Nga - Mỹ bắt tay, tương lai ông Assad sẽ thế nào?

25/10/2015 - 08:02

PNO - Nga - Mỹ sẽ hợp tác diệt trừ IS, tuy nhiên quan điểm 2 bên về số phận chính quyền al-Assad vẫn không thể thống nhất. Vậy tương lai nào cho ông Assad?

Trong một diễn biến mới nhất đánh dấu bước ngoặt chiến lược của cả Nga và Mỹ ở Syria, Ngoại trưởng Nga đề nghị hợp tác với Quân Syria Tự do và các phe đối lập khác để chung tay diệt trừ IS. Phát ngôn được đưa ra 1 ngày sau cuộc họp 4 bên giữa Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út diễn ra tại Vienna ngày 23/10.

Nga - My bat tay, tuong lai ong Assad se the nao?
Ngoại trưởng Mỹ và đồng nhiệm Ả Rập Xê Út tại cuộc họp 4 bên tổ chức ở Vienna (23/10/2015).

Trước đó, Tổng thống Nga thừa nhận là hơn 3 tuần thực hiện các cuộc oanh kích kết hợp với quân đội Syria trên bộ,  vẫn chưa đem lại hiệu quả trong việc diệt trừ quân khủng bố tại Syria.

Moscow mong muốn đẩy nhanh tiến trình chính trị bao gồm việc duy trì chế độ hiện hành và nỗ lực phối hợp giữa các bên trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, đề nghị của Moscow ngay lập tức bị thủ lĩnh phiến quân Colonel Ahmad Saoud từ chối: "Nga ném bom Quân Syria Tự do và giờ lại muốn hợp tác trong khi vẫn "trung thành" với Assad? Thật không thể hiểu nổi."

Quân Syria Tự do cho biết Nga nói mình tấn công khủng bố IS nhưng thực tế tới 80% cuộc không kích là nhằm vào họ.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc họp vừa qua tại Vienna đã nhất trí với giải pháp hợp tác của Nga; song vẫn còn bất đồng về vấn đề tương lai của chính quyền Bashar al-Assad.

Nga muốn để chính người dân Syria quyết định nhà lãnh đạo cho mình thông qua bầu cử minh bạch. Trái ngược, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út bày tỏ không chấp nhận việc ông Assad tiếp tục duy trì quyền lực.

Sau chuyến thăm điện Kremlin ngày 21/10, Nga chắc chắn sẽ ủng hộ ông Assad tới cùng.

Việc chấp nhận hợp tác với Nga cho thấy mong muốn hòa hoãn, giải quyết mối nguy IS trước mắt, đặc biệt khi Washinton ý thức được sự "nhúng tay" của Nga là cần thiết và hiệu quả. Việc Mỹ không làm được trong hơn 1 năm ở chiến trường Syria thì Nga có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Đồng ý cùng Nga và chính quyền al-Assad tấn công IS, Mỹ muốn nói rằng mình sẵn sàng thay đổi quan điểm để đạt được mục đích chính nghĩa quan trọng nhất là đem lại bình ổn cho nhân dân và đất nước Syria.

Tuy nhiên, phía Mỹ không trực tiếp lên tiếng về việc hợp tác mà nhường phần lại cho Nga có lẽ bởi Mỹ không muốn "há miệng mắc câu" về vấn đề chính quyền al-Assad, đồng thời cho thấy ý đồ "lật mặt" sau khi dẹp bỏ IS.

Đỗ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI