NATO 'gằm ghè' trước nỗi lo Mỹ và Nga ngày càng gần nhau

21/11/2016 - 15:00

PNO - ​Mối quan hệ đang sát lại gần nhau giữa Mỹ và Nga đang trở thành mối lo âu lớn nhất trong thời điểm hiện tại với NATO, một đồng minh của Mỹ và đối đầu với Nga.

Nhằm kiểm tra khả năng điều động khẩn cấp số lượng lớn binh sĩ, 11 nước thuộc khối NATO đã gửi 4.000 quân nhân tới Lithuania, quốc gia lớn nhất ở vùng Baltic để tham gia cuộc tập trận mang tên “Kiếm sắt”.

Theo RT, cuộc tập này được bắt đầu từ ngày 20/11 và kéo dài tới ngày 2/12 trong đó các cuộc diễn tập diễn ra ở hai địa điểm tại Lithuania.

NATO 'gam ghe' truoc noi lo My va Nga ngay cang gan nhau
NATO 'gằm ghè' trước nỗi lo Mỹ và Nga ngày càng gần nhau

“Quân đội của chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới khó lường. Chúng tôi phải chuẩn bị cho các đơn vị và tướng lĩnh khả năng đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa quân sự truyền thống”, Tướng Waldemar Rupšys, người đứng đầu lực lượng lục quân Lithuania chia sẻ trước giới báo chí trước khi cuộc tập trận Kiếm sắt chính thức diễn ra. 

Cuộc tập trận Kiếm sắt năm nay là cuộc diễn tập thứ ba và cũng là lớn nhất với sự tham gia của 4.000 binh sĩ tới từ Anh, Mỹ, Đức, Canada, Ba Lan, Romania, Slovenia, Luxemburg và 3 quốc gia Baltic. Trong khi đó, hai cuộc diễn tập của 2 năm trước chỉ có sự góp mặt của 2.500 và 2.000 binh sĩ. 

Theo Bộ Quốc phòng Lithuania, nội dung của cuộc diễn tập năm nay là huấn luyện khả năng phản công và phòng thủ, triển khai quân nhanh cũng như nhiều nhiệm vụ khác. 

Cuộc tập trận Kiếm sắt năm nay cũng là lần đầu tiên Lithuania kiểm chứng khả năng hoạt động của lữ đoàn Žemaitija (Sói sắt) mới được thành lập vào đầu năm nay. Lữ đoàn này hiện có 2 tiểu đoàn và các đơn vị hỗ trợ song trong năm 2017, Žemaitija sẽ được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn. 

Hiện tại, NATO đang triển khai thêm vũ khí quân sự tới khu vực Đông Âu và liên tiếp tổ chức các cuộc diễn tập nhằm đối phó với cái mà họ gọi là “mối đe dọa từ phía Nga”. Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận việc nước này đe dọa các quốc gia láng giềng và nhấn mạnh NATO đang mượn danh để tăng chi tiêu quân sự cũng như điều quân đội áp sát biên giới Nga. 

Giống như nhiều quốc gia khác là thành viên trong NATO, Lithuania đang cố gắng đạt mục tiêu chi tiêu quân sự chiếm 2% GDP. Tuy nhiên, theo chính phủ nước này, con số trên tới năm 2018 mới có thể đạt được.

NATO bồn chồn

"Tổng thống đắc cử (Donald Trump) xác nhận đã sẵn sàng bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ. Tôi cũng nói vậy với ông ấy. Chúng tôi chưa thảo luận về thời gian và địa điểm gặp mặt", Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo sau Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Lima, Peru, ngày 20/11.

Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Trump đêm 14/11, Tổng thống Putin hy vọng Moscow có thể xây dựng "đối thoại mang tính hợp tác" với Washington trên cơ sở "bình đẳng, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau". Mục tiêu của ông là đưa quan hệ Nga - Mỹ trở lại "hợp tác cùng có lợi".

NATO 'gam ghe' truoc noi lo My va Nga ngay cang gan nhau
Nga - Mỹ bắt tay, NATO sẽ gặp nguy ?

Việc này đang trở thành mối lo âu lớn nhất trong thời điểm hiện tại với NATO, một đồng minh của Mỹ và đối đầu với Nga. Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp mới đây do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức, Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã không giữ được bình tĩnh khi nói về mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Mỹ.

Theo ông Rasmussen, nếu tỷ phú người Mỹ chấp nhận việc Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các khu vực khác trên thế giới.

“Nếu chúng ta chấp nhận việc sáp nhập Crimea, nghĩa là chúng ta sẽ phải từ bỏ trật tự dựa trên luật lệ, và điều đó sẽ gây hậu quả ở những nơi khác trên thế giới”, ông Rasmussen lo ngại.

Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Rasmussen là Jaap de Hoop Scheffer cũng tỏ ra sốt ruột trước lời hứa của ông Donald Trum với Nga trong chiến dịch tranh cử.

Vào thời điểm đó, ông Trump nói rằng người dân Crimea muốn sống dưới sự lãnh đạo của Nga và khẳng định bản thân sẽ xem xét liệu Mỹ có công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo này hay không.

Ông Scheffer lo ngại, ông Trump sẽ biến lời nói trong chiến dịch tranh cử thành chính sách. Nếu điều đó xảy ra thì đây sẽ là món hời lớn với chính quyền tổng thống Putin. Khi đó Washington sẽ nhường lại Crimea và Đông Ukraine cho Nga để đổi lại việc điện Kremlin không can thiệp vào các nước Baltic.

“Nếu chấp nhận sự sáp nhập này, đó sẽ là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, biên giới các nước bị thay đổi bởi vũ lực”, ông Scheffer nói.

Cựu Tổng thư ký NATO cho rằng, một thoả thuận như vậy sẽ được Nga và tổng thống Putin coi như một cái cớ chính trị để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

“Tôi cho rằng điều đó sẽ tạo một tiền lệ rất xấu và có thể tạo ấn tượng sai lầm với Điện Kremlin rằng nếu họ kiên nhẫn chờ đợi thì NATO, EU và Mỹ cuối cùng cũng phải nhượng bộ”, ông Scheffer nhấn mạnh.

Minh Đức

Từ khóa mỹnatonga
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI