Những nước cờ 'mặc cả' giữa Mỹ và Trung Quốc

04/03/2019 - 06:33

PNO - Chính quyền Canada sắp dẫn độ “công chúa Huawei” Mạnh Vãn Chu đến Mỹ để đối diện với 23 cáo buộc trong hai cáo trạng riêng biệt.

Đây là lúc thích hợp để Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi xuống đàm phán về việc “ngừng” hay “đánh” trong cuộc chiến thương mại.

Nước cờ Huawei của Mỹ

Trước khi đến Hà Nội tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Trump từng “mở lời” về khả năng tha Huawei, khép lại các cáo buộc hình sự gây bất lợi đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Khi Trump - Kim 2.0 đang diễn ra, ông Trump vẫn không quên “vấn đề” với Trung Quốc. Ngay trước thời hạn tăng thuế 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD lẽ ra áp dụng từ ngày 1/3, ông Trump thông báo Washington tạm hoãn lệnh này cho đến khi ông và ông Tập có cơ hội gặp nhau.

Nhung nuoc co 'mac ca' giua My va Trung Quoc
Tổng thống Trump nói, có thể tha cho Huawei, nhưng thực tế, Mỹ đang dùng Huawei để đàm phán thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Ngày 1/3 là thời điểm chính quyền Trung Quốc cần có động thái đáp lại những gì ông Trump ngầm gửi gắm. Nếu không, bất lợi về phía Huawei và Trung Quốc là điều khó tránh. Canada, trong ngày 1/3, khẳng định đang chuẩn bị thủ tục dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Huawei - sang Mỹ. Dù tuyên bố chính thức có thể đến 6/3 mới đưa ra và quá trình dẫn độ sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng Trung Quốc và cả Huawei không thể không sốt ruột.

Ở thời điểm Tổng thống Trump mở lời về khả năng tha Huawei, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra cảnh báo cứng rắn tới các đồng minh: nếu họ sử dụng thiết bị của Huawei trong các dự án viễn thông, họ phải chấp nhận hậu quả là Mỹ sẽ tiến tới hạn chế và không chia sẻ thông tin cho họ nữa. Lời đe dọa cho thấy Mỹ không loại Huawei khỏi nước cờ đàm phán. Ông Trump dù từng nói không muốn gây khó dễ cho bất cứ doanh nghiệp nào của Trung Quốc, vì mong muốn cạnh tranh công bằng, nhưng thực chất, Huawei thường xuyên xuất hiện trên bàn đàm phán quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Huawei tất nhiên không đứng yên. Tập đoàn này đã chi rất nhiều tiền quảng cáo trên hàng loạt báo lớn của Mỹ như Washington Post, New York Times, Wall Street Journal, Politico, USA Today, Los Angeles Times để “mua” lại uy tín trước những đòn tấn công của Mỹ.

Đối nội rồi mới đối ngoại

Ngày 2/3, Tổng thống Trump đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ lập tức mọi hàng rào thuế quan đối với nông sản Mỹ. Trước đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết kết luận Trung Quốc đã trợ cấp cho ngành nông nghiệp vượt mức nước này đã cam kết khi gia nhập WTO. Đây là phán quyết có lợi cho nông dân Mỹ, đúng vào thời điểm Tổng thống Trump cần, để có thể “mạnh miệng” với Trung Quốc.

Sau vòng đàm phán Mỹ - Trung cuối tháng Hai vừa qua, liên quan đến căng thẳng thương mại, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ - Sonny Perdue đã đăng lên Twitter cá nhân thông tin Trung Quốc cam kết mua thêm 10 triệu tấn đậu nành từ Mỹ. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy Trung Quốc không muốn hợp tác trong lĩnh vực nông sản với Mỹ đứt gánh giữa đường. Hiện nông dân Trung Quốc đang dõi theo từng biến động trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong năm 2018, 1/3 lượng đậu nành Mỹ sản xuất được xuất sang Trung Quốc, với giá trị các hợp đồng lên đến 14 tỷ USD. Không phải ngẫu nhiên ông Trump nhấn vào nông sản. Nông dân Mỹ là những người trung thành với đảng Cộng hòa và ưu tiên quyền lợi của nông dân là điều không thể khác trong chính sách của Tổng thống Trump.

Ông chủ Nhà Trắng dù muốn thay đổi, đưa ra những chính sách đối ngoại nào thì đối nội vẫn là vấn đề quan trọng. Đây vốn là đặc điểm trên chính trường Mỹ. Trong khi lưỡng đảng, đặc biệt là những người thân cận với Tổng thống Trump đang dõi theo những diễn biến sau cáo buộc bất lợi mà cựu luật sư riêng Cohen của ông Trump đưa ra thì ông đã lái câu chuyện sang hướng tìm kiếm sự ủng hộ đối nội, từ việc đưa quyền lợi quốc gia ra trước tiên.

Bước đi kịp thời của ông Trump đã khiến dư luận chuyển sang cuộc chiến thương mại hơn là những cáo buộc “xấu xí” dành cho Tổng thống Mỹ. Ông Trump hiểu người dân Mỹ cần gì. Họ cần việc làm và cần thấy mình không bị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đe dọa. Ông Trump - người luôn giỏi mặc cả trên bàn đàm phán kinh tế - đã tận dụng được chi tiết này để thuyết phục cử tri tin ông.

Điều khiến Tổng thống Trump, lúc này, phải cố hút sự chú ý của người dân vào kinh tế là thực tế nền kinh tế Mỹ không đạt mục tiêu tăng trưởng 3% mà chính quyền Donald Trump đề ra trong năm 2018. Đây là kết quả đáng thất vọng của Washington, bất chấp gói cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD và chương trình chi tiêu rộng rãi của chính phủ Mỹ. Thêm một thông tin bất lợi khác: các chuyên gia kinh tế Mỹ dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ yếu đi trong thời gian tới.

Hiện tại, như lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin - tiết lộ ngày 28/2, Mỹ và Trung Quốc đang thương thảo quanh một văn kiện dài 150 trang và nó có thể trở thành “một thỏa thuận rất chi tiết”. Nếu thỏa thuận này tháo gỡ được những gút mắc của người dân Mỹ, ông Trump sẽ ghi điểm với cử tri. Nếu không, những rắc rối hiện có sẽ khiến ông Trump chật vật trong nửa cuối nhiệm kỳ. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI