Những cô gái Chevening

27/01/2017 - 19:30

PNO - Nhật Trâm là một trong những cô gái Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh với chồng tôi - Alex Curtis (làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh và tham gia điều phối học bổng Chevening).

Một ngày cuối năm 2016, tôi nhận được email từ Phan Nhật Trâm. Hai tháng trước, em vừa tạm biệt vợ chồng tôi để về lại Việt Nam, sau một năm học thạc sĩ theo chương trình học bổng Chevening.

Nhật Trâm có vóc dáng nhỏ nhắn, tóc đen dài, ánh mắt sáng lấp lánh. Em hay thủ thỉ: “Chị ơi, em chưa học bài xong, trong khi các bạn ai cũng xong bài và đi chơi hết rồi”. Và, cô gái hay lo này là người đứng nhất lớp.

Nhung co gai Chevening
Phan Nhật Trâm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trâm là một trong 26 cô gái Việt Nam giành được học bổng Chevening năm học 2015-2016, trong tổng số 32 học bổng được dành cho Việt Nam. Các em đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, vài bạn ở Hà Nội và TP.HCM, còn lại là từ khắp nơi: Vĩnh Phúc, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, An Giang. Riêng Trâm đến từ Đà Lạt.

Ngoài khả năng tiếng Anh, các em đều có cái vẻ đáng yêu của những nữ trí thức trẻ, ham học hỏi, khiêm tốn và tận tình giúp đỡ nhau. Vì yêu mến Trâm, chúng tôi đã dành ba ngày trong chuyến về Việt Nam gần đây để đến Đà Lạt thăm gia đình em. Bố mẹ Trâm là công chức về hưu, rất hiền lành. Họ bình tĩnh đón nhận thành công của con gái và tuy Trâm là con một nhưng họ sẵn sàng cho cô đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cô thích, khuyến khích con học hỏi không ngừng.

Nhung co gai Chevening
Các cô gái Việt Nam luôn chuyên tâm học hành - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chiếc tủ nhỏ của Trâm đầy những chứng nhận học bổng từ khi còn rất nhỏ. Em từng nhận học bổng toàn phần của Trường RMIT, tham gia chương trình trao đổi sinh viên JENESYS ở Nhật và cuộc thi khoa học quốc tế ISEF tại Mỹ. Tuy nhiều thành tích nhưng đường đến học bổng Chevening của Trâm không hề dễ dàng. Em dành nhiều thời gian để đầu tư vào hồ sơ, đọc nhiều tài liệu liên quan đến chương trình học.

Bên trong cô gái nhỏ nhắn ấy là một  ý chí vô cùng mạnh mẽ. Khi đã cam kết điều gì, cô luôn quyết tâm hoàn thành: từ việc chạy hai vòng quanh hồ Xuân Hương mỗi buổi sáng dù mưa hay nắng cho đến việc chiến thắng bản thân mỗi khi thất bại để kiên trì hướng đến cái đích cuối cùng là đạt học bổng Chevening.

Điểm chung của những cô gái Chevening đến từ Việt Nam là giản dị, chuyên tâm học hành và được sự dạy dỗ chu đáo của gia đình. Các em đều biết khả năng du học tự túc là rất khó, nên đã sớm tự lực tìm học bổng.

Nhung co gai Chevening
Nguyễn Thị Như Quỳnh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nguyễn Thị Như Quỳnh (Vĩnh Phúc) có nụ cười rất tươi. Em luôn truyền sự lạc quan đến người đối diện. Như Quỳnh chính là “đối thủ” luôn khiến Trâm lo lắng vì sự năng nổ xông xáo. Trong một năm ở Anh, Quỳnh đã kịp lang thang gần hết châu Âu mà vẫn hoàn tất việc học một cách xuất sắc.

Bố mẹ em cũng là công chức nhà nước, con đường học tập của em là do em tự lực phấn đấu. Quỳnh hoạt bát, dễ kết giao. Cô chia sẻ: “Việc học ở trường luật tuy vất vả nhưng môi trường rất thoải mái, lại không mất tính nghiêm túc và cống hiến trong học thuật. Nhờ vậy, em vừa học vừa chơi nhưng vẫn hoàn thành tốt chương trình”.

Ngày trở về, gia đình và bạn bè đều thấy Quỳnh trưởng thành hơn rất rõ, như em đúc kết: “Điều quan trọng nhất em học được từ Anh là tất cả những gì mình muốn sẽ đến từ sự chăm chỉ làm việc, chứ không nên kêu than, đòi hỏi”.

Đỗ Ngọc Thảo đến từ Đăk Lăk, gây ấn tượng với người đối diện bằng lý lẽ sắc bén khi tranh luận. Thảo ít nói về bản thân, nhưng qua những lần trò chuyện, tôi vô tình biết được thành tích đáng gờm của em: được Bộ Ngoại giao Mỹ chọn tham gia chương trình YSEALI; số lần Thảo tham gia hoạt động thiện nguyện nhiều đến không nhớ nổi và em đã được chương trình Chevening tuyên dương vì sự năng nổ đó.

Thảo nuôi ý tưởng soạn một cuốn cẩm nang hướng dẫn cho thế hệ đàn em từng bước gia nhập vào cộng đồng Chevening. Thảo tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, từ nhỏ đã sớm tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn (vì Kon Tum là một trong những vùng còn nghèo khó của đất nước).

Vì thế, em rất quan tâm đến những công tác xã hội như làm thế nào để trẻ em được đến trường, người ốm được chăm sóc y tế, công nhân không chạy ăn từng bữa... Lớn lên, vào TP.HCM học, có cơ hội được đi nhiều, em càng hiểu và thông cảm hơn với cuộc sống của người lao động. Em đã lập một nhóm thiện nguyện dạy học cho trẻ em nghèo và khuyết tật”. 

Việc trúng tuyển học bổng Chevening đã cho Thảo cơ hội tích lũy tốt hơn trong lĩnh vực thiện nguyện, vì Anh là một trong những nước rất quan tâm đến vấn đề này, với những tổ chức cứu trợ như Plan, Oxfam, Save the Children... đã hoạt động từ hàng chục năm qua, mang đến nhiều thay đổi cho hàng triệu người ở khắp thế giới.

Học tập ở Học viện Phát triển (Insitute of Development Studies) - một trong những học viện hàng đầu thế giới, tiếp xúc với các giáo sư đầu ngành và sinh viên đến từ nhiều nước là một may mắn to lớn với Thảo.

Những cuộc thảo luận hàng giờ trong lớp, những bài luận viết thâu đêm giúp em hiểu hơn rằng Việt Nam, cũng như hầu hết các nước đang phát triển khác, đang phải đối diện với các vấn đề như nghèo đói, ô nhiễm môi trường, thiếu chính sách… Để giải quyết, cần có sự tiếp cận bền vững và huy động nhiều đối tượng trong xã hội tham gia.

Cuối năm 2015, Thảo được đề cử giải thưởng Forbes 30 Vietnam under 30, hạng mục Phát triển xã hội dành cho cá nhân có đóng góp trong lĩnh vực phát triển xã hội và giải đồng của Chevening trong cuộc thi Tình nguyện viên.

Kim Anh, ở Thủ Đức, TP.HCM, có vẻ chững chạc hơn so với bạn khác. Hóa ra, cô đã có con nhỏ ba tuổi đang được nhà chồng chăm sóc để cô đi học. Kim Anh cho biết: “Gia đình hai bên đều có truyền thống ham học, nên việc người thân thay em chăm con để em đi học xa là chuyện bình thường”.

Nổi bật trong số những bạn đạt học bổng từ nhiều khóa là Nguyễn Hồng Hải Đăng, cô gái Sài Gòn có gương mặt như học sinh trung học, hiện là giảng viên Trường RMIT. Đăng từng được học bổng toàn phần của RMIT, có nhiều bài báo giá trị đăng trên các tạp chí khoa học, luận văn thạc sĩ của Đăng được trình bày ở hội nghị khoa học tại Canada.

Đăng được nhân viên sứ quán chọn làm gương mặt tiêu biểu ở các buổi nói chuyện truyền lửa cho đàn em. Ở cô có sự tự tin ngây thơ và đáng yêu kiểu “Mình thích thì mình làm thôi!”. Chính Đăng là người hướng dẫn Phan Nhật Trâm đi theo con đường của mình, khi Trâm còn chưa đủ tự tin vào bản thân.

Học bổng Chevening chỉ là một trong những trạm dừng tiếp thêm kinh nghiệm cho Đăng trên con đường sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Trường Oxford Internet Institute theo chương trình Chevening, những cánh cửa bước lên bậc tiến sĩ của nhiều nước đang chào đón Đăng.

Nhung co gai Chevening
Nguyễn Thu Hà là một trong những cựu sinh viên Chevening tích cực truyền lửa cho thế hệ sau - Ảnh do nhân vật cung cấo

Nói về việc truyền lửa cho đàn em, không thể quên luật sư Lưu Hoàng Hà, hiện làm tại Công ty luật Quốc Tế Việt Nam (Vilaf International Law Firm). Hoàng Hà giành được học bổng này năm 1998-1999, khi Chevening chỉ trao vài học bổng cho toàn Việt Nam. Hà tự nguyện làm cánh chim đầu đàn, miệt mài kết nối các thành viên Chevening; tiếp sức và động viên thế hệ sau tham gia.

Anh đã hướng dẫn thành công cho Bùi Võ Phương Thảo, nhân viên của công ty, giành được học bổng năm nay. Trước đó, anh cũng “mát tay” dìu dắt cho Nguyễn Thị Như Quỳnh và Bùi Minh Hồng (được học bổng Endeavour của chính phủ Úc).

Nguyễn Thu Hà cũng là một thành viên tích cực duy trì ngọn lửa Chevening trong giới trẻ Việt Nam. Thu Hà nhận học bổng Chevening năm 2005, đang làm việc trong ngành thời trang trẻ em.

Ở tất cả họ, tôi nhận thấy sự nhiệt tình muốn truyền hết đam mê được học hỏi, tiếp cận với nền giáo dục mới. Họ đầy ắp sự cởi mở, chia sẻ chân thành không vụ lợi, tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ để giúp đỡ đàn em.

Nhung co gai Chevening
Nghiên cứu sinh Việt Nam, niên khóa 2015-2016 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Hoàng Hà đã dành rất nhiều thời gian nhằm tăng thêm nguồn kinh phí từ chính phủ Anh để duy trì hoạt động của hội Chevening, chỉ với mục đích ngày càng có nhiều người Việt Nam giành được học bổng. Chị Thu Hà trở thành một “địa chỉ” để các em tìm đến nhờ hướng dẫn hoặc điều chỉnh hồ sơ, viết lý lịch...

Cả hai còn là điểm tựa khi các cựu Chevening hụt hẫng trong buổi đầu trở về. Với tư cách của người đi trước, họ luôn nhắn nhủ các em trong gia đình Chevening, rằng học bổng không phải là chìa khóa vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Sẽ có những cú sốc khi trở về, những khó khăn khi tìm việc.

Ước mơ của Hoàng Hà là thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, tập hợp các cựu nghiên cứu sinh của học bổng Chevening, mở rộng mạng lưới để nhiều người biết đến học bổng này hơn.

Phan Quỳnh Dao (London, tháng 1/2017)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI