‘Một triệu loài động vật và thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng’

07/05/2019 - 15:00

PNO - Theo báo cáo mới được LHQ công bố hôm 6/5, sự phát triển bùng nổ của loài người đã đặt tính đa dạng sinh học của thế giới trước một mối nguy lớn, khiến cho “1 triệu loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng”.

Báo cáo gióng lên một hồi chuông báo động, vì số loài động thực vật bị nguy cơ tuyệt chủng chiếm 12,5 % trong tổng số 8 triệu loài hiện diện trên Trái Đất.

‘Mot trieu loai dong vat va thuc vat dung truoc nguy co tuyet chung’
Thiên nhiên đang suy yếu với tốc độ chưa từng có khiến cho 1 triệu loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng - Ảnh: AFP/Getty Images

Một số phát hiện của báo cáo có vẻ không mới mẻ gì đối với những người quan tâm đến vấn đề con người ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, từ những sự thay đổi theo mùa đến tình trạng xả rác thải chất dẻo và các chất gây ô nhiễm khác vào nước. Đáng chú ý ở đây là cảnh báo “thiên nhiên đang suy yếu với tốc độ chưa từng có" và những sự thay đổi đang đặt nhân loại trước mối nguy hiểm.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tuyên bố tại cuộc họp báo công bố báo cáo của LHQ rằng "Bảo vệ số lượng đa dạng sinh học chính là để bảo vệ loài người".

Sir Robert Watson, Chủ tịch Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) nói rằng báo cáo của LHQ mô tả "một bức tranh đáng lo ngại". Ông cho biết, "sức khỏe của các hệ sinh thái mà chúng ta và tất cả các loài khác phụ thuộc vào đang xấu đi nhanh hơn bao giờ hết". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang làm xói mòn nền tảng của nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới".

Báo cáo LHQ liệt kê một số mối đe dọa toàn cầu chính, từ việc sử dụng tài nguyên đất và biển của con người đến những thách thức do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và các loài xâm lấn gây nên.

Scott McArt, giáo sư côn trùng học Đại học Cornell, cho biết trong một tuyên bố liên quan đến báo cáo rằng sự suy giảm côn trùng đã ảnh hưởng đến sự thụ phấn nhờ côn trùng. Tình hình này là hậu quả do hoạt động của con người.

Trong khi đó, "mỗi năm khoảng 60 tỷ tấn tài nguyên tái tạo và không thể tái tạo được khai thác trên toàn cầu”, con số này đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980.

Những phát hiện mới của báo cáo LHQ bao gồm: 75% môi trường đất và khoảng 66% môi trường biển đã bị thay đổi đáng kể bởi hoạt động của con người; Hơn một phần ba diện tích đất liền trên thế giới và gần 75% tài nguyên nước ngọt được sử dụng cho cây trồng hoặc vật nuôi; Mỗi năm, cây trồng không được thụ phấn trên toàn cầu gây thiệt hại lên đến 577 tỷ USD; Từ 100 -300 triệu người hiện phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt và bão tố do mất môi trường bảo vệ bờ biển; Kể từ năm 1992, các khu vực đô thị trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi; Ô nhiễm plastic đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980; 300-400 triệu tấn kim loại nặng, dung môi, bùn độc hại và chất thải công nghiệp khác được đổ vào hệ thống nước của thế giới.

"Đa dạng sinh học và sự đóng góp của thiên nhiên cho con người là di sản chung và là tấm ‘lưới an toàn' quan trọng nhất của nhân loại, nhưng tấm lưới an toàn của chúng ta đã bị kéo giãn đến sắp rách”, ông Sandra Díaz người Argentina, đồng chủ tịch bản báo cáo toàn cầu nói.

IPBES cho biết, hàng trăm chuyên gia – trong đó có 455 tác giả đại diện cho 50 quốc gia tham gia - đã làm việc cùng nhau để hoàn thành bản báo cáo toàn cầu. Đây là đánh giá đa dạng sinh học toàn cầu đầu tiên kể từ năm 2005.

Kết quả khảo sát dựa trên đánh giá của khoảng 15.000 nguồn tư liệu khoa học và chính phủ. Ngoài những nguồn chính thức, báo cáo còn bao gồm những hiểu biết sâu sắc từ cộng đồng bản địa và địa phương.

Lê Hồng (Theo NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI