Lòng hiếu thảo của một giáo sư gây bão mạng Trung Quốc

23/09/2017 - 12:30

PNO - Ông Hu Ming, một giáo sư đại học cùng người mẹ già mắc bệnh Alzheimer của ông đã trở thành các ngôi sao truyền thông xã hội ở Trung Quốc.

Hơn 9.000 người sử dụng mạng xã hội Sino Weibo bình luận một bài báo đăng trên nhật báo Thanh niên Bắc Kinh về giáo sư Hu Ming ở tỉnh Quý Châu, người đã đưa mẹ của mình, một cụ bà bị bệnh liệt rung đến lớp học của mình.

Bài báo cho biết các sinh viên năm thứ nhất trong trường ban đầu nghĩ rằng bà cụ là một giáo sư về hưu đến dự giờ, sau đó họ mới biết đó là mẹ của giáo sư Hu.

Long hieu thao cua mot giao su gay bao mang Trung Quoc
Mẹ của giáo sư Hu Ming ngồi trong lớp học của con - Ảnh: Sina Weibo

"Tôi đến học giờ lý thuyết hôm nay thì thấy một cụ bà ngồi sau lưng mình. Ban đầu tôi không biết là ai, sau đó mới biết đó là người mẹ ngoài 80 tuổi của giáo sư. Vì thầy không thể để mẹ ở nhà một mình, nên đưa bà theo đến lớp. Đó là lòng hiếu thảo, nó khiến cho tôi rất xúc động”, một người dùng Weibo viết.

Bài đăng về vị giáo sư này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2016, nhưng gần đây đã được các phương tiện truyền thông của Trung Quốc chọn đăng lại.

Bài báo cho biết cha giáo sư Hu đã chết vì xuất huyết não năm 2011, và mặc dù ông có các em gái, giáo sư vẫn nhận trách nhiệm chăm sóc mẹ mình, vì bà mẹ còn bị chứng mất trí nhớ và ông là người duy nhất bà có thể nhận ra.

Giáo sư Hu cho biết các triệu chứng của mẹ ông bây giờ rất nghiêm trọng, "bà ấy không thể phân biệt được nước ngọt, đường, muối, hoặc bột giặt khi cầm lên tay”.

Giáo sư Hu nói với tờ Thanh niên Bắc Kinh rằng đôi khi mẹ ông ngủ gật trong lớp học và đôi khi theo dõi bài giảng. Ông cho biết bà cụ "rất ngoan ngoãn" trong các lớp học của mình và được sinh viên của ông ân cần đón nhận.

Long hieu thao cua mot giao su gay bao mang Trung Quoc
Giáo sư Hu Ming đang giảng bài - Ảnh: Sina Weibo

Các phóng viên hỏi giáo sư về việc ông có nghĩ đến việc thuê một người chăm sóc cho bà hay không, ông nói không nghĩ về việc này vì ông sẽ tự mình chăm sóc cho mẹ.

Trong khi đó, nhà trường nói với tờ báo rằng họ không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối việc giáo sư Hu đưa mẹ đến lớp.

Giáo sư Hu năm nay 58 tuổi, ông cho biết vì chưa đến tuổi nghỉ hưu nên không có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc mẹ già.

Bài viết của Sina Weibo đăng trên tờ Thanh niên Bắc Kinh đã nhận được 100.000 lượt like, 9.000 bình luận và 7.000 chia sẻ.

Những người dùng Weibo ca ngợi giáo sư Hu là người con hiếu thảo, cũng như là một thầy giáo giỏi.

Một người dùng Weibo (có 14 nghìn like) nói rằng “thầy là một tấm gương cho người khác”. Những người dùng khác nói rằng ông đang dạy cho sinh viên "bài học tuyệt vời nhất".

Một cư dân khác của Weibo khẳng đinh hành động của thầy “không ảnh hưởng gì đến lớp học và sinh viên, đây là một việc làm tử tế và có trách nhiệm, một tấm lòng hiếu thảo”.

Một người khác nhận xét: "Đây là cách giáo dục tốt nhất, vì vừa dạy kiến thức, vừa dạy lòng hiếu thảo”.

Long hieu thao cua mot giao su gay bao mang Trung Quoc
Bài viết về lòng hiếu thảo của giáo sư Hu Ming trên Weibo được truyền thông chia sẻ - Ảnh: Sina Weibo

Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ báo y khoa Lancet năm 2010, Trung Quốc là nước có nhiều người mắc bệnh Alzheimer hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Tạp chí New Scientist dự báo, “đến năm 2033, số người ‘phụ thuộc’, phần lớn trong số đó là người cao tuổi, sẽ vượt quá số người trong độ tuổi lao động”.

Tôn kính cha mẹ, người có tuổi và tổ tiên được coi là một giá trị quan trọng trong xã hội và văn hoá Trung Quốc và thường là chủ đề tranh luận trên các trang mạng truyền thông xã hội Trung Quốc.

Khái niệm hiếu thảo lần đầu tiên được bàn đến như một phẩm chất cốt lõi của con người theo quan niệm Khổng giáo từ năm 400 trước Công nguyên, thông qua những tác phẩm giá trị của triết gia Khổng Tử.

Lòng hiếu thảo từng là một trong những tiêu chí chính yếu để lựa chọn quan chức từ thời Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220).

Hoàng Diệu (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI