Lao động nữ được nghỉ trong “ngày đèn đỏ”

13/01/2017 - 11:36

PNO - Dù không nói ra, nhưng trong một cuộc khảo sát gần đây với 5.000 phụ nữ Canada cho thấy, 16% trong số họ thừa nhận phải nghỉ học hoặc nghỉ làm vào ngày “nguyệt san” ghé thăm.

Lao dong nu  duoc nghi trong “ngay den do”
Phụ nữ Zambia được xem là người chủ yếu quán xuyến đời sống xã hội - Ảnh: Africa News

Những ngày qua, sau khi ban soạn thảo dự án luật Lao động (LÐ) (sửa đổi, bổ sung) ở Việt Nam đề xuất bỏ quy định “LÐ nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng LД đã dấy lên sự  phản biện sôi nổi.

Trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia đã sớm quan tâm đến sức khỏe của LÐ nữ trong “ngày đèn đỏ” và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

 Nike, công ty sản xuất trang phục thể thao nổi tiếng được xem là công ty toàn cầu duy nhất trên thế giới chính thức đưa ngày nghỉ đặc biệt này vào bộ quy tắc ứng xử của mình.

Lao dong nu  duoc nghi trong “ngay den do”
Giám đốc Bex Baxter cùng các nhân viên nữ - Ảnh: Mirror

Được nghỉ làm vào “ngày đèn đỏ” cũng nằm trong quy định của công ty Coexist ở Anh. Là giám đốc công ty, cô Bex Baxter thấu hiểu khó khăn mà phụ nữ phải trải qua trong ngày này: “Đối với tôi, không gì phải ngại ngùng khi chia sẻ vấn đề này với mọi người. Phụ nữ nghỉ làm trong ngày đèn đỏ thực chất chỉ là sự đồng bộ hóa công việc với hoạt động sinh học tự nhiên của cơ thể. Khoảng thời gian này, chúng ta cần giữ ấm và chăm sóc cơ thể hơn là làm việc quần quật”. 

Chính sách về “ngày đèn đỏ” không là vấn đề quá mới mẻ. Từ những năm 1990, chính phủ Cộng hòa Zambia (thuộc miền Nam châu Phi) đã có quy định về “Ngày của mẹ” (Mother’s Day), cho phép nữ LĐ được nghỉ làm vào một ngày bất kỳ trong tháng mà không cần đưa ra bất kỳ giấy chứng nhận sức khỏe nào.

Phụ nữ (dù đã lập gia đình hay chưa) có thể xin nghỉ đột xuất khi cơn đau quá nặng khiến họ không thể đi làm được. Cấp trên của họ có thể bị truy tố nếu từ chối điều này.

Theo nữ luật sư Linda Kasonde, trong truyền thống Zambia, phụ nữ dù lập gia đình hay độc thân đều được xem là người quán xuyến chủ yếu đời sống xã hội nên họ được khuyến khích nghỉ ngơi, thậm chí không nhất thiết đi lại nhiều hoặc làm việc nặng trong “ngày đèn đỏ”.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn những quan điểm trái chiều cho rằng Zambia có quá nhiều ngày nghỉ lễ trong năm và không cần thiết có thêm ngày này. Cô Mutinta Musokotwane-Chikopela, một bà mẹ ba con và là nhân viên tiếp thị toàn thời gian, cho biết cô không cần đến “Ngày của mẹ” vì nó có thể làm cô trở nên lười biếng.

Thậm chí, nhiều người cho rằng quy định này vô tình khiến nữ giới có thể sử dụng đặc quyền để làm việc riêng như đi mua sắm, làm đẹp, vui chơi.

Ở các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, chính phủ khá quan tâm đến vấn đề sức khỏe của phụ nữ.

Lao dong nu  duoc nghi trong “ngay den do”
Nữ lao động ở Nhật được phép nghỉ việc vào ngày đèn đỏ - Ảnh: The Guardian

Tiêu biểu như ở Nhật, chính sách nghỉ “ngày đèn đỏ” ra đời lần đầu tiên năm 1947 trong bộ luật LĐ với mục đích tạo sự thoải mái nhất cho LĐ nữ. Các chị em được phép báo bệnh vào ngày “phải chịu những cơn đau âm ỉ”.

Tuy nhiên, nhiều LĐ nữ ở Nhật có xu hướng từ chối quyền lợi này. Họ cảm thấy xấu hổ khi xin phép nghỉ vì không muốn thể hiện sự yếu đuối trước đồng nghiệp nam.

Rào cản lớn nhất khiến các chính sách trên vấp phải nhiều khó khăn nằm ở nếp nghĩ: đây là chuyện kiêng kỵ, chuyện riêng. Tuy vẫn còn tranh cãi xoay quanh ngày nghỉ phép đặc biệt của LĐ nữ, nhưng khuynh hướng chung vẫn là mang lại môi trường làm việc tốt nhất cho giới nữ.

Nguyễn Khanh
(Theo BBC, The Sun, The Guardian, Global News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI