Nghĩa trang giữa Địa Trung Hải

02/11/2013 - 19:25

PNO - PNCN - Còn nhớ, đêm 24/10, các tàu hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của Italia giải cứu hơn 700 người di cư ở vùng biển giữa đảo Sicily và Bắc Phi. Họ được đưa tới trung tâm tiếp nhận người nhập cư trên đảo Lampedusa,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghia trang giua Dia Trung Hai

Cứu người trên biển Địa Trung Hải - Ảnh: Internet

Italia đã tăng cường tàu tuần tra ở vùng biển giữa nước này với Libya và Tunisia sau khi xảy ra vụ lật thuyền ngoài khơi đảo Lampedusa hồi đầu tháng Mười, làm hơn 350 người thiệt mạng, chỉ còn 155 người sống sót. Ngày 11/10, thêm một vụ chìm tàu trên Địa Trung Hải. Hơn 230 nạn nhân được Italia và Malta phối hợp cứu sống nhưng vẫn có khoảng 50 người, trong đó có 10 trẻ em đã mất mạng. Phần lớn họ là dân Syria tìm đường thoát khỏi nội chiến. Những người sống sót cho biết đã trả 700-3.000 euro cho chuyến đi định mệnh này.

Germani Nagassi (30 tuổi) may mắn sống sót trong thảm cảnh Lampedusa nhưng không bao giờ quên được nỗi kinh hoàng: “Trong năm giờ chúng tôi trôi nổi giữa những xác chết của bạn đồng hành. Có nhiều trẻ em. Có một người mẹ với bốn đứa con, một người mẹ với đứa bé sơ sinh, tất cả đều chìm vào biển cả”. Còn Hamid Mohammad (18 tuổi) chua xót: “Một chiếc tàu Italia đảo vòng quanh chúng tôi hai lần rồi bỏ đi”. Abrahalli Amare (23 tuổi) nói: “Chúng tôi rời quê hương để có thể sống trong hòa bình và giúp đỡ gia đình, nhưng mọi chuyện không như mong đợi, nó quá tệ hại”.

“Chúng ta đang tạo ra một nghĩa trang trên biển Địa Trung Hải” là lời cảnh báo từ Thủ tướng Joseph Muscat của đảo quốc Malta - điểm trung chuyển quan trọng trong hành trình nguy hiểm của những người nhập cư từ Bắc Phi đến châu Âu. “Châu Âu không có hành động quyết liệt trợ giúp cho những nước tiền tuyến chúng tôi - Malta, Italia, Hy Lạp - cứu vớt nhiều mạng sống hơn”, ông Muscat ca thán.

Nghia trang giua Dia Trung Hai

Những nạn nhân thiệt mạng trong thảm cảnh Lampedusa - Ảnh: Internet

Trong hai thập niên qua, 20.000 người đã chết khi cố gắng đi từ Bắc Phi đến châu Âu. Thủ tướng Muscat kêu gọi châu Âu thể hiện sự đoàn kết hơn với các quốc gia tiền tuyến: “Chúng tôi không phải là một siêu cường quân sự. Thật lạ là trách nhiệm theo dõi và giải cứu hàng trăm người mỗi năm lại dồn cả vào chúng tôi cùng với một, hai nước khác. Tôi không muốn tin rằng đối với châu Âu, tiền bạc là quan trọng hơn con người”.

Sau vụ Lampedusa, Thủ tướng Italia tuyên bố sẽ tăng gấp ba lần hoạt động tuần tra phối hợp cả hải quân và không quân trên biển Địa Trung Hải. Italia cho biết, năm nay đã có 30.000 di dân đến nước này, tăng gấp bốn lần bình thường. Rome kêu gọi các nước Bắc Âu giàu hơn cùng chia sẻ gánh nặng. Ủy viên nội vụ EU Cecilia Malmstrom cũng nói rằng, chỉ có sáu hay bảy nước có trách nhiệm với vấn đề nhập cư trong khi EU có tới 28 nước thành viên. Tuy nhiên, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển đều cật lực phủ nhận việc quay lưng với người xin tị nạn chính trị hay tị nạn kinh tế. Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich nói, Đức là quốc gia ở châu Âu rộng lượng nhất đối với người xin tị nạn, với tỷ lệ gần 950 người tị nạn trên mỗi một triệu cư dân, trong khi con số này ở Italia chỉ có 260 người.

Trong hai năm qua, cơ quan giám sát các biên giới của Liên minh châu Âu chống nhập cư bất hợp pháp Frontex đã cứu sống 16.000 người trên biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu kéo theo hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng nên ngân sách hoạt động của Frontex liên tục giảm, từ 118 triệu euro (2011) xuống 90 triệu euro (2012) và năm nay chỉ còn 85 triệu euro.

Hội nghị thượng đỉnh EU hai ngày 24, 25/10 được kỳ vọng đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng dân tị nạn nhưng rốt cuộc lại tập trung vào việc Mỹ theo dõi điện thoại cá nhân của nữ Thủ tướng Đức. Một lần nữa, nghĩa trang bất đắc dĩ trong lòng Địa Trung Hải vẫn chưa được quan tâm.

NGỌC HẠ
(Theo CNN, Euronews, Dailymail…)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI