Lãnh đạo Mỹ - Nga vẫn gặp nhau 'chớp nhoáng' tại G20

01/12/2018 - 06:27

PNO - Mặc dù Mỹ hủy hội nghị thượng đỉnh với Nga tại Argentina, nhưng phía Nga cho biết lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp nhanh bên lề hội nghị G20.

Lanh dao My - Nga van gap nhau 'chop nhoang' tai G20
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 30/11 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có một cuộc gặp ngắn không chuẩn bị trước với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina, tương tự các cuộc gặp những nhà lãnh đạo khác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới (G20).

Ngay trước khi hội nghị diễn ra, ông Donald Trump đã quyết định hủy cuộc gặp với ông Vladimir Putin. Quyết định này của ông Trump được cho là sẽ phủ bóng lên hội nghị G20 vốn dĩ đang phải thảo luận nhiều vấn đề đau đầu và then chốt như thương mại, di cư và biến đổi khí hậu.

Cùng ngày 30/11 (giờ địa phương), Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã tuyên bố chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự có mặt của lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới, cũng như nhiều đại diện tổ chức quốc tế và khu vực.

Với chủ đề chính “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, nước chủ nhà Argentina hy vọng đây là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận một loạt các vấn đề lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, tương lai việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển, tương lai của lương thực bền vững...

Tuy nhiên, một nội dung đe dọa tới thành công của hội nghị lần này là vấn đề thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề hội nghị G20 tại Argentina được kì vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Mặc dù giới quan sát cho rằng cuộc gặp này khó có thể giải quyết ngay lập tức những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, song đây có thể sẽ là một tín hiệu tích cực hướng tới tương lai. 

Nước chủ nhà Argentina nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận tại một diễn đàn đa phương như G20, song sự chia rẽ trong các vấn đề toàn cầu cho thấy con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế.

M. T (theo RT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI