Không khí ô nhiễm làm tăng 50% nguy cơ sẩy thai

17/10/2019 - 06:30

PNO - Theo dữ liệu trong tám năm qua, khói bụi ô nhiễm trên bầu trời Bắc Kinh (Trung Quốc) có thể khiến các thai phụ nơi đó phải hứng chịu khoảng 50% nguy cơ sẩy thai.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Thiên nhiên bền vững của Trung Quốc ngày 14/10, cho hay, có mối tương quan đáng kể giữa mức độ ô nhiễm không khí với tình trạng sẩy thai chết lưu trong ba tháng đầu thai kỳ. 

Nguy cơ sẩy thai tăng theo tỷ lệ ô nhiễm

Việc kiểm tra dữ liệu từ hơn 255.000 phụ nữ mang thai sống ở thủ đô Bắc Kinh cho thấy, những nguy cơ sẩy thai chết lưu (bào thai, hoặc phôi thai ngừng phát triển) đã tăng mạnh theo tỷ lệ nồng độ chất gây ô nhiễm không khí cao hơn, trong tám năm qua.

Khong khi o nhiem  lam tang 50%  nguy co say thai
Nhiều bà mẹ ở Trung Quốc lo lắng về nạn ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng xấu tới đứa con chưa sinh của họ - ảnh: AFP

Theo nhóm nghiên cứu, cứ 10μg/m3 điôxit sunfua (SO2) trong không khí, thải ra từ các nhà máy nhiệt điện và xe cộ, sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai lên 41%. Mức ô nhiễm không khí cao hơn sẽ dẫn tới nguy cơ sẩy thai đến 52%.

Tuy vậy, với nhiều bà mẹ ở Trung Quốc, những phát hiện ấy chỉ xác nhận… những lo ngại mà họ đã lo lắng bấy lâu về tác hại tiềm tàng của ô nhiễm khói bụi đối với những đứa con chưa sinh của họ. Những lo ngại ấy, và những phát hiện từ nghiên cứu mới nhất ấy, được nêu lên vào lúc chính phủ Trung Quốc đang cẩn thận theo dõi tỷ lệ sinh sản hiện ở mức thấp trong lịch sử, trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng và tình trạng suy thoái kinh tế tiềm tàng giữa lúc cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nghiên cứu này, do ba cơ sở khoa học quốc gia của Trung Quốc tài trợ, đã lưu ý về tầm quan trọng của việc phụ nữ tự bảo vệ bản thân khỏi phơi nhiễm với khói bụi, và để đất nước “hạn chế ô nhiễm không khí, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh sản”.  

Hít phải bụi mịn gây hại cho thai nhi

Trong số những phụ nữ mang thai tham gia nghiên cứu từ năm 2009 tới năm 2017, có khoảng 17.500 ca sẩy thai chết lưu trong ba tháng đầu thai kỳ (tương đương 7%), và sẩy thai có thể xảy ra ở tỷ lệ 15% trường hợp mang thai. Theo các nhà nghiên cứu, mối tương quan giữa ô nhiễm không khí và sẩy thai được tìm thấy trên tất cả số liệu thống kê nhân khẩu được khảo sát. Tuy vậy, phụ nữ trên 39 tuổi, cùng những phụ nữ mang thai làm công việc lao động chân tay, hoặc nông nghiệp, là các đối tượng chịu tác động nặng nề nhất từ các chất gây ô nhiễm không khí.

Trước đây, các nghiên cứu đã liên kết sự phơi nhiễm lâu dài trong không khí ô nhiễm với các bất thường về nhiễm sắc thể nơi các bà mẹ, có thể làm tăng khả năng thai lưu, hoặc dị tật bẩm sinh. Những phát hiện này là sự bổ sung vào nghiên cứu quốc tế về mối tương quan giữa ô nhiễm không khí với một loạt tác động tiêu cực đến sức khỏe tình dục và kết quả sinh nở, cùng vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi trong danh sách các hậu quả liên quan với ô nhiễm không khí - bao gồm ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ… 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc hít thở bụi mịn PM2.5 trong không khí gây hại trực tiếp cho thai nhi đang phát triển, và các chức năng miễn dịch của tử cung cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các chất độc, trong khi cacbon mônôxit (CO) có thể can thiệp vào các chức năng tự nhiên của nhau thai. 

Tuy vậy, theo bà Ruth Bender-Atik, Giám đốc Hiệp hội Sẩy thai của Anh, nghiên cứu này vẫn chưa đầy đủ, vì chưa tính tới các yếu tố khác, như tiếng ồn liên quan đến giao thông, khói thuốc lá, hoặc dữ liệu ô nhiễm không khí trong nhà, cùng tình trạng nghèo đói và chế độ ăn uống kém… đều có ảnh hưởng tới các phụ nữ mang thai.

Cũng theo một nghiên cứu khác, nguy cơ sẩy thai ở các bà bầu đã giảm khi Bắc Kinh đưa ra các quy tắc mới để giảm ô nhiễm không khí hồi năm 2013, gồm cả biện pháp đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm các xe cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải lưu thông trên đường phố. Các biện pháp như vậy đã giúp cải thiện chất lượng không khí ở Bắc Kinh trong vài năm gần đây, chỉ số bụi mịn PM2.5 giảm 12,1% từ năm 2017 tới năm 2018. Tuy vậy, chỉ số đang giảm ấy vẫn còn… cao gấp năm lần so với mức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. 

Nhựt Minh (Theo South China Morning Post, The Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI