Luật sư và cán cân công lý - Bài cuối: ADN giá trị hơn lời thú tội

27/06/2013 - 07:20

PNO - PN - Năm 1984, Eddie Joe Lloyd thừa nhận mình đã hãm hiếp rồi giết chết cô gái 16 tuổi Michelle Jackson. Ông may mắn không phải lên ghế điện vì bang Michigan đã bãi bỏ án tử hình. Lloyd chỉ phải nhận án tù chung thân nhưng sẽ không bao giờ...

Chứng hoang tưởng

Luat su va can can cong ly -  Bai cuoi: ADN gia tri hon loi thu toi

Eddie Lloyd vui mừng vì được giải oan (ảnh: Internet)

Eddie Joe Lloyd không thể trách ai ngoài chính mình về những năm tù tội ấy. Khi vụ án xảy ra, ông đang được điều trị tại một bệnh viện tâm thần vì chứng hoang tưởng. Lloyd luôn cho rằng mình có năng lực siêu nhiên để có thể tìm ra thủ phạm của mọi vụ giết người. Vài tháng sau cái chết của Michelle Jackson, ông ta gửi thư đến cảnh sát, nói rằng mình biết rõ kẻ sát nhân. Hầu như đã vô vọng trong việc tìm ra manh mối vụ án này, cảnh sát Michigan như người sắp chết đuối vớ được cọc, lập tức tìm đến Lloyd.

Lloyd khẳng định là nếu ông ta thú tội và bị bắt giam vì đã giết Michelle Jackson thì điều đó sẽ giúp cảnh sát vén được bức màn bí ẩn về vụ giết người này và tìm ra thủ phạm thực sự. Cảnh sát nghe theo lời Lloyd, họ cung cấp cho ông những chi tiết về vụ án cũng như các chứng cứ tại hiện trường như chiếc quần jeans mà Michelle mặc khi bị giết, chiếc bông tai mà cô thường đeo, sợi dây thừng thủ phạm siết cổ cô, con dao có tay cầm màu đỏ được cho là dụng cụ dùng để uy hiếp Michelle, những mảnh vỡ của một cái lọ nhỏ có dính tinh dịch của kẻ sát nhân… Những chứng cứ này quá đủ để kết tội, nói chi đến việc Lloyd đích thân viết bản thú tội và thu âm những lời khai về việc giết người này.

Thế nhưng, cảnh sát đã không dùng những thứ này để Lloyd có thể tìm ra thủ phạm mà lại dùng những vật chứng này cùng lời thú tội của Lloyd để khép ông vào tội giết Michelle. Sau một phiên tòa ngắn ngủi với mọi thứ đều chống lại Lloyd, ông bị kết án tù chung thân, giới cảnh sát Michigan xem đó là một trong những vụ phá án thành công nhất của họ.

Khi biết mình mắc bẫy của cảnh sát, Lloyd liên tục kêu oan nhưng mọi thỉnh cầu của ông đều bị bác bỏ cho đến năm 1995, khi ông được biết về Dự án giải oan (Innocence Project) của Quốc hội Mỹ. Ông viết thư đến người chịu trách nhiệm dự án này. Trong nhiều năm, các chuyên gia của dự án đã dùng các chứng cứ sinh học để giải oan cho nhiều người thông qua việc xét nghiệm ADN. Thỉnh cầu của Lloyd được chấp thuận. Sau khi dùng ADN để tìm hiểu mối liên quan giữa Lloyd với các vật chứng còn lưu lại, các chuyên gia khẳng định Lloyd chẳng dính dáng gì đến cái chết của Michelle Jackson. Đúng là trên mọi chứng cứ còn lưu lại đều có vết ADN của một người đàn ông, nhưng đó không phải là Lloyd.

Trở về từ xà lim tử tù

Khác với Eddie Joe Lloyd, Damon Thibodeaux không biết tử thần gọi tên mình lúc nào. Sau phiên tòa, ông bị xác định là có tội và phải chịu án tử hình bởi Louisiana là một trong số những tiểu bang ở Mỹ còn áp dụng án tử hình.

Luat su va can can cong ly -  Bai cuoi: ADN gia tri hon loi thu toi

Đội ngũ luật sư đã cứu thoát Damon Thibodeaux  khỏi xà lim tử tù (ảnh: Internet)

Số phận thật trớ trêu với Thibodeaux. Tháng 7/1996, chàng trai 21 tuổi từ Texas đến New Orleans để dự dám cưới một người họ hàng. Sau đám cưới, một người em họ 14 tuổi của Thibodeaux là Crystal Champagne mất tích, rồi một ngày sau, thi thể của cô được phát hiện. Không hiểu tại sao cảnh sát lại xem Thibodeaux là nghi phạm chính. Họ mời anh về đồn để thẩm vấn. Chỉ sau chín giờ đồng hồ, cảnh sát thông báo vị khách đến từ Texas này chính là thủ phạm giết Crystal Champagne bằng cách hãm hiếp cô rồi bóp cổ đến chết. Ngoài các nhân chứng và vật chứng được đưa ra trước tòa, cảnh sát còn trưng ra tờ thú tội của Thibodeaux.

Phiên tòa xử Thibodeaux diễn ra vào năm 1997, sau ba ngày xét xử với thời gian dành cho bồi thẩm đoàn nghị án chưa đến một giờ đồng hồ, Thibodeaux bị xác nhận là “có tội” với mức án tử hình. Anh được chuyển đến khu tử tù ở nhà tù Angola để chờ ngày thi hành án. Không ngờ, thời gian chờ thi hành án của Thibodeaux lại kéo dài đến 15 năm.

Luat su va can can cong ly -  Bai cuoi: ADN gia tri hon loi thu toi

Damon Thibodeaux lúc mới bị bắt (phải) và lúc được giải oan (ảnh: Internet)

Sau này người ta mới biết, sở dĩ Thibodeaux kéo dài được mạng sống cho đến khi được giải oan là nhờ các luật sư Steven Z. Kaplan và Barry Scheck, những cộng tác viên của Dự án giải oan, cùng Denny LeBoeuf, một chuyên gia nghiên cứu về án hình sự tại Louisiana. Trong một lần đến nhà tù Angola, Denny LeBoeuf gặp được Thibodeaux và ngay lần gặp đầu tiên, cô đã có cảm giác vụ án này… không bình thường. “Tôi sẽ mang anh ra khỏi xà lim tử tù, nếu anh đồng ý cho tôi cơ hội”, Denny nói. Thibodeaux nhìn thẳng vào mặt Denny nói, trước khi trả lời: “Ok”.

Denny LeBoeuf báo với người phụ trách Dự án giải oan về trường hợp của Thibodeaux, các luật sư Kaplan và Scheck vào cuộc. Họ lục tung mọi hồ sơ còn lưu lại về vụ án Crystal Champagne, nhưng chẳng tìm được gì đáng kể. Rõ ràng cảnh sát đã không tiến hành điều tra vụ này một cách nghiêm túc và không biết bằng cách nào mà họ có được bản thú tội của Thibodeaux để dùng nó làm bằng chứng kết án tử anh ta.

Sau khi tiếp xúc nhiều người có liên quan đến vụ án, Kaplan và Scheck tin rằng, họ hoàn toàn có cơ may thắng cuộc. Thay mặt Thibodeaux, họ đề nghị Tòa án bang Louisiana xét xử lại vụ án. Phiên tòa đầu tiên được tiến hành vào năm 2000 và kéo dài một cách ngắt quãng đến tận năm 2007 mới diễn ra phiên xử cuối cùng, trước khi phán quyết được đưa ra. Tính tổng cộng, Kaplan, LeBoeuf, Scheck và nhiều luật sư cũng như chuyên gia pháp y khác đã mất 11 năm với hàng ngàn giờ nghiên cứu các chứng cứ để tìm ra sự thật. Họ không lầm khi quyết định tập trung vào lĩnh vực sinh học, cụ thể là những vết ADN còn lưu lại để chứng minh Thibodeaux vô tội.

Vào ngày 27/9/2012, quan tòa Patrick McCabe tuyên bố trả tự do cho Damon Thibodeaux.

 THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI