'Làm phụ nữ' ở Nigeria

04/07/2015 - 07:05

PNO - PN - Nữ tác giả Chimamanda Adichie Ngozie kể câu chuyện lần đầu tiên cô bị một bạn trai gọi là “nhà nữ quyền” khi cô mới 14 tuổi. “Đó không phải là lời khen. Giọng nói của cậu bạn bộc lộ điều gì đó kinh khủng, kiểu như...

edf40wrjww2tblPage:Content

'Lam phu nu' o Nigeria

Tỷ lệ nam giới Nigeria biết chữ là 75,7%, trong khi con số này ở nữ giới chỉ là 60,6%.

Nigeria thường được xem là ví dụ điển hình về tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu. Đến năm 2050, cứ 10 đứa trẻ được sinh ra trên thế giới thì sẽ có một em bé chào đời tại Nigeria. Đây là kết quả nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thực hiện mới đây, cho thấy sự bùng nổ dân số ở châu Phi.

Đến cuối thế kỷ này, dân số lục địa đen sẽ tăng lên 4 tỷ người, so với hơn 1,1 tỷ người như hiện nay. Bùng nổ dân số cùng cơn lốc đô thị hóa đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, khiến nhiều phụ nữ Nigeria phải đứng bên lề xã hội, càng làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới vốn đã trầm trọng ở nước này.

Trong chương trình đối thoại nổi tiếng trên kênh truyền hình TEDx, nữ tác giả Chimamanda Adichie Ngozie kể câu chuyện lần đầu tiên cô bị một bạn trai gọi là “nhà nữ quyền” khi cô mới 14 tuổi. “Đó không phải là lời khen. Giọng nói của cậu bạn bộc lộ điều gì đó kinh khủng, kiểu như “bạn là người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố” - Adichie cười chua chát, nói tiếp: “Một số người cho rằng, phụ nữ phụ thuộc vào đàn ông vì cội nguồn văn hóa của chúng ta như vậy. Nhưng, người ta quên rằng văn hóa cũng đang thay đổi từng ngày”.

Nếu như Adichie sử dụng ngòi bút và diễn đàn của mình để nói về cuộc đấu tranh trường kỳ của phụ nữ Nigeria, thì giới trẻ Nigeria ngày nay cũng làm như vậy, nhưng chỉ với 140 ký tự trên Twitter. Tất cả bắt đầu khi câu lạc bộ sách của Florence Warmate đọc cuốn Tất cả chúng ta đều là nhà nữ quyền của Adichie. “Chúng tôi thảo luận về cuốn sách và nói về trải nghiệm riêng của từng người. Chúng tôi nghĩ rằng nên đưa vấn đề này đến nhiều người khác nữa”. Thế là nhóm quyết định gửi đi một tin nhắn Twitter với từ khóa #BeingfemaleinNigeria (Làm phụ nữ ở Nigeria) ngay trong giờ nghỉ trưa hôm đó.

'Lam phu nu' o Nigeria

Bùng nổ dân số, thiếu việc làm khiến nhiều phụ nữ Nigeria bị gạt bên lề xã hội - ẢNH: EKEKEEE.COM

Thật bất ngờ, từ khóa trên đã được nhắc đến 17.000 lần trong một thời gian ngắn, nhiều người tập trung vào các trường hợp phân biệt giới mà phụ nữ Nigeria “tai nghe mắt thấy” hàng ngày. Một số tin nhắn Twitter khác nhấn mạnh bản chất gia trưởng của xã hội Nigeria. Đáng chú ý, từ khóa này đã thu hút nhiều đàn ông ở Nigeria bình luận.

“Văn hóa trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào ý thức của người Nigeria, dù không ai cấm việc vạch mặt chỉ tên nó”, Warmate nói. Văn hóa không thể thay đổi qua một đêm, nhưng điều chắc chắn là câu lạc bộ sách của các bạn trẻ ở Abuja này ngày càng đông thành viên. Con đường đi đến bình đẳng giới của đất nước Tây Phi 175 triệu dân này đã bắt đầu từ những bước đi “thăm dò” như vậy.

Báo cáo năm 2012 về bình đẳng giới và phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, “tỷ lệ phụ nữ tử vong trong sinh đẻ ở vùng Hạ Sahara châu Phi và một số khu vực ở Nam Á vẫn cao ngang với mức của khu vực Bắc Âu hồi thế kỷ XIX. Trẻ em nhà giàu thành thị ở Nigeria, cả nam và nữ, đi học trung bình 10 năm, trong khi trẻ em gái nghèo nông thôn người Hausa (chiếm 21% dân số Nigeria) chỉ đi học trung bình sáu tháng”.

Theo thống kê chính thức, tỷ lệ nam giới Nigeria biết chữ là 75,7%, trong khi con số này ở nữ giới chỉ là 60,6%.

Bất bình đẳng xã hội, những hủ tục trong văn hóa (gồm tệ tảo hôn, tục cắt âm vật bé gái) cùng với xung đột vũ trang và tình trạng bạo lực đối với phụ nữ... là những rào cản khiến Nigeria càng chậm chuyển mình theo con đường tươi sáng hơn đối với phụ nữ. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đầy trăn trở “Làm phụ nữ ở Nigeria nghĩa là thế nào?” vẫn còn là cuộc đấu tranh gian khó ở Nigeria.

CẨM HÀ

(Theo CNN, TEDx, WB)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI