Mỹ - Trung thiếu tin tưởng nhau trước thỏa thuận thương mại

04/09/2019 - 14:00

PNO - Theo các chuyên gia, ngay cả khi việc đàm phán thể hiện dấu hiệu tích cực, cuộc thương chiến khó có sự chuyển biến, nếu hai cường quốc không củng cố niềm tin dành cho nhau.

Hôm 2/9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã nộp đơn khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), về hàng rào thuế quan mà họ cho là thiếu cơ sở. Theo các chuyên gia, ngay cả khi việc đàm phán thể hiện dấu hiệu tích cực, cuộc thương chiến khó có sự chuyển biến, nếu hai cường quốc không củng cố niềm tin dành cho nhau.

My - Trung thieu tin tuong nhau truoc thoa thuan thuong mai
Cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Trump trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản tháng 6/2019 - Ảnh: AFP

Hàng rào thuế quan bắt đầu có hiệu lực

Từ ngày 1/9, Mỹ bắt đầu áp thuế 15% đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng bắt đầu áp thuế đối với dầu thô Mỹ. Đây là bước leo thang mới nhất trong cuộc thương chiến giữa hai cường quốc. Bắc Kinh không tiết lộ chi tiết về vụ kiện pháp lý lên WTO, nhưng cho biết mức thuế mới ảnh hưởng đến 300 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Vụ kiện này là lần thứ ba Bắc Kinh thách thức mức thuế do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra, dựa trên giới hạn mức thuế mà mỗi quốc gia được phép áp dụng theo nguyên tắc chung của WTO. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói, họ chỉ trừng phạt Trung Quốc vì tội trộm cắp tài sản trí tuệ, vốn không thuộc phạm vi điều chỉnh của WTO, dù nhiều chuyên gia thương mại nói bất kỳ sự tăng thuế nào vượt quá mức tối đa đều phải được chứng minh tại WTO.

Theo quy định của WTO, Washington có 60 ngày để giải quyết tranh chấp. Sau đó, Trung Quốc có thể yêu cầu WTO xét xử. Quá trình sẽ mất vài năm và có thể kết thúc với việc Trung Quốc giành được sự chấp thuận của WTO để thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại, nếu kết quả cho thấy Mỹ là bên vi phạm các quy tắc. Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng chê bai quyết định của Trung Quốc trong việc đối đầu trực diện, áp thuế đối với hàng hóa Mỹ mà không có sự chấp thuận của WTO.

Mỹ - Trung cần cải thiện niềm tin

Trả lời phỏng vấn hôm 2/9, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore - Chan Chun Sing - nhận xét, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại, việc thiếu sự tin tưởng giữa hai cường quốc vẫn có thể dẫn đến một nền kinh tế toàn cầu phân mảnh. Theo ông Chan, các quốc gia trên thế giới sẽ cố gắng giảm rủi ro bằng cách rút ngắn chuỗi cung ứng, tập trung theo từng khu vực để chống lại bất kỳ sự sụp đổ thương mại nào giữa những “người khổng lồ” kinh tế.

Ông Chan cũng cảnh báo rằng, các tranh chấp ngày càng mở rộng ra ngoài cuộc xung đột Mỹ - Trung và các cường quốc khác đang ngày càng đặt lợi ích của họ lên trước hệ thống đa phương toàn cầu. Cuộc đụng độ thậm chí vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại khi ảnh hưởng đến ngành công nghệ và thị trường tiền tệ.

Tháng 5/2019, Washington cấm hầu hết các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei và gây áp lực buộc các đồng minh tránh sử dụng thiết bị của công ty này cho các mạng 5G. Tháng 8/2019, Mỹ chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, mở cánh cửa cho các lệnh trừng phạt của Washington đối với Bắc Kinh. Đến nay, những nỗ lực giải quyết cuộc chiến thuế quan đã hoàn toàn đình trệ và hai bên vẫn chưa thống nhất kế hoạch nối lại đàm phán tại Washington, dự kiến diễn ra trong tháng 9/2019.

Đa dạng hóa để tự cứu

Mặt khác, ông Chan cho biết, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - thỏa thuận thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ - có thể sẽ đạt được vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Thỏa thuận này bao gồm khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, khoảng 40% thương mại thế giới và ảnh hưởng gần một nửa dân số thế giới. Dù vậy, vòng đàm phán thứ 27 cho hiệp định đã kết thúc vào tháng Bảy vừa qua mà không có tuyên bố chung nào. Dường như ngoài lĩnh vực thương mại, nhiều quốc gia hiện đang gặp khó khăn khi phải xem xét các vấn đề khác, chẳng hạn như bất đồng lịch sử, lãnh thổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vấn đề cũng đang rất nóng trong khu vực là phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông. Sau hai ngày cuối tuần bất ổn, thành phố tiếp tục đón nhận hai cuộc bãi khóa của học sinh, sinh viên hôm thứ Hai và thứ Ba. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính đặt trụ sở tại Hồng Kông có thể đang tìm cách chuyển đến Singapore. Tuy nhiên, ông Chan cho rằng, điều đó còn phụ thuộc loại hình đầu tư mà thành phố muốn thu hút.

Nhà kinh tế học Jeff Ng từ tổ chức nghiên cứu kinh tế Continuum Economics, có ​​trụ sở tại Singapore cho biết, sự chậm lại trong nền kinh tế Trung Quốc tác động đến Singapore và Đông Nam Á nhiều hơn cả những rắc rối ở Hồng Kông hay tình hình tại Mỹ. Vì thế, trên cùng lập trường, Song Seng Wun - chuyên gia kinh tế của CIMB Private Bank - cho rằng, đa dạng hóa là những gì các quốc gia trong khu vực có thể làm. Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu trực tiếp, những quốc gia nhỏ hơn cần đảm bảo cơ hội để liên kết và kinh doanh cùng nhau. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI