Nhân quyền tại Anh: Tiến thoái lưỡng nan

07/05/2013 - 07:00

PNO - PN - Tháng Tư vừa rồi, một tòa án tại Anh đã bác bỏ đề nghị từ Bộ Nội vụ đòi trục xuất một tội phạm buôn bán ma túy về nước, gây bất bình cho công luận.

Lý do của tòa rất nực cười: nếu bị trục xuất về Iraq, Hesham Mohammed Ali (36 tuổi) sẽ gặp nhiều trở ngại để hòa nhập với cuộc sống mới. Anh ta lại có con với hai phụ nữ người Anh (dù anh ta không hề cấp dưỡng hoặc liên hệ gì với chúng). Thêm nữa, anh ta cho rằng hình xăm lớn trên cơ thể khiến anh sẽ bị hành hung ở Iraq. Tòa án đã viện dẫn Hiệp định Nhân quyền để Hesham được ở lại Anh.

Hiệp định Nhân quyền châu Âu ra đời năm 1950, chính thức có hiệu lực tại Anh từ ngày 2/10/2010. Không thể phủ nhận mặt tích cực của hiệp định này như hủy bỏ án tử hình, bảo vệ thông tin cá nhân…, nhưng người ta dần nhận ra kẽ hở dễ bị lạm dụng. Hiệp định đã tạo ra hàng loạt vụ tranh chấp tốn kém, tư pháp lờ mờ, đặc biệt còn tạo ra tiền lệ thích đòi bồi thường tại Anh. Những vụ kiện lớn nhỏ, thoạt nghe rất vô lý, nhưng vẫn được xét xử bằng tiền thuế của dân, như ăn trộm kiện chủ nhà vì gây thương tích khi hắn đang... hành nghề; học sinh đòi nhà trường bồi thường vì bị phạt không cho vào lớp khi không chấp hành kỷ luật (như thế là tước bỏ quyền được học hành)...

Nhan quyen tai Anh: Tien thoai luong nan

Hesham Mohammed Ali vẫn sống nhởn nhơ tại Anh - Ảnh: Telegraph

Trở lại vụ kiện của Hesham, anh ta đến nước Anh bất hợp pháp năm 24 tuổi và sống ngoài vòng pháp luật. Năm 2006, Hesham bị kết án bốn năm tù vì tội tàng trữ và buôn bán ma túy. Theo luật nhập cư, bất kỳ công dân nước ngoài nào bị kết án một năm tù hoặc hơn, sẽ đương nhiên bị trục xuất sau khi thi hành án. Tuy nhiên, Hesham viện dẫn nhiều lý do trong đơn chống án của mình và được tòa chấp thuận.

Vụ việc này khiến người ta nhớ lại những vụ kiện tụng của các công dân nước ngoài với những lý do hết sức buồn cười. Camilo Soria Avila, một nam công dân Bolivian, được tòa đồng ý không trục xuất vì anh ta cùng với bạn trai người Anh, Frank Trew vừa mới mua một con mèo tên Maya. Tòa cho đây là bằng chứng có lợi cho vụ kiện của Avila, vì anh đã ổn định cuộc sống tại Anh.

Nhan quyen tai Anh: Tien thoai luong nan

Nhiều bằng chứng cho thấy giáo sĩ Abu Qatada chống chính quyền nhưng ông ta vẫn ở Anh 10 năm nay - Ảnh: Telegraph

Dân Anh cũng ngán ngẩm với cái tên Abu Qatada, bởi hơn mười năm nay, cả hai đảng Lao động và Bảo thủ đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể trục xuất được giáo sĩ đạo Hồi này về lại Jordan vì Hiệp định Nhân quyền. Tháng 9/1993, Abu Qatada cùng vợ và năm con đến Anh bằng hộ chiếu giả và xin tỵ nạn chính trị. Từ đó đến nay, gia đình này chỉ sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ. Có nhiều bằng chứng cho thấy giáo sĩ này liên kết với các tổ chức Hồi giáo chống lại chính quyền. Abu Qatada không thể bị trục xuất về lại Jordan do lo sợ bị tra tấn vì lý do tôn giáo. Theo nhiều nguồn tin, chi phí trợ cấp cho gia đình Abu Qatada đã lên đến ba triệu bảng Anh.

Nhan quyen tai Anh: Tien thoai luong nan

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May mạnh tay cải cách Luật Nhập cư (ảnh: Telegraph)

Hiện Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Theresa May rất mạnh tay trong việc cải cách Luật Nhập cư. Đảng Bảo thủ cũng rất nóng lòng trong kế hoạch rút chân ra khỏi Hiệp định Nhân quyền châu Âu, nhưng lại chưa có sự đồng ý của Đảng Tự do dân chủ trong chính phủ liên hiệp. Dân Anh không mấy đồng tình với sự mềm yếu của chính phủ đương quyền trước ảnh hưởng của châu Âu nói riêng và gánh nặng nhập cư nói chung. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do mà số phiếu tín nhiệm cho đảng Độc lập Anh (Ukip - UK Independence Party) đang tăng lên đến chóng mặt. Đây là đảng mới thành lập từ tháng 11/1991, với mục tiêu chính là rút Anh khỏi EU.

PHAN QUỲNH DAO (Từ London, Anh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI