Nhiều nạn nhân cầu cứu, Myanmar đấu tranh chống bạo lực gia đình

16/08/2019 - 12:00

PNO - Theo khảo sát, có ít nhất 1/5 phụ nữ tại Myanmar bị lạm dụng, đánh đập. Con số được dự đoán cao hơn vì nhiều nạn nhân không báo cáo.

Nu Nu Aye, 22 tuổi, sống tại miền Nam Myanmar đang chăm con gái một tuổi của mình tại nhà. Cô nhớ lại những lý do mà chồng đưa ra để đánh đập là vì cô không chăm sóc con gà trống mà anh mua về, không làm tình với anh.

Trong một cuộc họp với trưởng làng, chồng của Nu Nu Aye nói rằng anh sẽ đánh vợ khi cần thiết. Tuy nhiên, cô khẳng định không chỉ đánh đơn thuần mà việc sử dụng bạo lực ngày càng trở nên tồi tệ hơn, thậm chí anh cố gắng siết cổ cô khi cô đang ngủ.

Nhieu nan nhan cau cuu, Myanmar dau tranh chong bao luc gia dinh
Nu Nu Aye, 22 tuổi chụp cùng con tại văn phòng của một tổ chức phi chính phủ dành cho phụ nữ bị lạm dụng ở Dawei, Myanmar

Khi Tổ chức Sức khoẻ và Dân số Hoa Kỳ mở cuộc khảo sát ở Myanmar, có ít nhất 1/5 phụ nữ bị chồng lạm dụng, đánh đập. Đây là con số thống kê được cho là thấp nhất vì nhiều trường hợp không được báo cáo. Tại Myanmar, không có luật cụ thể để chống lại bạo lực gia đình.

Những trường hợp như Nu Nu Aye được các nhà lãnh đạo địa phương giải quyết theo cách hoà giải, khuyên ngăn người chồng vì vấn nạn bạo lực gia đình, ở Myanmar, phần lớn được coi là chuyện riêng tư.

Nhieu nan nhan cau cuu, Myanmar dau tranh chong bao luc gia dinh
He Saw chụp cùng con trai. Cô cũng là một trong những nạn nhân của bạo lực gia đình

Cơ quan phòng chống bạo hành phụ nữ đầu tiên của Myanmar được thành lập bởi bà Aung San Suu Kyi – người đoạt giải Nobel Hoà bình đầu tiên. Khi đi vào hoạt động, nhiều người kỳ vọng tổ chức sẽ giúp được nhiều phụ nữ thoát khỏi hoàn cảnh tăm tối hiện tại. Tuy nhiên, bộ luật đầu tiên được đề xuất vào năm 2013 vẫn đang trong quá trình soạn thảo, tranh luận và sửa đổi liên tục.

Nhieu nan nhan cau cuu, Myanmar dau tranh chong bao luc gia dinh
Khin Wutt Yee, 33 tuổi, cho thấy một vết sẹo bị chồng đánh bằng cán chổi ngày 7/8 vừa qua

Ông Nang Phyu Lin, một trong các nhà hoạt xã hội nói rằng đã chờ đợi quá lâu cho bộ luật chống bạo hành phụ nữ, chống bạo lực gia đình ra đời. Sự chậm chạp trong hệ thống pháp lý dẫn đến nhiều tồn đọng, khó khăn cho chính người dân Myanmar, đặc biệt là phụ nữ.

Trong bộ máy nhà nước của Myanmar, ngoại trừ bà Suu Kyi, phụ nữ hầu như không có vai trò lãnh đạo và chỉ 10% đại biểu nữ được lọt vào danh sách bầu cử năm 2015 (Cuộc tổng tuyển cử toàn quốc tổ chức vào tháng 11/2015 – PV).

Nhieu nan nhan cau cuu, Myanmar dau tranh chong bao luc gia dinh
Kyu Win, 31 tuổi cho biết bị chồng đánh vì cho rằng cô tìm cách tán tỉnh những người đàn ông khác nhưng sự thật không phải vậy

Bộ luật Hình sự của Myanmar, có từ thời thuộc địa Anh, rất mơ hồ và hiếm khi được sử dụng để truy tố các vụ bạo lực gia đình. Định nghĩa của Bộ luật này về nạn hiếp dâm vô cùng hạn hẹp và không bao gồm vấn nạn bạo lực gia đình.

Một người phụ nữ 28 tuổi, yêu cầu được giấu tên vì sợ bị trả thù nói với Reuters rằng cô cãi nhau với chồng về việc anh sử dụng ma tuý. Cô buộc phải tự bảo vệ mình và con trai bằng dao mà không có sự giúp đỡ của một ai khác.

Nhieu nan nhan cau cuu, Myanmar dau tranh chong bao luc gia dinh
Kyu Win đang sống tại nhà mẹ ruột vì không chịu được cảnh bạo lực khi ở cùng chồng

Một nạn nhân khác là Kyu Win, 31 tuổi cho biết cô bị chồng đánh vì cho rằng cô đang tìm cách tán tỉnh những người đàn ông khác. “Anh ta nắm tóc tôi kéo vật xuống đất. Tôi nói rằng nếu còn phải sống chung, tôi sẽ tự tử. Nhưng anh ta ngắt lời tôi. Anh ta cho rằng tại sao mọi người luôn nói về quyền của phụ nữ, còn quyền của nam giới thì sao?”, Kyu Win nói. Cô cho biết những người chứng kiến dường như phớt lờ những gì đang xảy ra trước mắt họ.

Minh Tú (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI