Mỹ chưa mặn mà với sáng kiến Vành đai và Con đường

08/11/2019 - 10:00

PNO - Sự vắng mặt của Tổng thống Trump và việc Mỹ gửi đoàn đại diện không tương xứng về cấp độ đến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 dường như cho thấy rằng, Mỹ đang giảm mức độ quan tâm đến khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy sáng kiến thương mại gồm 16 quốc gia sau khi Ấn Độ tuyên bố rút lui.

Mỹ thờ ơ trước Hiệp định thương mại của Đông Nam Á

Các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia liên quan đến quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cho biết hôm 4/11 rằng, việc ký kết thỏa thuận cuối cùng có thể diễn ra vào năm 2020, bảy năm sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Ấn Độ đã chùn bước trong việc đưa nông dân và nhà máy của mình vào cuộc cạnh tranh với nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, và lựa chọn đứng ngoài RCEP.  

My chua man ma voi sang kien Vanh dai va Con duong
Một du khách nhìn bảng thông tin về sáng kiến Vành đai và Con đường - Ảnh: Business Times

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất thế giới đã thúc đẩy đầu tư và giao dịch với Đông Nam Á, một thị trường phát triển nhanh chóng và ngày càng giàu có với 650 triệu dân. Xu hướng này không ngừng tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại và công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có lời giải sau 15 tháng căng thẳng. 

Theo Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến làm giảm nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc khoảng 35 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, góp phần tăng giá tiêu dùng lên người dân xứ cờ hoa. Vì vậy, dường như Mỹ không còn mấy mặn mà với việc đứng ở phía đối trọng với Trung Quốc tại các mặt trận thương mại khác, bao gồm cả các khu vực nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Sáng kiến Vành đai và Con đường cần Mỹ, và ngược lại

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) tìm cách cung cấp hàng hóa dựa trên cơ sở hạ tầng công cộng nhằm khuyến khích dòng tài nguyên và mở đường mới cho sự phát triển toàn cầu. Vấn đề là hầu hết kế hoạch BRI đều là những dự án dài hạn liên quan đến đầu tư vốn lớn, kéo theo những rủi ro phi truyền thống lớn như xung đột địa chính trị, thay đổi quyền lực, chiến tranh và bất ổn, cũng như thay đổi nền kinh tế. Vì vậy, khó có một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những thách thức này.

Trung Quốc là người đề xuất và thúc đẩy chính của BRI. Cho đến nay, Trung Quốc có mối quan hệ khá tốt với các nước đang phát triển, ngoại trừ Ấn Độ, bởi phần lớn đều đang đối mặt với những thách thức tăng trưởng trong nước. Lực phản kháng lớn nhất đối với BRI xuất phát từ phía Mỹ. Trong khi các doanh nghiệp tỏ ra quan tâm, chính phủ liên tục tìm cách cản trở BRI vì cạnh tranh địa chính trị, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi Mỹ có thể ngăn chặn BRI và buộc Trung Quốc cắt giảm đầu tư nước ngoài, không quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc trên thị trường quốc tế; sự can thiệp cuối cùng sẽ loại bỏ một cơ hội hiếm có cho tăng trưởng toàn cầu. 

Một lựa chọn có thể khiến Mỹ khó chấp nhận, nhưng xem chừng tốt nhất, là hợp tác với Trung Quốc để xây dựng BRI. Lợi thế của Trung Quốc là sức mạnh cứng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng sức mạnh mềm của quốc gia này vẫn còn yếu, thiếu tiếng nói, khả năng điều phối toàn cầu và không có kinh nghiệm trong quản lý thương mại đa văn hóa. Ngược lại, Mỹ nắm sức mạnh mềm, nhưng thiếu khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng, và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở rộng và tự do (FOIP) của chính quyền Tổng thống Trump đưa ra sau khi rút khỏi TPP quá xa lạ so với BRI. Nếu tham gia BRI thay vì tìm cách đối trọng, dự kiến Mỹ cũng sẽ đạt được giá trị kinh tế và thương mại tự do từ các nước kém phát triển nhất ở châu Á và châu Phi.
Đồng thời, BRI có thể cung cấp cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ tại các nền kinh tế tiên tiến, như Ý và Thụy Sĩ; hơn nữa sự tham gia của châu Mỹ Latinh còn tạo không gian cho các công ty Mỹ xây dựng mối quan hệ có lợi với các đối tác Trung Quốc. Cuối cùng, tìm ra điểm chung giữa kế hoạch BRI có thể làm giảm căng thẳng Mỹ - Trung Quốc về kinh tế và quân sự, góp phần ổn định khu vực. Bởi không một quốc gia nào trong khu vực muốn đứng giữa hai cường quốc, hay buộc phải chọn một trong hai.
Bàn cờ mạo hiểm nhưng khó chối từ

Do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, việc loại trừ các khoản đầu tư của Trung Quốc ra khỏi nền kinh tế khu vực là không thực tế. Ngay cả Nhật Bản và Ấn Độ, hai quốc gia quan trọng trong FOIP, cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với BRI. Trung Quốc luôn là một đối tác kinh tế lớn đối với châu Âu, nhiều quốc gia thành viên EU đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về hợp tác BRI vài năm trước, khi kế hoạch còn chưa trở thành tâm điểm chú ý. Và dù cần Mỹ để kìm hãm tác động từ Nga tại khu vực, Liên minh châu Âu có thể sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế và tài chính vào Washington sau một loạt căng thẳng thuế quan gần đây. Do đó trong tình huống này, sự đối đầu của Mỹ đối với BRI có nguy cơ tạo nên một trò chơi quyền lực địa chính trị, thay vì củng cố cho an ninh và phát triển toàn cầu, điều mà tất cả các bên đều mong muốn. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI