Người mù chữ mất trí nhớ nhiều gấp đôi người biết chữ

17/11/2019 - 13:56

PNO - Mới đây, các nhà khoa học Đại học Columbia (Mỹ) đã công bố trên tạp chí Thần kinh học kết quả một nghiên cứu cho thấy khả năng biết đọc, biết viết có thể ngăn ngừa chứng mất trí nhớ khi về già.

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 983 người trên 65 tuổi sống ở khu Washington Heights thuộc ngoại ô Manhattan thành phố New York, những người này từng có bốn năm đi học hoặc ít hơn.

Nguoi mu chu mat tri nho nhieu gap doi nguoi biet chu
Một nghiên cứu cho biết những người mù chữ có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi so với người có đi học - Ảnh minh họa: CNN

Đến thăm nhà của những người tham gia khảo sát, các nhà khoa học đã thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ, ngôn ngữ và khả năng thị giác hoặc không gian. Trong quá trình đó, họ thực hiện chẩn đoán bệnh mất trí nhớ căn cứ theo các tiêu chí chuẩn.

Kết quả là, những người mù chữ thực hiện các bài kiểm tra kém hơn so với người biết chữ. Khi thiết lập các biện pháp cơ bản, những người chưa bao giờ học đọc hoặc học viết có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn xấp xỉ ba lần so với những người có thể đọc và viết.

Trong số những người không mắc chứng mất trí nhớ khi bắt đầu nghiên cứu, nhóm mù chữ có khả năng sau đó mắc chứng mất trí nhớ cao gấp đôi. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng một lý do suy giảm não bộ là những người không học đọc có "phạm vi chức năng nhận thức" thấp hơn so với những người biết chữ.

Những phát hiện trên đang được phát triển trong một nghiên cứu dài hơi về lão hóa

Giáo sư tâm lý học thần kinh Đại học Columbia Jennifer Manly, tác giả chính của nghiên cứu, nói với báo giới rằng, từ năm 1992, các nhà khoa học đã tổ chức theo dõi một nhóm người trên 65 tuổi thuộc các nền tảng hã hội khác nhau ở khu Washington Heights. Trong ba thập kỷ qua, họ đã nghiên cứu 6.500 người dân New York già đi theo năm tháng.

Mặc dù từ lâu người ta đã biết rằng trình độ học vấn có thể gắn liền với tình trạng sức khỏe tốt hơn của não bộ, nhưng mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định khả năng biết chữ có thể hoặc không thể tương quan với khả năng duy trì sức khỏe não bộ của con người đó trong những năm tháng hoàng kim của họ.

Chẳng hạn, nhiều người mù chữ ở Washington Heights đến từ Cộng hòa Dominican, có thể họ đã phải bỏ học để đi làm.

Giáo sư Manly nói rằng cần nghiên cứu nhiều hơn để chứng thực cho những phát hiện của nhóm, nhưng họ có thể xây dựng một trường hợp điển hình về y tế công cộng đối với những người bỏ học sớm để họ ghi danh vào các khóa học xóa mù chữ dành cho người lớn nhằm duy trì khả năng tự vệ đối với chứng mất trí nhớ.

Giáo sư Manly cho biết nghiên cứu này có ý nghĩa đối với việc xây dựng chính sách giáo dục của các quốc gia, khi nó cung cấp một gợi ý khoa học cho các nhà hoạch định chính sách.

Liên quan đến những người di cư mù chữ, giáo sư  nói rằng "lý do họ không đến trường là do chính sách giáo dục của Dominican". Sau khi học xong lớp tám, việc đi học không còn là quy định bắt buộc đối với người dân Cộng hòa Dominican.

Giáo sư Manly nói rằng các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ nên suy nghĩ về một thực tế rằng "chất lượng giáo dục định hình sức khỏe não bộ sau này". Theo bà, gia tăng cơ hội biết đọc biết viết cho trẻ em và người lớn có thể là biện pháp bảo vệ sự hoạt động tương lai của não bộ.

Giáo sư Manly ví những tác động tích cực mà việc học đọc có thể tác động đến tâm trí giống như tập thể dục có tác dụng tốt đến cơ thể con người. Bà khẳng định, "đối với cá nhân và gia đình, hành vi sức khỏe cần bao gồm cả giáo dục”.

Thanh Hiền (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI