Nga tuyên bố đáp trả việc Mỹ thử vũ khí, cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang ‘tốn kém’

24/08/2019 - 10:00

PNO - Hôm 23/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Bộ Quốc phòng phân tích mối đe dọa gây ra bởi vụ thử tên lửa mới của Mỹ và chuẩn bị một “phản ứng tương xứng”.

Hướng dẫn của Tổng thống Nga được đưa ra sau khi Washington thử tên lửa hành trình Tomahawk vào Chủ nhật 18/8.

Lầu Năm Góc cho biết tên lửa, phóng đi từ đảo San Nicolas ở California, tấn công chính xác mục tiêu cách khoảng 500 km. Loại vũ khí này từng bị cấm theo thỏa thuận Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF), vốn hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân và vũ khí tầm trung thông thường.

Moscow và Washington bãi bỏ hiệp ước đầu tháng 8/2019 sau vài tháng cáo buộc nhau vi phạm các điều kiện của thỏa thuận. Giờ đây, ông Putin nói rằng Nga không thể đứng yên, và việc Mỹ triển khai các tên lửa mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương "ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi vì gần biên giới của Nga".

Nga tuyen bo dap tra viec My thu vu khi, canh bao cuoc chay dua vu trang ‘ton kem’
Tổng thống Nga Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác có động thái đáp trả tương xứng sau vụ thử vũ khí tầm trung của Mỹ hôm 18/8.

Trang web của điện Kremlin dẫn lời Tổng thống: "Như thế giới đã biết, chúng tôi chưa bao giờ muốn, không muốn và sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mang tính hủy diệt, tốn kém". Dù vậy, ông ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác: “Thực hiện những biện pháp toàn diện để chuẩn bị cho phản ứng tương xứng”.

Phát biểu tại cuộc họp của chính phủ, ông Putin cho biết vụ phóng tên lửa Tomahawk có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân với bệ phóng MK-41 đã xác nhận những nghi ngờ trước đó rằng Mỹ đang lên kế hoạch đặt vũ khí bị cấm ở châu Âu.

Trước đây Moscow từng chống lại việc đặt các bệ phóng ở Ba Lan và Romania, nhưng Mỹ phủ nhận việc chúng có thể được sử dụng để phóng Tomahawks. Tổng thống Nga nhận xét: “Bây giờ thực tế cho thấy vi phạm rất rõ ràng và việc phủ nhận nó là vô ích. Câu hỏi là, làm thế nào để chúng ta biết những gì sẽ được đặt ở Romania và Ba Lan?”

Washington bác bỏ quan điểm cho rằng quá trình thử nghiệm đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời khẳng định Mỹ không có kế hoạch phát triển vũ khí mang đầu đạn hạt nhân. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết trong tháng này rằng ông ủng hộ việc sớm triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ở châu Á.

Nga tuyen bo dap tra viec My thu vu khi, canh bao cuoc chay dua vu trang ‘ton kem’
Mỹ thử nghiệm tên lửa tầm trung sau khi rút khỏi hiệp ước INF vào đầu tháng 8/2019.

Đầu tháng 8/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói: “Mỹ hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF trong hơn 30 năm, nhưng chúng tôi sẽ không chịu ràng buộc bởi các điều khoản, trong khi Nga có hành động riêng của mình”.

Khi tuyên bố rút Mỹ khỏi INF, ông Trump nói rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một thỏa thuận tiềm năng liên quan đến cả ba quốc gia.

Hiệp ước INF được đàm phán bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước cấm tất cả các loại tên lửa với tầm bắn trong khoảng từ 500 - 5.500 km.

Tên lửa hành trình vừa thử nghiệm không khỏi khiến các chuyên gia liên tưởng đến các vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở một số quốc gia NATO thuộc châu Âu trong những năm 1980, cùng với tên lửa đạn đạo trên mặt đất Pershing 2, nhằm đáp trả hệ thống tích hợp tên lửa SS-20 của Liên Xô ở gần khu vực Tây Âu.

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF vào giữa những năm 2000 và các quan chức Mỹ đưa ra quan ngại chính thức vào năm 2013. Theo Washington và NATO, Moscow đang phát triển tên lửa 9M729 mới mà họ cho là vi phạm hiệp ước, nhưng Nga nói rằng tầm bắn của vũ khí chưa đến 500 km.

Hôm thứ Ba 20/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng thông tấn nhà nước TASS: “Chúng tôi sẽ không cho phép bản thân bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”.

Dù ban hành mệnh lệnh đối với Bộ Quốc phòng, ông Putin nói rằng Nga vẫn sẵn sàng “đối thoại bình đẳng và mang tính xây dựng” với Mỹ nhằm khôi phục lòng tin và tăng cường an ninh quốc tế. Riêng phía Mỹ cho biết họ không có kế hoạch triển khai tên lửa đất đối đất mới ở châu Âu.

Tấn Vĩ (Theo Daily Mail, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI