Người Hong Kong sống thiếu chỗ ở, chết cạn nơi chôn

24/03/2019 - 19:42

PNO - Sự phát triển quá mức về mặt đô thị hóa, cùng gia tăng dân số khiến Hong Kong trở nên đắt đỏ; người sống không tìm thấy chỗ ở, còn người đã khuất cũng khó có chỗ chôn.

Người sống chật vật tìm nơi ở

Các nhà đầu tư và hoạch định chính sách tại Hong Kong liên tục thu hẹp diện tích thiết kế căn hộ nhằm phù hợp hơn với túi tiền của người dân.

Theo dữ liệu của Sở Xây dựng, tại Sham Shui Po, thành phố Cửu Long và Tin Shui Wai, 15% trong số 3.300 căn hộ đang xây dựng có diện tích sử dụng nhỏ hơn 18m2.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Có những căn hộ ở Hong Kong sở hữu diện tích chưa đến 12 mét vuông.

Đồng thời, dữ liệu khảo sát trên 1.003 người của REA Group, công ty quảng cáo kỹ thuật số chuyên về tài sản, cho thấy 27% người Hong Kong không bao giờ nghĩ rằng họ có thể mua nhà. Trong đó, 16% cho rằng giá cả bất động sản vượt quá tầm với của họ.

Năm 2016, số cư dân Hong Kong sống trong nghèo đói đã tăng lên 1,36 triệu người, chiếm gần 20% tổng dân số. Từ đó, loại phòng ở “siêu bé”, vừa khả năng chi trả mà thoạt nhìn chẳng khác gì khối quan tài ngày càng phổ biến.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Các căn hộ nhỏ được phân thành nhiều buồng nghỉ bé như chiếc quan tài.

Đầu tiên, không gian căn hộ được chia thành các khu vực nhỏ, và sau đó lại được phân thành các buồng chữ nhật,  kích thước khoảng 1,8 m x 0,75 m. Ước tính một căn hộ rộng 35 m2 có thể chứa gần 20 khối buồng kín hai tầng.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Đối với những người nghèo tại Hong Kong, có một nơi đủ để ngả lưng đã là tốt.

Bên cạnh đó, một loại hình mới xuất hiện, thu hút sự quan tâm của giới trẻ là “nhà chung”. Michelle Chau Wang-yu, một trong bốn người đồng sáng lập trang web coliving.hk, ra mắt đầu tháng 3/2019, cho biết công ty của cô tập trung vào việc quản lý các căn hộ hai phòng ngủ trong thành phố.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Michelle Chau Wang-yu thực hiện phương án kinh doanh "nhà chung" cùng ba người bạn khác.

Trong một căn hộ điển hình sẽ có 5 cư dân, người thuê trả tiền thuê hàng tháng từ 4.000 HKD (510 USD) đến 11.000 HKD, tùy thuộc vào vị trí và phòng ngủ chung hay riêng lẻ. Phí thuê hàng tháng bao gồm tất cả các tiện ích như điện, nước,internet.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
"Nhà chung" thu hút sự quan tâm của người trẻ vì giá cả vừa phải, lại đầy đủ tiện nghi.

Tuy nhiên, luật sư Albert Luk cảnh báo rằng chủ nhà cho thuê và các khách chia sẻ phòng nên lưu ý đến những cạm bẫy tiềm ẩn.

Ngay cả khi chủ nhà mua bảo hiểm nhà, công ty bảo hiểm sẽ không trả tiền bồi thường liên quan đến vấn đề sinh sống tập thể. Chẳng hạn như nếu có thiệt hại liên quan đến thời tiết xấu xảy ra, những người ở trọ sẽ không đủ điều kiện đưa ra yêu cầu bồi thường.

Mặt khác, hiện Hong Kong không có luật điều chỉnh việc kinh doanh “nhà chung”. Luật hiện hành chỉ nói về mối quan hệ truyền thống giữa chủ nhà và người thuê nhà. Nếu có bất kỳ xung đột nào, đôi bên đều không có sự bảo vệ pháp lý.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Một căn hộ loại nhỏ nhưng tương đối tiện nghi tại Hong Kong.

Người chết không nơi chôn

Khi lễ Thanh Minh diễn ra, hàng nghìn gia đình người Hoa sống ở khu Tân Giới sẽ đến thăm lăng mộ của tổ tiên để dọn dẹp, dâng lễ vật, đốt nhang, giấy tiền. Nhưng đối với hầu hết các gia đình, nghi thức có từ hơn 2.500 năm trước đã được giản lược đến mức tối thiểu.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Sở cứu hỏa phải dùng máy bay để dập tắt các đám cháy do người dân đốt vàng mã trong dịp Thanh Minh.

Thay vì những ngôi mộ nhìn ra biển từ đỉnh đồi, thực tế có thể chỉ là một hộc tủ đủ chỗ cho chiếc bình đựng tro cốt và bức di ảnh tại một trong những khu mộ khổng lồ của Hong Kong, với khoản phí 10 năm thu một lần.

Với khoảng 46.000 người tử vong mỗi năm, mọi người đều nhận ra sự bất khả thi của việc chôn cất người thân đã khuất.

Điều tốt nhất họ có thể mong đợi là hỏa táng tại một trong sáu nhà hỏa táng của Hong Kong rồi chờ đợi chỗ trống để đặt tro cốt tại các khu mộ, với danh sách chờ dài trung bình bốn năm.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Khu nghĩa trang đồi Kim cương tại Hong Kong trở nên quá tải từ nhiều năm qua.
Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Thân nhân người đã khuất vẫn tiếp tục truyền thống thờ cúng từ hàng nghìn năm trước. Nhưng điều này có thể sẽ sớm thay đổi.

Vì thế, không có gì lạ khi người dân Hong Kong đầu tư rất nhiều vào việc thờ cúng, xoa dịu những con ma đói khát, bất mãn, bị mắc kẹt không xác định giữa thế giới này và thế giới bên kia.

Trước tình trạng này, chính quyền đang khuyến khích kiểu chôn cất thân thiện môi trường. Trong số 93% người chết được hỏa táng, có 13% đồng ý để tro cốt của họ được chôn tại một trong những khu vườn tưởng niệm của Hong Kong, và 2,3% mong muốn quay về với biển.

Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Để có chỗ tại khu đặt tro cốt của nghĩa trang, một gia đình phải đăng ký và chờ đợi trung bình 4 năm.
Nguoi Hong Kong song thieu cho o, chet can noi chon
Chính quyền Hong Kong khuyến khích người dân chọn giải pháp xanh, biến tro cốt thành đất trồng cây.

Có thể thấy rằng tuy “quyền được an nghỉ” là một phần không thể thiếu của cuộc sống, đối với nhiều người ở Hong Kong, khái niệm đó không còn tồn tại.

Linh La (Theo SCMP, Vice, Today online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI