Không bằng cấp vẫn thành đạt - Bài 5: Việc học không bao giờ là muộn

22/07/2013 - 07:07

PNO - PN - Cả David Plouffe lẫn Betsy Drake đều chỉ hoàn tất được con đường học vấn sau khi đã thành công trong cuộc đời. Plouffe là cố vấn của Tổng thống Barack Obama (ảnh trên), Drake (ảnh dưới) thì gặt hái nhiều thành quả trong sự...

Khong bang cap van thanh dat - Bai 5: Viec hoc khong bao gio la muon

Ông David Plouffe (ảnh: Internet)

Niềm tin của ông Obama

David Plouffe (ảnh) sinh tại Wilmington, Delaware, ngày 27/5/1967. Là con thứ ba trong một gia đình có năm con thuộc tầng lớp lao động, cuộc sống của David bình thường như mọi chàng trai Mỹ khác. Chẳng giàu có nhưng bố mẹ David cũng không đến nỗi chật vật kiếm miếng ăn mỗi ngày. Năng động, thích chơi thể thao, David trải qua bậc trung học không hề thua kém so với các bạn cùng lớp.

Chỉ đến khi David được nhận vào Khoa Khoa học chính trị của Trường ĐH Delaware, sau một năm theo học, anh quyết định bỏ ngang để tìm cách tiến thân bằng con đường chính trị. Đó là vào năm 1988. Ông Jim Magge, người từng dạy David ở ĐH Delaware vẫn nhớ, David nhiều lần vắng mặt trong các buổi học, khi ông hỏi lý do, David nói: “Em quan tâm đến những vấn đề thực tiễn trong chính trị hơn”. Không lâu sau khi thôi học, David được nhận vào nhóm vận động tranh cử thượng viện của ông Sam Beard.

Với khả năng nắm bắt nhanh nhạy mọi vấn đề, dù vẫn còn hạn chế kinh nghiệm, David nhanh chóng trở thành nhân vật chủ chốt trong chiến dịch của ông Beard. Tiếc là ông này đã thua đối thủ đảng Cộng hòa 71 phiếu trong cuộc bầu cử. “Tôi thật sự bị sốc với kết quả này”, David nói. Nhưng, anh cũng nhanh chóng nhận ra khiếm khuyết của mình: “Nếu chúng tôi làm việc tốt hơn chút nữa, chắc chắn sẽ không có sự cách biệt 71 phiếu đó”.

Dù vậy, năng lực của David đã được nhiều người nhận ra. Anh liên tiếp được nhiều nhân vật chính trị của đảng Dân chủ mời vào nhóm vận động trong những mùa tranh cử tiếp theo ở Mỹ. Đỉnh cao trong sự nghiệp của David Plouffe chính là khi cộng tác với ông Barack Obama từ năm 2004, khi anh đứng đầu nhóm vận động giúp ông Obama tranh ghế nghị sĩ bang Illinois. Thành công trong cuộc tranh cử này nên khi tranh cử tổng thống vào năm 2008, người đầu tiên ông Obama nghĩ đến cho cương vị chiến lược gia trong chiến dịch “quyết đấu” của mình chính là… David Plouffe.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 5: Viec hoc khong bao gio la muon

Ông David Plouffe lúc còn là "cánh tay phải" của Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh: Internet)

Theo nhiều người, thành công của David nằm ở vấn đề mấu chốt là không để rò rỉ thông tin, nhưng phải biết cung cấp thông tin loại gì để giới truyền thông không gây ra rắc rối. Đây được xem là một trong những yếu tố then chốt đưa chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ thành công rực rỡ. Ông Obama đã không quên công lao của David Plouffe. Trong bài diễn văn đầu tiên của mình trên cương vị tổng thống, ông Obama nhắc đến David với nhiều hàm ơn: “Đó là một người hùng thầm lặng. Plouffe là người đã xây dựng chiến dịch tranh cử mà tôi tin rằng hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Ông Obama tưởng thưởng David Plouffe bằng cách đưa anh vào hàng ngũ cố vấn chính ở Nhà Trắng, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược và soạn thảo các bài diễn văn tổng thống sẽ đọc trước công chúng.

Chỉ vài tuần sau khi ông Obama tái đắc cử vào năm 2012, David nộp đơn từ chức vì lý do riêng. Không thể thuyết phục anh thay đổi ý kiến, ông Obama đành chia tay người phụ tá thân cận của mình bằng những lời như sau: “Có thể không phải ai cũng hiểu rõ David vì anh không bao giờ muốn nói về mình. Nhưng tôi biết, anh là người luôn quan tâm đến công lý và việc tạo cơ hội cho mọi người. Nếu không có anh, Nhà Trắng không thể vận hành hiệu quả như thời gian qua và có lẽ tôi cũng không thể có mặt ở đó”. Có lẽ chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào dùng những lời trân trọng như thế để nói về người cố vấn của mình.

Đáng trân trọng hơn nữa, đến khi đã trở thành cố vấn của Tổng thống, David Plouffe vẫn quay lại trường đại học, tiếp tục “dùi mài kinh sử” và nhận bằng cử nhân ngành Khoa học chính trị vào năm 2010, khi đã 43 tuổi. Hiện anh là cố vấn chiến lược của Hãng truyền hình Bloomberg TV.

Dù làm gì cũng nghĩ đến chuyện học

Là con cả của một gia đình người Mỹ sinh sống ở Pháp, Betsy Drake sinh ra ở Paris. Ông nội cô rất giàu có, đã xây khách sạn Drake Hotel lớn nhất Chicago thời đó. Tuy nhiên, cơn đại suy thoái kinh tế ở Mỹ năm 1929 đã đẩy gia đình Drake xuống vực phá sản, họ phải quay về Mỹ khi Betsy mới năm tuổi. Cuộc sống khó khăn ở Mỹ giai đoạn đó khiến gia đình Drake không thể trụ được lâu ở nơi nào. Họ phải liên tục di chuyển khắp các bang Illinois, Connecticut, Virginia, Bắc Carolina và Washington D.C.

Cũng vì thế, Betsy phải thay đổi trường học liên tục. Khi gia đình cô sống ở Maryland, Betsy đang học năm đầu Khoa Kịch nghệ của Trường Rock Creek Park College ở Maryland. Tuy nhiên, cô nhận ra New York mới là nơi thích hợp nhất nếu cô muốn tạo dựng sự nghiệp diễn viên. Thế là cô bỏ dở việc học để đến một nơi xa lạ, nhằm tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực kịch nghệ và điện ảnh, những lĩnh vực mà cô tin mình có đủ tài năng để thành công.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 5: Viec hoc khong bao gio la muon

Betsy Drake và Cary Grant trên phim (ảnh: Internet)

Sau một thời gian làm người mẫu cho Hãng Conover, “cờ” đến tay khi Betsy gặp nhà viết kịch Horton Foote. Ông giao cho cô một vai phụ trong vở kịch Only the Heart của mình. Đó là bước chân đầu tiên tiến vào Hollywood của Betsy. Năm 1947, Betsy trở về New York vì không thể chịu được sức ép từ kinh đô điện ảnh của nước Mỹ. Lạ lùng thay, dù chưa được nhận một vai diễn nào thật sự quan trọng, số phận đã xui khiến cô gắn bó với Cary Grant. Ngôi sao lớn nhất của màn bạc Mỹ lúc đó chú ý đến Betsy khi cô tham gia một vở kịch ở London vào năm 1947, rồi ngẫu nhiên, hai người lại cùng trở về Mỹ trên tàu RMS Queen Mary. Thế là, năm 1948, Betsy được mời vào vai chính trong bộ phim Every Girl Should Be Married của đạo diễn lừng danh David Selznick. Từ đó Betsy thường xuyên được nhận vai chính trong nhiều bộ phim.

Đúng ngày Giáng sinh năm 1949, Betsy Drake và Cary Grant tổ chức hôn lễ. Sau đó, họ chọn một cuộc sống riêng tư chứ không hào nhoáng như nhiều cặp vợ chồng khác ở Hollywood. Dù được xem là một trong những cuộc hôn nhân đầm ấm nhất Hollywood thời đó, nhưng sự gắn kết giữa Betsy và Cary Grant cũng chỉ tồn tại được 10 năm. Năm 1958, họ ly thân nhưng vẫn là bạn của nhau cho đến năm 1962 mới chính thức ly hôn.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 5: Viec hoc khong bao gio la muon

Betsy Drake và Cary Grant ngoài đời, khi còn mặn nồng (ảnh: Internet)

Cũng trong thời gian đó, Betsy dần không còn cảm thấy hứng thú với công việc đóng phim. Cô quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác như văn chương và trở lại trường đại học. Đáng ngạc nhiên là sau nhiều năm xa rời đèn sách, cô vẫn “thẳng tiến” đến tấm bằng thạc sĩ giáo dục học của trường ĐH Harvard. Năm 1971, với tên Betsy Drake Grant, cô xuất bản cuốn tiểu thuyết Children, You Are Very Little.

Đến nay, Betsy Drake vẫn còn minh mẫn dù đã 90 tuổi.

 THIỆN NGA 

Kỳ tới: Những thiên tài thất học

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI