa để tin rằng giai đoạn khó khăn này rồi sẽ qua. Viết được những dòng này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. 

Bryony Gordon (nhà báo): Đối diện với âu lo

Noi dau an giau sau guong mat khoc, cuoi
 

Tôi mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và tôi hiểu đây chỉ là một trong hàng ngàn bệnh tâm lý của thời đại mà chúng ta phải đối diện. Đôi khi, tôi nhận ra bộ não chẳng chịu nghe lời, nó khiến tôi nghĩ mình là kẻ tồi tệ, đụng đâu sai đó và thường xuyên lo lắng những chuyện vô cớ, và những người thân yêu có lúc “chẳng thở nổi” với những hành vi oái oăm của tôi.

Bóc trần bản thân thế này chẳng dễ chút nào, nhưng là cách duy nhất để tôi không còn phải gồng mình chịu đựng, xấu hổ, sợ hãi đối với vấn đề tôi đang gặp phải.

Oli Regan (diễn viên): Học cách củng cố niềm tin vào giá trị bản thân

Noi dau an giau sau guong mat khoc, cuoi
 

Từ lúc 7 - 8 tuổi, tôi luôn có cảm giác mình bị bỏ rơi trong chính gia đình, tôi cô đơn và lạc lõng. Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu tìm đến ma túy, rượu bia, xem đó là cách giải khuây, nhưng càng lúc, tôi càng ngập ngụa trong những cảm xúc tiêu cực. Trước mắt mọi người, tôi là một chàng trai sành điệu, vui tính nhưng bạn không biết đâu, có khi điều đau đớn nhất lại giấu phía sau nụ cười tưởng chừng sảng khoái nhất.

Năm 25 tuổi, bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn lo âu kèm rối loạn lưỡng cực, thiếu tập trung nghiêm trọng sau nhiều năm tôi đánh lạc hướng mọi người và chính mình, bỏ qua tiếng cầu cứu từ sâu trong tôi. Giờ đây, tôi đang trong hành trình tìm lại chính mình, học cách cho đi, học cách củng cố niềm tin vào giá trị bản thân. 

Lucy Allen (chuyên viên tham vấn tâm lý): “Đừng ngại nói ra vấn đề của bạn”

Noi dau an giau sau guong mat khoc, cuoi
 

Tôi là một nhà tham vấn tâm lý, điều đó không có nghĩa tôi miễn nhiễm với những vấn đề tâm lý. Tôi cũng có những lúc đối diện với khoảnh khắc tồi tệ, chuỗi ngày trầm cảm tưởng như mình bị nhấn xuống hố sâu của tuyệt vọng, buồn bã. Ban đầu, tôi không chấp nhận vì cho rằng mình là một người am hiểu lĩnh vực tâm lý, mình hiển nhiên sẽ tự cân bằng được. Nhưng không phải vậy, tôi càng tránh né đối diện với vấn đề của mình thì mọi thứ càng tồi tệ hơn. Cho đến khi tôi đồng ý gặp một chuyên viên tham vấn, mọi thứ mới bắt đầu khá lên. Đừng ngại nói ra vấn đề của bạn, dù bạn là ai.

Alastair Campbell (chuyên viên hỗ trợ vấn đề chính trị): Biến âu lo thành động lực

Noi dau an giau sau guong mat khoc, cuoi
 

Có những ngày buồn chán đến tột độ, tôi nghĩ đến sự sống và cái chết rồi chẳng muốn tồn tại trên cõi đời này nữa. Cảm giác ấy “đánh” vào thể chất, khiến tôi trở nên dễ sa sút hơn. Sau khi được hỗ trợ tâm lý, tôi dần nhận ra những lo âu, căng thẳng không phải là kẻ thù phải né tránh mà tôi cần biến những cảm giác ấy thành động lực để nghĩ cách làm việc hiệu quả hơn.

Tôi học được cách chú tâm vào những thứ cần thiết và bỏ qua những tiểu tiết. Đừng lo sợ và giấu đi những vấn đề tâm lý, vì có khi nó chính là “chất xúc tác” giúp bạn điều chỉnh lại cuộc đời, cách sống của mình.

Thiên Như (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI