Những nữ anh hùng trên bầu trời

12/02/2017 - 10:47

PNO - Truyền thông thế giới đồng loạt tôn vinh nữ tiếp viên hàng không Shelia Fedrick là anh hùng, khi câu chuyện cô cứu nguy cho nạn nhân 14 tuổi thoát khỏi kẻ buôn người từ sáu năm trước được kể.

Thực tế, Shelia không đơn độc, hàng ngày, hàng giờ, trên những chuyến bay, đội ngũ tiếp viên hàng không vẫn đang ra sức bảo vệ hành khách khỏi nạn buôn người.

Nhung nu anh hung tren bau troi
Nữ tiếp viên hàng không Shelia Fedrick

 Theo báo cáo của tổ chức nhân đạo phi chính phủ Human Rights First vào năm 2016, ngành công nghiệp buôn người ảnh hưởng cuộc sống của 20,9 triệu nạn nhân trên toàn thế giới mỗi năm.

Qua đó thu về 150 tỷ USD lợi nhuận; bao gồm 99 tỷ USD đến từ phân khúc môi giới mại dâm, 34 tỷ USD từ lao động nặng, 9 tỷ USD từ lĩnh vực nông nghiệp và phần còn lại thuộc về nhóm dịch vụ tại nhà. Chỉ tính riêng tại Mỹ, hằng năm có hơn 50.000 phụ nữ và trẻ em gái từ nước ngoài bị bán sang đây làm gái mại dâm.

Dù vậy, hiện quốc tế chỉ dành vỏn vẹn 124 triệu USD mỗi năm để chiến đấu chống lại nạn buôn người.

Với mức kinh phí eo hẹp như thế, những nữ tiếp viên hàng không vô tình trở thành lực lượng nòng cốt giúp bảo vệ nạn nhân. Năm 2000, Quốc hội Mỹ thông qua Ðạo luật Bảo vệ nạn nhân buôn người, tiền đề cho Chiến dịch Xanh của chính phủ.

Ðây là sáng kiến đầu tiên giúp phối hợp và tăng cường nỗ lực chống buôn người của Bộ An ninh nội địa và Sở Giao thông Vận tải. Chìa khóa cho thành công của sáng kiến này, chính là sự tham gia của những người lao động ở tuyến đầu trong ngành công nghiệp hàng không.

Nhung nu anh hung tren bau troi
Ðội ngũ tiếp viên hàng không tại Mỹ phải hoàn thành khóa đào tạo đặc biệt nhằm nắm vững kỹ năng xác định kẻ buôn người và hỗ trợ nạn nhân.

Ðội ngũ tiếp viên hàng không tại Mỹ phải hoàn thành khóa đào tạo đặc biệt nhằm nắm vững kỹ năng xác định kẻ buôn người và hỗ trợ nạn nhân. Họ là những quan sát viên có tay nghề cao tạo nên tiền tuyến chống lại nạn buôn bán người.

Các dấu hiệu thường thấy trong những vụ việc bao gồm: một du khách kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của người đi cùng hay hạn chế sự di chuyển và tương tác của họ với những hành khách khác; người lớn nhưng không nắm rõ chi tiết hành trình hay đích đến cuối cùng của chuyến bay; trẻ em đi kèm một người tự xưng là cha mẹ hoặc người giám hộ nhưng lại không hề liên hệ về mặt giấy tờ.

Trong trường hợp của Shelia Fedrick, hình ảnh tương phản giữa cô gái trẻ, tóc vàng khoảng 14 tuổi đi cùng người đàn ông trung niên ăn bận bảnh bao trên chuyến bay của hãng Alaska Airlines từ Seattle đến San Francisco năm 2011 chính là dấu hiệu cần quan tâm.

Theo lời kể của Shelia, cô gái biểu lộ trạng thái hoảng loạn và né mọi ánh nhìn hay trả lời câu hỏi từ nữ tiếp viên. Thay vào đó, người đàn ông ngồi cạnh liên tục ngắt lời và bày tỏ sự khó chịu khi Shelia cố gắng tiếp xúc với bé.

Cảm thấy điều bất thường, Shelia lên kế hoạch, thuyết phục nạn nhân đi vào phòng vệ sinh, nơi cô kẹp sẵn tấm giấy với lời nhắn trên gương. “Cô bé đáp lại bằng một lời cầu cứu”, Shelia cho biết. Tiếp đến, người nữ tiếp viên với 10 năm kinh nghiệm nhanh chóng báo cho cơ trưởng và cảnh sát chìm trên chuyến bay. Kết quả, cô gái trẻ được giải thoát còn kẻ xấu bị bắt giữ.

Cơ quan chuyên trách về trẻ em và gia đình bang Florida (DCF) cho biết rằng trong năm 2016, họ nhận tổng cộng 1.892 báo cáo về nạn buôn người. Tăng 54% so với năm 2015.

Ðây là kết quả khả quan từ chương trình đào tạo bắt buộc của các hãng hàng không. Nữ tiếp viên Heather Poole của hãng American Airlines nói với trang Mashable rằng cách đây vài năm, khi bắt gặp một nhóm những cô gái trẻ bận quần jeans, áo thun trên chuyến bay từ Los Angeles đến New York giữa mùa đông và chẳng hề nói với nhau một câu tiếng Anh nào trên suốt chuyến bay.

Cô cảm thấy có điều bất ổn, nhưng lại chẳng biết phải làm gì trong trường hợp đó. Thế nhưng mọi thứ dần thay đổi, những buổi đào tạo từ hãng hàng không giúp Heather và các đồng nghiệp nhận biết về nạn buôn người.

Thậm chí theo Heather, vấn nạn tồn tại ở mọi nơi trong xã hội, chứ không chỉ tại sân bay.

Gần khu vực Heather sinh sống, có tổng cộng 88 tiệm massage với rất nhiều dấu hiệu khả nghi như lắp camera bên ngoài, cửa sổ buông kín rèm, khách nam ra vào nườm nượp còn nhân viên ít khi xuất hiện, một trong số đó vừa bị cảnh sát đóng cửa vì tội kinh doanh mại dâm, nhưng một vài cơ sở khác liền mọc lên thay thế.

Tất cả những gì cô có thể làm là tham gia cùng một nhóm các bà mẹ trong khu vực bảo vệ con em mình tránh xa những điểm đen nguy hiểm.

 Bảo Tùng (Theo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI