Những câu chuyện chỉ người châu Á mới cười

21/12/2018 - 15:30

PNO - Đối với nhiều người gốc Á trẻ tuổi sống ở nước ngoài, trang Facebook “Những đặc trưng châu Á” đã trở thành hiện tượng văn hóa giúp gắn kết cả một thế hệ.

Những câu chuyện cười và “meme” (ảnh châm biếm), đặc biệt là về cuộc sống của những người di cư thế hệ đầu tiên, khiến trang này trở nên cực kỳ phổ biến, thu hút gần một triệu người tham gia kể từ khi xuất hiện vào tháng Chín.

Ai cũng có thể đăng bài trong trang này, và nhiều khi dấy lên tranh luận về bản sắc văn hóa. Thành công nhanh chóng của trang khiến những người sáng lập, gồm chín học sinh trung học người Úc gốc Hoa sống ở Melbourne, cũng cảm thấy bất ngờ. 

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
Những thành viên lập ra trang "Những đặc trưng châu Á" không hề nghĩ rằng nhóm của họ có thể phát triển mạnh mẽ như hiện tại.

Đồng sáng lập trang “Những đặc trưng châu Á”, Kathleen Xiao, 18 tuổi, cho biết: "Chúng tôi thích các meme, truyện cười về văn hóa châu Á, việc sinh trưởng ở nước ngoài và chỉ muốn tạo một nơi để chia sẻ các câu chuyện với nhau”.

Anne Gu, 18 tuổi, một người sáng lập khác, nói rằng họ rất vui mừng khi nhóm đạt được 1.000 thành viên nhưng "bây giờ mọi thứ thật điên rồ". Theo Anne, ý tưởng ban đầu chỉ đơn giản là chia sẻ những câu chuyện cười về cuộc sống gia đình, những "phút bối rối" trong văn hóa châu Á và trà sữa trân châu.

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
"Khi bạn đến dự tiệc ở nhà một người gốc Á, và họ đưa cho bạn các đôi dép đi trong khách sạn để dùng"

“Những đặc trưng châu Á” là gì ?

Các bài đăng bao gồm một loạt các chủ đề khác nhau, nhưng thường tập trung vào việc trẻ gốc Á trải nghiệm ra sao về cuộc sống di cư tại một nền văn hóa phương Tây. Đó là lý do tại sao hầu hết các thành viên là những người trẻ tuổi từ Úc, Mỹ, Canada và Vương quốc Anh, chứ không phải là những người hiện sống ở châu Á.

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
Kathleen Xiao (trái) và người bạn của cô. Cả hai đều là người Úc gốc Hoa.

Kathleen Xiao tin rằng trang này rất phổ biến vì nó nói lên "những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của chúng tôi mà trước đây không ai nói đến".

Nhiều meme nói về phong tục gia đình, chẳng hạn như đun sôi nước để uống hoặc dùng ngón tay để đo lượng nước hoàn hảo khi nấu cơm.

Những trò đùa khác tập trung vào trải nghiệm trở thành một người châu Á thế hệ đầu tiên trong xã hội phương Tây, và đôi khi là "cách đấu tranh để đạt được sự cân bằng giữa hai nền văn hóa”.

Có những meme về việc "không đủ chất châu Á", chẳng hạn như những rủi ro song ngữ, khó khăn với bài tập về nhà, hay cơn nổi loạn chống lại các quy tắc và truyền thống gia đình. Sau đó, có những bài viết đề cập đến trải nghiệm phân biệt chủng tộc, hoặc nôm na là "không đủ trắng".

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
Nỗi khó khăn khi phải giải thích với ai đó rằng bạn là ai.

Một đề tài hài hước phổ biến là "cha mẹ châu Á" - vốn hay được miêu tả là những người cứng nhắc, nghiêm khắc và có phần độc đoán. Một trong những bài đăng phổ biến nhất của nhóm ghi rằng: "Một hôm tôi nói với mẹ rằng tôi không ăn sáng".

Ở phần bình luận, nhiều người so sánh sự giống nhau đến kỳ lạ với những tin nhắn từ chính mẹ của họ, đặc biệt là những câu như: "Tối qua mẹ không thể chợp mắt vì nghĩ đến con".

Anne Gu nói rằng trang facebook được thiết kế để "gắn kết mọi người". Một số người dùng đã gửi thông điệp cảm ơn của quản trị viên. Anne kể: "Một cô gái nói rằng đây là lần đầu tiên cô ấy cảm thấy sự thân thuộc trong một nhóm đầy những người lạ".

Kathleen Xiao nói thêm rằng trang facebook này giúp cô nhận ra những trải nghiệm của mình rất phổ biến.

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
Bỏ một bữa sáng, và đây sẽ là tin nhắn của mẹ bạn sau đó. "Mẹ vô cùng bực bội khi nghe tin con bỏ bữa sáng và ngồi trong lớp học 2 giờ liền với cái bụng rỗng cho tới 12 giờ trưa. Mẹ không thể ngủ được vì chuyện này. Thường xuyên để bụng rỗng hơn 12 giờ trong khi phải vận động nhiều như con, thì không tốt cho sức khỏe chút nào, đặc biệt là khi con phải học và căng thẳng như dạo gần đây. Mẹ có một người bạn thân thời đại học, chồng cô ấy tốt nghiệp loại ưu ở Đại học Princeton và là nhà đầu tư hàng đầu ở Phố Wall. Chú ấy phải từ bỏ công việc yêu thích vì vấn đề đường ruột và bệnh tiểu đường vì thói quen ăn uống không điều độ. Mẹ không muốn con cũng như vậy. Ăn uống điều độ cực kỳ quan trọng cho sức khỏe, cho cuộc sống và sự nghiệp của con. Hy vọng con sẽ chú tâm hơn tới bữa sáng. Dưới đây là bài báo để con tham khảo..."

Sống "hài hòa"

Giống như các nhóm internet khác cố gắng mang lại cái nhìn sâu sắc về bản sắc văn hóa, có một số thách thức cố hữu mà trang “Những đặc trưng châu Á” phải đối mặt.

Một số chỉ trích ban đầu cho rằng nhóm không bao quát tất cả các nền văn hóa châu Á, vì hầu hết các bài viết chỉ liên quan đến vùng Đông Á.

Anne Gu nói rằng các quản trị viên ưu tiên phát triển nội dung đa dạng hơn. Và trong 5 quy tắc của nhóm, người dùng được khuyến khích "nói về tất cả các chủng tộc châu Á".

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
Khi bạn nói với mẹ rằng bạn ra ngoài. Thay vì câu chào như ở các nước phương Tây, các bà mẹ châu Á quan tâm hơn rất nhiều. "Con đi đâu? Làm gì? Với ai? Khi nào về? Suốt ngày toàn đi chơi. Đây là cái nhà hay khách sạn ? Rồi lại tiêu tiền vô bổ. Chẳng thể dành thời gian cho ba mẹ, chỉ biết đi là giỏi..."

Những ý kiến chỉ trích cho rằng các meme về cha mẹ "hà khắc" củng cố thêm định kiến ​​tiêu cực về người châu Á. Thậm chí một người dùng trên Reddit đã đánh đồng sự hài hước với việc phân biệt chủng tộc.

Anne Gu thừa nhận, một số bài viết hài hước thể hiện sự rập khuôn, nhưng hầu hết người xem "đồng ý với bản sắc văn hóa của họ".

Những bài đăng như vậy cũng có thể giúp mọi người "trải nghiệm những mặt tiêu cực tiềm ẩn trong thời thơ ấu dưới một ánh sáng hài hước và tích cực hơn ... giống như quá trình chữa lành thông qua sự hài hước".

Nhung cau chuyen chi nguoi chau A moi cuoi
Chẳng thể nào biết được giờ chính xác tại nhà vì các đồng hồ đều được chỉnh nhanh hơn 5-10 phút.

Anne nói thêm rằng trang này cũng đã khắc sâu niềm tự hào về văn hóa, điều mà cô không ngờ tới: "Tôi hy vọng nó cũng mang lại cho người khác sự tự tin, để không quá ngại ngùng về văn hóa của họ".

Linh La (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI