Nga hồ hởi bắt tay với tân Tổng thống Donald Trump, đồng minh Mỹ bắt đầu run

10/11/2016 - 19:32

PNO - Ông Trump khẳng định các thành viên NATO như các nước Baltic không thể trông cậy vào những hỗ trợ quân sự từ Mỹ nếu bị Nga tấn công, chừng nào chưa hoàn thành các cam kết của mình.

Nga ăn mừng chiến thắng của Donald Trump

Ngày 9/11, ngay sau khi có kết quả ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nga, ông Vladimir Zhirinovsky đã bật champagne ăn mừng tại văn phòng làm việc của mình ở Moscow.

Ông Zhirinovsky được báo chí Mỹ gọi là Donald Trump của nước Nga và ông cũng chính là một trong những người Nga bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình nhất đối với tỷ phú bất động sản Mỹ.

Hồi tháng 9 vừa qua, ông Zhirinovsky tuyên bố rằng nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì đó sẽ là “một kỳ nghỉ của nước Nga”.

Nga ho hoi bat tay voi tan Tong thong Donald Trump, dong minh My bat dau run
Nga hồ hởi bắt tay với tân tổng thống Donald Trump, đồng minh Mỹ bắt đầu run

Không chỉ có “Donald Trump của nước Nga” mà nhiều quan chức khác của Nga cũng bày tỏ vui mừng trước chiến thắng của ông Trump “thật”, người vốn có những phát biểu “thần tượng” Tổng thống Nga Putin.

Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã chúc mừng tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng, đồng thời hy vọng sẽ làm việc với ông để cải thiện các mối quan hệ. Theo Điện Kremlin, ông Putin đã bày tỏ hy vọng cùng làm việc để đưa quan hệ Mỹ-Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Ông Putin cho rằng việc xây dựng đối thoại mang tính xây dựng sẽ có lợi cho cả hai nước và cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ tin tưởng sẽ có cuộc đối thoại xây dựng hơn với tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump.

Có lợi cho Nga, bất lợi cho đồng minh của Mỹ?

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một thể chế lỗi thời, còn các nước thành viên là những kẻ vô ơn chỉ biết hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ.

Ông cũng nói rằng, Mỹ sẽ không cố gắng bảo vệ các quốc gia tại châu Âu và cả châu Á mà không nhận được sự đền đáp nào. Phát biểu này được nhiều người cho là đồng nghĩa với việc dưới sự lãnh đạo của ông Trump, Mỹ sẽ rút quân khỏi các nước đồng minh và đối tác trừ khi nhận được sự bồi hoàn xứng đáng.

Ông cũng khẳng định các thành viên NATO như các nước Baltic không thể trông cậy vào những hỗ trợ quân sự từ Mỹ nếu bị Nga tấn công, chừng nào chưa hoàn thành các cam kết của mình.

Theo giới phân tích, khác hẳn với người tiền nhiệm, ông Trump ủng hộ các phong trào dân túy ở châu Âu, không coi trọng các lợi ích mà Mỹ có được từ sự hội nhập với châu Âu cũng như hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Trong giai đoạn ông cầm quyền, mâu thuẫn về thuế với châu Âu có thể sẽ nảy sinh, thay vì tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và nhiều thỏa thuận thương mại mới.

Trái với truyền thống của đảng Cộng hòa, ông Trump đã có thái độ hòa giải hơn với Moscow, công khai thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Putin. Ông Trump từng tuyên bố ông tin mình có khả năng xoa dịu căng thẳng với Tổng thống Putin, ca ngợi đây là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và ông rất muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin.

Tuy không nói rõ về các khía cạnh thúc đẩy quan hệ, ngoài phối hợp trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song trong chiến dịch tranh cử của mình, ông từng nhiều lần cho biết luôn rất sẵn lòng lắng nghe quan điểm của người Nga.

Nhiều khả năng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi các mối quan hệ truyền thống với đồng minh và đối tác tại châu Âu, hay trong NATO, và xích lại gần hơn với nước Nga. Những người ủng hộ nhà lãnh đạo này hy vọng việc Nga-Mỹ cải thiện quan hệ có thể là tiền đề để giải quyết các cuộc xung đột tại nhiều điểm nóng trên thế giới như Ukraine, Syria, hay trong cuộc chiến chống IS.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI