Mỗi năm hơn 100 doanh nghiệp Nhật bị phá sản ở Trung Quốc

13/02/2017 - 11:57

PNO - Không cạnh tranh nổi với ngành thời trang nhanh, trong bối cảnh chi phí lao động tăng và căng thẳng chính trị, các nhà đầu tư Nhật không thể thích ứng đã thất bại ở thị trường Trung Quốc, nay bắt đầu tìm đường thoái lui.

Một báo cáo mới của Tokyo Shoko Research (TSR) cho biết 110 công ty Nhật Bản đã phá sản trong năm 2016 ở Trung Quốc, con số này một lần nữa xác nhận những thách thức khi kinh doanh tại đại lục, điều người ta thường gọi là “rủi ro Trung Quốc”, một sự kết hợp của chi phí sản xuất tăng cao với bối cảnh chính trị căng thẳng. Báo cáo của TSR cho biết năm 2015 số doanh nghiệp Nhật bị phá sản ở Trung Quốc là 101 công ty.

Moi nam hon 100 doanh nghiep Nhat bi pha san o Trung Quoc
Năm ngoái, 110 công ty Nhật Bản đã bị phá sản ở Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Yao Jun, một quan chức cấp cao của Khu công nghiệp Kỹ thuật cao Changshu (CHTIP) gần Thượng Hải, những năm qua đã xoay xở kiếm được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD từ các nhà sản xuất Nhật Bản. Nhưng nay mọi việc không được như vậy nữa. "Mấy năm nay, đầu tư từ Nhật Bản đã giảm”, ông nói và cho biết số các đoàn doanh nhân Nhật đến CHTIP đã giảm hẳn. “Tôi lo rằng các công ty Nhật có thể không còn muốn đầu tư ở đây nữa”,ông Yao nói.

Mối lo của ông Yao không phải không có cơ sở. “Rủi ro Trung Quốc” đã khiến các doanh nghiệp Nhật phải chịu món nợ lên đến 71,84 tỷ yen, mặc dù đã giảm được gần 67% khoản lỗ năm trước do chỉ có một công ty thua lỗ với các khoản nợ tổng số hơn 10 tỷ yen. Các khoản lỗ năm 2015 phát sinh sau khi hãng vận tải thủy Daiichi Chuo Kisen Kaisha phá sản với khoản nợ 120 tỷ yen.

Moi nam hon 100 doanh nghiep Nhat bi pha san o Trung Quoc
Cửa hàng Iniqlo Hong Kông trên đường Causeway Bay. Nhiều công ty Nhật phá sản ở Trung Quốc do không cạnh tranh nổi với nhà sản xuất thời trang nhanh như Uniqlo - Ảnh: SCMP / David Wong

Các doanh nghiệp Nhật phá sản do "rủi ro Trung Quốc” khiến mất đi 1.638 việc làm, lần đầu tiên vượt qua con số 1.000. Xét theo ngành nghề, trong số các công ty Nhật phá sản ở đại lục năm 2016 có 63 công ty thương mại và 33 nhà sản xuất. Ngành gặp khó khăn nhất là may mặc, với 54 vụ phá sản, chiếm gần một nửa trong tổng số 110 doanh nghiệp.

Mitsuhiro Harada, tác giả của báo cáo cho biết: "Tại thời điểm này, việc tăng giá thành do tăng chi phí lao động ở Trung Quốc là một mối đe dọa, đặc biệt đối với các công ty may mặc của Nhật Bản”. Các công ty may Nhật Bản trước đây được thu hút đến Trung Quốc do chi phí sản xuất thấp, đặc biệt là chi phí lao động, và đã tăng tỷ lệ các sản phẩm họ sản xuất tại Trung Quốc, ông Harada nói với tuần báo This Week in Asia.

Moi nam hon 100 doanh nghiep Nhat bi pha san o Trung Quoc
Công nhân làm giày trên một dây chuyền sản xuất tại Nhà máy giày Huajian ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - Ảnh: AFP

"Tuy nhiên, điều này đã nhạt dần với sự gia tăng sau đó của 'thời trang nhanh" ở Nhật Bản - sản phẩm may mặc rẻ tiền với thiết kế ấn tượng phân phối bên ngoài các kênh bán hàng thông thường. Kết hợp với chi phí gia tăng do tăng chi phí nhân sự ở Trung Quốc, điều này đủ để đánh gục các công ty đang gặp khó khăn”, ông nói.

Ông Harada giải thích, các doanh nghiệp không có đủ dự trữ để tăng hiệu quả sản xuất và cạnh tranh với các nhà sản xuất thời trang nhanh như Uniqlo. Một yếu tố khác là độ tuổi trung bình của chủ sở hữu các công ty may mặc Nhật Bản cao hơn so với bất kỳ ngành nào khác, cho thấy họ e ngại hoặc không thể đổi mới, và họ chỉ chú ý đến vấn đề tìm người “thừa kế” để điều hành doanh nghiệp khi họ đến tuổi nghỉ hưu.

Moi nam hon 100 doanh nghiep Nhat bi pha san o Trung Quoc
Một khách hàng ở gian bán quần áo tại một cửa hàng Wal-Mart ở Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Sadayoshi Tamura, một phát ngôn viên của Liên đoàn Dệt may Nhật Bản (JTF), thừa nhận rằng chi phí gia tăng ở Trung Quốc làm tổn thương hoạt động các công ty thành viên, nhưng ông cũng cho biết một số công ty tuyên bố phá sản ở Trung Quốc tiếp tục tăng vốn và thiết lập cơ sở sản xuất mới tại Myanmar, Campuchia, Lào và Bangladesh, nơi mức lương công nhân vẫn còn tương đối thấp.

Lam Peng Er, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói rằng đây thuần túy là vấn đề thị trường trong kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến những rủi ro chính trị, ám chỉ đến căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế cường quốc lớn nhất khu vực.

Moi nam hon 100 doanh nghiep Nhat bi pha san o Trung Quoc
Các dây chuyền sản xuất tại một nhà máy may ở Khu công nghiệp Hlaing Thar Yar ở Myanmar - Ảnh: Getty Images

Ông cho biết, "một số công ty Nhật chuyển nhà máy sang Việt Nam đồng thời Nhật Bản đã công bố một kế hoạch đầu tư lớn tại Myanmar”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn là thị trường quan trọng đối với các công ty Nhật, một nước nhỏ như Myanmar không thể thay thế cho Trung Quốc. Trong tương lai, sẽ là Trung Quốc cộng với những nước khác. Những nước khác có thể là Việt Nam, Myanmar và một nước nào đó nữa”.

QUẾ LÂM (Theo South China Morning Post, The Economist, WN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI