Những bé gái 'khác thường'

31/05/2015 - 14:53

PNO - PN - Chủ nhân của giải Nobel hòa bình Malala Yousafzai đã làm được điều ít người dám: dũng cảm dùng mạng sống để bảo vệ quyền được đến trường của các em gái Pakistan.đẩy lùi cơn ác mộng mà chính mình và những người xung quanh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung be gai 'khac thuong'

Malala (trái) và Mezon - Ảnh: Huffington Post

Đó là Hadiqa Bashir (14 tuổi), cô bé sống ở thung lũng Swat, phía Tây Bắc Pakistan. Swat từng được mệnh danh là chốn thiên đường, nhưng kể từ khi phiến quân Taliban chiếm đóng, nó trở thành “vùng đất chết”. Cái chết đến từ sự cản trở những quyền cơ bản nhất của con người. Ở thung lũng Swat, giờ đây không ai còn xa lạ với Hadiqa. Cuộc chiến mà cô bé theo đuổi là chiến dịch nói không với vấn nạn tảo hôn. Một khi bé gái lập gia đình, mọi cánh cửa hòa nhập xã hội sẽ đóng sập lại. Các em mãi mãi không được tiếp cận bất cứ nguồn tri thức nào mà chỉ biết phục tùng gia đình chồng.

Chứng kiến những bi kịch tiếp nối từ bạn học, bạn hàng xóm, Hadiqa không thể ngồi yên. Sau giờ học, em tìm đến những gia đình lân cận để trò chuyện với các bạn gái và phụ huynh về tác hại, hệ lụy của việc kết hôn sớm. Hadiqa lấy chuyện thực tế để thức tỉnh các ông bố bà mẹ. Sự nhẫn nại và bản lĩnh của Hadiqa khiến nhiều người lớn thừa nhận mình sai khi ép con gái kết hôn. Hadiqa không chọn cách đối đầu mà dùng chính kiến thức của mình giúp mọi người hiểu ra ngọn nguồn vấn đề.

Khác với bạn bè đồng trang lứa, cô bé gốc Nigeria, chào đời ở California (Mỹ) Zuriel Oduwole không mong được thư giãn, vui chơi sau giờ học mà chỉ muốn tập trung cho công việc. Em là nhà làm phim nhỏ tuổi nhất thế giới. 12 tuổi, Zuriel có “số vốn” kha khá với bốn phim tài liệu về các vấn đề ở châu Phi cùng những cuộc phỏng vấn 14 nguyên thủ quốc gia, trong đó có tổng thống các nước Tanzania, Liberia, Kenya, Nam Sudan, Nigeria…

Động lực để Zuriel “cháy” hết mình với những thước phim đó là nỗi đau đáu về nguồn cội, một châu Phi còn quá nhiều khó khăn để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Những câu hỏi Zuriel phỏng vấn nguyên thủ thường xoay quanh mối quan tâm tìm con đường phát triển cho châu Phi, để thế giới nhắc đến châu Phi không phải về vấn nạn mà là một nền văn hóa phong phú, đặc sắc.

Nhung be gai 'khac thuong'

Hadiqa Bashir đang trò chuyện cùng các bạn gái địa phương về tảo hôn - Ảnh: BBC

Zuriel “bén duyên” với phim tài liệu từ cuộc thi về nội dung cuộc cách mạng Ghana. Được khuyến khích, em tiếp tục tìm kiếm thông tin, viết kịch bản, tự sản xuất những bộ phim về châu Phi. Đó là “Educating and Healing Africa Out of Poverty” (Giáo dục và giúp châu Phi thoát nghèo) về sự liên minh châu Phi vào năm 1963.

Sau đó, năm 2014, Zuriel làm phim “Technology in Educational Development” (Công nghệ trong sự phát triển giáo dục). Tác phẩm mới nhất của cô bé được quốc tế công nhận là “A Promising Africa” (Một châu Phi đầy hứa hẹn) với cảnh quay bắt đầu từ quê cha ở Nigeria. Đây là bộ phim thành công nhất của Zuriel xét về mức độ lan tỏa.

Được mời đến nhiều quốc gia châu Phi để nói chuyện với học sinh về tầm quan trọng của giáo dục. Cho đến nay, thông qua dự án “Dream Up, Speak Up, Stand Up” (Dám ước mơ, dám bày tỏ và dám đứng lên), cô bé đã trò chuyện với 21.000 trẻ em ở chín quốc gia.

Nhung be gai 'khac thuong'

Zuriel Oduwole - Ảnh: www.nigerianmonitor.com

Được gọi với cái tên thân mật “Malala của người tị nạn Syria”, cô bé 16 tuổi Mezon Almellehan là gương mặt quen của cộng đồng người tị nạn Syria ở Jordan. Đều đặn mỗi sáng, Mezon đi đến từng túp lều tại trại tị nạn, và thuyết phục các gia đình cho con gái đi học thông qua sự hỗ trợ của hệ thống Malala Fund. Trước sự từ chối mạnh mẽ, thậm chí đe dọa bạo lực, Mezon chưa từng nao núng và sợ hãi.

Em chia sẻ: “Chúng ta có quyền đến trường và tôi tự nhận trách nhiệm kêu gọi cộng đồng hãy vì tương lai của trẻ em. Tôi tin rằng mình đủ thân thiện để trò chuyện và trở thành bạn đồng hành của những bạn gái khác”. Mezon Almellehan khâm phục những gì Malala đã làm, cô không ngại tìm gặp và chủ động đề xuất trở thành một trong những đại sứ cho dự án Malala Fund, nỗ lực đưa trẻ, nhất là trẻ em gái đến trường. Trong lễ trao giải Nobel hòa bình, Malala cũng mời Mezon đến chia vui và để tỏ lòng cảm kích cô gái trẻ này.

Càng bị bó buộc trong “vòng kim cô” của định kiến và hủ tục, những bé gái như Hadiqa Bashir, Zuriel Oduwole, Mezon Almellehan càng muốn thay đổi, thắp thêm những ngọn lửa hy vọng cho quyền trẻ em.

THIÊN ANH (Theo BBC, CNN, Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI