Mối họa Trung Quốc ăn cắp công nghệ

25/07/2014 - 07:41

PNO - PNO – Trong tháng Bảy, có ít nhất hai phiên tòa tại Mỹ, cáo buộc công dân Trung Quốc ăn cắp công nghệ quân sự. Việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ là mối họa không chỉ với Mỹ mà còn được báo động ở các nước khác.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Trong phiên tòa diễn ra ngày 23/7 tại Mỹ (theo giờ địa phương), công dân người Trung Quốc Bo Cai (28 tuổi) đã thừa nhận mình cấu kết với người anh họ là Wenting Cai (29 tuổi) thực hiện âm mưu chuyển công nghệ quân sự độc quyền của Mỹ sang Trung Quốc.

Moi hoa Trung Quoc an cap cong nghe

Doanh nhân Trung Quốc Su Bin (ảnh nhỏ) cùng hai tin tặc khác đột kích máy tính của hãng Boeing 

Ngày 18/7, ở Mỹ đã mở phiên toà để lựa chọn biện pháp giam giữ doanh nhân Su Bin của Trung Quốc ăn cắp thông tin mật liên quan đến một số máy bay quân sự. Người này đang sống ở Canada, đứng đầu một công ty có liên quan đến công nghệ hàng không vũ trụ. Theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ ông Su Bin đã bị bắt từ cuối tháng Sáu và hiện các cơ quan chức năng đang giải quyết vấn đề dẫn độ ông ta sang Mỹ.

Theo điều tra ban đầu, từ năm 2009 - 2013, Su Bin âm mưu cùng với hai tin tặc khác đột kích máy tính của hãng Boeing và các nhà thầu khác của Lầu Năm góc, đánh cắp công nghệ, sau đó bán hoặc chuyển chúng cho tổ chức ở Trung Quốc. Các dòng máy bay trở thành mục tiêu đánh cắp thông tin là máy bay vận tải quân sự C-17 và các máy bay tiêm kích F-22 và F-35.

Trước đó, kỹ sư hoá học đã về hưu Walter Liew (56 tuổi) của công ty hoá chất DuPont (Mỹ) bị kết án 15 năm tù vì tội bán thông tin mật của công ty trên cho Trung Quốc. Để có 28 triệu USD, Walter Liew liên tục đánh cắp các công thức độc quyền của DuPont, chuyển sang Trung Quốc, giúp họ xây dựng công ty tương tự như DuPont.

Moi hoa Trung Quoc an cap cong nghe

Công ty hóa chất DuPont (Mỹ) cũng là nạn nhân của nạn đánh cắp thông tin mà Trung Quốc chủ mưu

Đây không phải trường hợp duy nhất. Từ trước đến nay, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế mới nổi, gần đây được xếp là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai (tính theo GDP) nhưng lại là mục tiêu điều tra gián điệp kinh tế từ những nền kinh tế phát triển.

Ngay trước chuyến công du của Thủ tướng Angela Merkel đến Trung Quốc ngày 7/7, Cơ quan tình báo Đức công khai khuyến cáo các doanh nghiệp của mình cần đề phòng với gián điệp Trung Quốc. Theo cơ quan trên, các công ty vừa và nhỏ của Đức dễ trở thành miếng mồi ngon cho tình báo kinh tế Trung Quốc. Vì thế, Đức cần thận trọng trong các hợp tác kinh tế với Trung Quốc để không bị nước này tận dụng sơ hở và đánh cắp những bí mật công nghệ.

Đối với Nhật Bản, điều hấp dẫn Trung Quốc nhất chính là công nghệ tàu ngầm. Trung Quốc tiếp cận được những thông tin đắt giá bằng chiêu thức ít ai ngờ. Năm 2013, truyền thông Nhật Bản phanh phui hàng loạt lãnh đạo, kỹ sư công nghệ cao của Nhật Bản “dính đòn” mỹ nhân kế từ phía Trung Quốc để cung cấp thông tin mật. Những nhân vật này bị phát hiện thường xuyên tụ tập ở một quán bar tại Kyoto do một người Trung Quốc quản lý. Họ đã bị dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí là kết hôn cùng những phụ nữ trẻ, xinh đẹp qua mai mối của quản lý quán, từ đó bị khai thác thông tin mà không biết mình đang làm chuyện phạm pháp.

Một cách thức tinh vi nữa mà Trung Quốc sử dụng để tiếp cận thông tin của đối thủ cạnh tranh chính là qua các đại lý quảng cáo. Họ “cài” những nhân viên chủ lực là người Trung Quốc trong các đại lý lớn, từ đó đánh cắp thông tin nghiên cứu thị trường của đối thủ, mô tả tính năng của sản phẩm cạnh tranh và lấy về phát triển, đưa vào chiến dịch quảng bá của mình. Có thể kể đến một số vụ điển hình như vụ tấn công của Trung Quốc vào công ty sản xuất thiết bị xây dựng Westinghouse (Mỹ) khi công ty này đang đàm phán về vấn đề thi công và vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc trong thời gian từ năm 2007-2013.

Westinghouse đã bị đánh cắp các bản thiết kế kỹ thuật, cùng với nội dung các thông tin trao đổi nội bộ về chiến lược kinh doanh của công ty. Năm 2012, tập đoàn sản xuất thép United Steelworkers đã thúc giục Quốc hội Mỹ đánh thuế nhập khẩu các mặt hàng Trung Quốc ngay sau khi tin tặc Trung Quốc ăn cắp các email cấp cao thảo luận về chiến lược của công đoàn.

Tháng 5/2013, do Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ - IP, một tổ chức hoạt động độc lập về sở hữu trí tuệ đã ra báo cáo khẳng định Trung Quốc là thủ phạm đánh cắp bản quyền hàng đầu thế giới. Tin tặc Trung Quốc và một số nước khác đánh cắp nhiều sản phẩm công nghệ cao hoặc các sản phẩm có thương hiệu do Mỹ phát triển, khiến nước này thiệt hại đến 300 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này tương đương với tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Mỹ sang châu Á năm 2012. Hơn nữa, nếu ngăn chặn được tình trạng đánh cắp bản quyền ở mức tối đa thì Mỹ sẽ bảo vệ được 2,1 triệu việc làm cho người lao động nước mình.

 “Mối hoạ” bản quyền bị đánh cắp từ Trung Quốc luôn khiến các nước lo lắng và cần có biện pháp nặng tay ngăn chặn.

THIÊN NHƯ (Theo Wall Street Journal, Shukan Jitsuwa, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI