Nga dùng Crimea thọc vào tim châu Âu

21/05/2016 - 07:14

PNO - Trước sự căng thẳng giữa Nga - NATO đang ngày càng nâng cao, điện Kremlin đã bắt đầu sử dụng chiến thuật dùng Crimea thọc vào tim châu Âu.

Tờ nhật báo Izvestiya ngày 19/5 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo kế hoạch mở cửa lại một trung tâm radar ở Crimea. Quyết định này là để đáp lại hành động gây căng thẳng từ NATO gần biên giới phía nam và phía tây.

Trung tâm radar này đóng vai trò là hệ thống cảnh báo tên lửa của (MWS) Nga, chuyên theo dõi nhất cử nhất động các tên lửa được phóng đi từ Biển Đen và Địa Trung Hải.

Nga dung Crimea thoc vao tim chau Au
Một trung tâm radar đa năng ở Moscow. Ảnh: RIA Novosti

Trạm MWS đặt ở Crimea có khả năng xác định các vụ phóng đối với tên lửa đạn đạo, tên lửa có cánh và tên lửa mang đầu đạn siêu thanh; góp phần nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội Nga ở sườn phía nam và phía tây.

Theo giới chuyên gia quân sự Nga, chính quyền Moscow đang bàn thảo việc xây dựng hệ thống cảnh báo tên lửa cho tương lai ở Crimea. “Vấn đề mấu chốt hiện nay là đập đi toàn bộ để xây mới lại từ đầu, hay là chuyển một phần trạm MWS gần Irkutsk tới và xây dựng bổ sung”, một chuyên gia giấu tên nói.

Theo nhân vật này, nếu là xây mới toàn bộ thì MWS ở Crimea có khả năng bám mục tiêu ở khoảng cách 6.000km (3.700 dặm), còn trong trường hợp thứ hai thì hiệu suất giảm xuống, chỉ ở khoảng cách 2.500km (1550 dặm), nhưng vẫn dư sức bám các mục tiêu phóng đi từ Địa Trung Hải, Biển Đen. Các cuộc đàm phán đang được thúc đẩy giữa Bộ Quốc phòng và các nhà thầu, sau đó chính phủ sẽ ra thông báo chính thức khởi công dự án.

Để tăng cường đối phó, phòng thủ trước việc tăng cường quân sự áp sát của Mỹ, NATO trong thời gian qua, nhất là từ sau khi Mỹ kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania, Nga đã không chỉ tăng cường quân sự, không chỉ là vũ khí phòng thủ.

Theo nguồn tin từ văn phòng báo chí của hạm đội đưa ra hôm qua (17/5), tàu tuần dương tên lửa hạt nhân hạng nặng Pyotr Veliky của Hạm đội phương Bắc – Nga đã lần đầu tiên được triển khai ra khơi để tham gia tập trận trong 2 năm qua.

Ngoài ra, các thủy thủ của tàu Pyotr Veliky và tàu chở dầu Sergei Osipov đã tổ chức một cuộc tập trận chung ở cảng Severomorsk, phía bắc nước Nga . Cuộc tập trận được tiến hành nhằm bổ sung nguồn cung cấp tại cảng. Tàu Pyotr Veliky dự kiến sẽ rời căn cứ với sự hộ tống của 5 tàu khác thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga.

Nga dung Crimea thoc vao tim chau Au
Nga, Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự. Ảnh minh họa

Văn phòng báo chí trên cho biết thêm, hành trình của Pyotr Veliky sẽ là buổi thực hành trên biển đầu tiên đối với các tân binh và một số người phục vụ theo hợp đồng gia nhập phi đội tàu tuần dương này trong năm 2015 và 2016.

Cũng chính từ việc Mỹ và NATO kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, Romania hôm 12/5 khiến Nga nổi giận và tuyên bố có quyền tiến hành các biện pháp đáp trả. Các chuyên gia quân sự cho rằng, một trong các biện pháp như vậy là hồi sinh các đoàn tàu tên lửa chiến lược Barguzin, theo Sputnik.

Đoàn tàu hạt nhân Barguzin có nguồn gốc từ Tổ hợp Tên lửa Tác chiến trên Đường sắt (BZhRK) được Liên Xô chế tạo vào năm 1969 nhằm vận chuyển và phóng các tên lửa hạt nhân chiến lược đối phó với các hạm đội tàu ngầm hạt nhân uy lực của Mỹ.

Tương tự các tàu ngầm hạt nhân, những con tàu này rất khó bị xóa sổ trong đòn tấn công phủ đầu của đối phương bởi khả năng cơ động và ngụy trang tinh vi giống như các tàu chở hàng.

Các đoàn tàu này di chuyển trên mạng lưới đường sắt rộng lớn của Liên Xô, với hình thức khá giống tàu chở hàng thông thường, khiến việc giám sát bằng vệ tinh trở nên vô vọng. Vì lẽ đó, các hệ thống BZhRK còn được gọi là "đoàn tàu tử thần" hoặc "tàu ma".

Đặt trong bối cảnh cụ thể, Cựu phó tư lệnh NATO ở châu Âu, tướng Alexander Richard Shirreff, mới đây cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga có thể xảy ra trong vòng một năm tới, nếu khối này không tích cực tăng cường năng lực phòng thủ ở khu vực Baltic, theo Independent.

Tướng Shirreff cho rằng Moscow đang có kế hoạch "tấn công" các nước thành viên của NATO ở khu vực là Latvia, Litva và Estonia, nên phương Tây cần phải khẩn trương tăng cường lực lượng để ngăn chặn nguy cơ này.

"Nga sở hữu năng lực hạt nhân toàn diện, nếu xung đột xảy ra chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân", ông Shirreff khẳng định.

Như vậy, khi Nga không chỉ liên tiếp triển khai các biện pháp phòng thủ mà còn nhằm đến khả năng tấn công, Mỹ, NATO cũng đã lên tiếng cảnh báo và chuẩn bị ứng phó cho mọi khả năng.

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI