Khủng bố trỗi dậy ở Trung Đông

12/06/2014 - 21:19

PNO - PNO - Ba năm sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị lực đặc nhiệm SEAL của Mỹ tiêu diệt ở Pakistan (2/5/2011) và quân đội Mỹ rút khỏi Iraq (18/12/2011), Trung Đông, miền đất chưa bao giờ có hòa bình, lại đang nóng lên với các cuộc tấn...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Giới quan sát cho rằng chủ nghĩa khủng bố bắt đầu thắng thế ở khu vực này.

Đến nay, nhóm khủng bố Hồi giáo Al Qaeda ở Iraq (ISIL) đã chiếm quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai nước này. Việc lực lượng phiến quân ISIL chiếm giữ thành phố 2 triệu dân ở miền Bắc Iraq cũng cuộc chiến của người Hồi giáo Sunni ở cả hai bên biên giới Iraq-Syria đã siết chặt hơn gọng kìm vào các thị trấn miền Tây Iraq.

Khung bo troi day o Trung Dong

Tốc độ tiến quân của nhóm khủng bố Hồi giáo Al Qaeda ở Iraq khiến phương Tây rung chuông báo động

Nhiều phóng viên chứng kiến thi thể các binh sĩ và cảnh sát, một số trong đó không toàn thây, nằm la liệt trên đường phố. "Chúng tôi không thể đánh bại chúng, chúng được tôi luyện trong các trận đánh đường phố, ẩn hiện như những bóng ma. Chúng tôi cần cả một đội quân để đẩy lùi chúng ra khỏi Mosul”, một sĩ quan nói với Reuters.

Sự sụp đổ của Mosul, thành phố với phần lớn người Ả Rập Sunni, sau nhiều năm giao tranh sắc tộc và giáo phái, đã giáng đòn nặng nề vào nỗ lực của Baghdad trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Sunni. Chưa kể, lực lượng ISIL đã sớm giành nhiều lợi thế ở Iraq, sau khi chiếm được Fallujah và nhiều khu vực của sa mạc Ramadi phía Tây Baghdad hồi đầu năm nay.

Ngày 11/6, các chiến binh Hồi giáo tiếp tục chiếm đóng Tikrit, thủ phủ tỉnh Salahudin, miền Bắc Iraq. Salahudin là tỉnh tập trung tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni sinh sống và thủ phủ Tikrit là quê nhà của cố Tổng thống Saddam Hussein. Cuộc chiếm đóng thành công của những kẻ khủng bố này, ở cả khu vực rộng lớn thuộc miền Bắc và miền Trung Iraq, khiến hơn một nửa triệu người phải bỏ nhà cửa chạy loạn.

Tốc độ tiến quân của ISIL và các đồng minh mấy ngày nay khiến cho thủ đô các nước phương Tây phải rung chuông báo động. Tehran và Washington, bất chấp có nhiều khác biệt trong vấn đề ngăn cản Iraq không bị cuốn vào một cuộc nội chiến tàn khốc như Syria, đều cam kết viện trợ nhiều hơn cho Baghdad.

Khung bo troi day o Trung Dong

Hiện trường vụ Taliban tấn công sân bay ở Karachi, Pakistan

Ở Pakistan, tuy khói lửa binh đao tạm lắng sau khi phong trào Hồi giáo Taliban ở Pakistan, Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) tấn công sân bay quốc tế Jinnah ở thành phố Karachi và một học viện an ninh gần đó, nhưng tất cả đều hiểu, nguy cơ chết chóc do những kẻ khủng bố gây ra vẫn hiện diện trong lòng đất nước này. Hai cuộc tấn công vừa nêu đã cướp đi sinh mạng của 38 người, trong đó bao gồm 10 chiến binh.

Cuộc tấn công mới nhất của lực lượng Taliban đã đẩy tiến trình hòa bình mong manh giữa Pakistan và TTP vào ngõ cụt, khoảng 25.000 người phải chạy trốn khỏi khu vực bộ lạc bất ổn ở Tây Bắc nước này trong vòng 48 giờ sau vụ tấn công, do lo sợ đến lượt quân chính phủ trả đũa. Ngay như nước láng giềng Ấn Độ cũng lập tức ban bố tình trạng báo động cho các sân bay nước mình, cho thấy “mồi lửa” khủng bố Taliban mới thổi bùng là dấu hiệu rất đáng lo ngại.

Diễn biến ở Iraq và Pakistan một lần nữa khẳng định, ngọn lửa khủng bố luôn âm ỉ chờ thời cơ bùng cháy, và có thể dự liệu Afghanistan sẽ là “mồi ngon”, sau khi quân đội Mỹ rút quân vào cuối năm 2014. Bức tranh Trung Đông dường như không thay đổi bao nhiêu sau các chiến dịch có tên gọi rất “kêu” cũng như các sứ mệnh kéo dài, tốn kém và đổ nhiều máu của Mỹ cùng các nước Đồng minh.

Tám năm chiến tranh Iraq và 13 năm chiến tranh Afghanistan, bao nhiêu mạng người và tài sản của Mỹ và các nước phương Tây đã tan thành mây khói ở những miền đất “bí ẩn” này.

THIỆN ĐẠO (Theo AP, Reuters, AFP, Wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI