Không bằng cấp vẫn thành đạt - Bài 3: Những “thủ khoa” trường đời

18/07/2013 - 19:24

PNO - PN - Một nhà thơ Mỹ được trao tặng hơn 30 bằng đại học danh dự khắp thế giới nhưng chưa học hết cấp III. Một sinh viên vật lý Canada học hành dang dở vẫn trở thành đạo diễn lừng danh ở Hollywood. Rõ ràng tấm bằng đại học tuy...

Sức mạnh của ngôn từ

Khong bang cap van thanh dat - Bai 3: Nhung “thu khoa” truong doi

Bà Maya Angelou (ảnh: Internet)

Đứng đầu danh sách những cuốn sách đầu giường của cựu Tổng thống Bill Clinton là cuốn tự truyện từng bị cấm ở Mỹ với lý do “có nhiều đoạn mô tả bạo lực, phân biệt chủng tộc, tình dục bằng ngôn ngữ trần tục”, như lời một số người Mỹ da trắng theo Thanh giáo đánh giá. Cuốn sách có tựa đề I Know Why the Caged Bird Sings của bà Maya Angelou (ảnh), nhà thơ và nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc châu Phi, xuất bản năm 1969.

Trong cuốn tự truyện, bà Maya Angelou kể lại đời mình từ lúc còn bé đến năm 17 tuổi. Bảy tuổi bà từng bị bạn trai của mẹ hiếp dâm. Hung thủ sau đó bị cậu bà đánh chết. Cảm thấy có lỗi vì tiết lộ tên tuổi của kẻ hãm hại mình dẫn đến cái chết bi thảm của hắn, cô bé quyết định tịnh khẩu suốt 5 năm vì cho rằng “nếu tôi nói ra điều mình nghĩ sẽ có người chết”. Chính trong thời gian này, Angelou phát triển mạnh kỹ năng đọc sách văn học và tìm hiểu thế giới xung quanh một cách sâu sắc.

Angelou chỉ chịu mở miệng sau khi được cô giáo Bertha Flowers, bạn thân của gia đình và là một người phụ nữ da đen yêu văn thơ giúp bà hiểu rằng “sẽ vô cùng thống khổ nếu chất chứa trong lòng một câu chuyện đáng nói ra”.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 3: Nhung “thu khoa” truong doi

Tổng thống Obama trao Huân chương cho bà Maya Angelou (ảnh: Internet)

Maya Angelou tên thật là Marguerite Annie Johnson, sinh trưởng ở thành phố St. Louis, bang Missouri. Sau khi cha mẹ ly hôn, Angelou (lúc đó mới ba tuổi) và anh trai Bailey về sống với bà nội ở thị trấn Stamps, bang Arkansas. 16 tuổi, Marguerite thoát ly gia đình sống tự lập. Vì hoàn cảnh, bà bỏ học, trở thành nữ tài xế da đen đầu tiên lái xe buýt điện bánh hơi ở thành phố San Francisco. Làm mẹ đơn thân năm 17 tuổi, bà làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi con: vũ công hộp đêm, nấu ăn, thợ sơn xe hơi, thậm chí làm “má mì” gái mại dâm v.v…

Thập niên 1950, Marguerite tham gia các hoạt động đòi dân quyền của mục sư Luther King, phong trào ủng hộ Cuba và chống nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Đồng thời, bà học múa và hành nghề vũ công Calypso chuyên nghiệp với nghệ danh Maya Angelou, đem vở nhạc kịch Porgy and Bess sang châu Âu biểu diễn suốt hai năm với vai trò nhà sản xuất. Đến nước nào, bà cũng nhanh chóng học và nói được tiếng nước đó. Năm 1959, bà gia nhập Hội Nhà văn Harlem ở New York, gặp gỡ và làm quen các nhà văn da đen nổi tiếng. Hai năm sau bà theo người yêu đưa con trai đến Ai Cập và Ghana, sống bằng nghề làm báo tự do.

Trở về New York năm 1967, bà quay lại với các hoạt động văn nghệ và phong trào dân quyền. Năm 1968, sự kiện mục sư Luther King bị bắn chết làm bà choáng váng. Bà chỉ tìm lại được sự thanh bình trong sáng tác. Năm 1970, nhờ sự động viên của nhà văn James Baldvin, bà cho ra mắt cuốn tự truyện đầu tiên.

Maya Angelou là một người đa tài. Bà viết báo, làm thơ, viết truyện ngắn, kịch bản (phim và sân khấu), đạo diễn phim tài liệu. Năm 1972, bà là phụ nữ Mỹ da đen đầu tiên có kịch bản được quay thành phim. Bà cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên đạo diễn phim ở Hollywood. Bà được mời làm giáo sư thỉnh giảng về triết học, đạo đức học, thần học, khoa học, kịch nghệ và viết văn.

Bà Angelou còn là người phụ nữ đầu tiên sáng tác và đọc bài thơ On the Pulse of Morning tại lễ đăng quang của Tổng thống Bill Clinton năm 1993. Trong các giải thưởng cao quý mà bà Angelou nhận được có Huân chương Tổng thống vì nghệ thuật và Huân chương Tự do của Tổng thống năm 2011. Cuộc đời và thông điệp lớn nhất của Maya Angelou là “luôn can đảm vượt qua số phận”.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 3: Nhung “thu khoa” truong doi

Đạo diễn James Cameron từng sở hữu tượng vàng Oscar (ảnh: Internet)

Tự học

James Cameron (ảnh), đạo diễn lừng danh thế giới chuyên trị phim khoa học viễn tưởng, đã phải đi một đường vòng ngoằn ngoèo mới đến được Hollywood. Ông sinh ra và lớn lên ở gần thác Niagara, tỉnh Ontario, Canada, cách đây 59 năm. Lúc còn là học sinh, Cameron đã thích sáng tác truyện khoa học viễn tưởng thay vì làm bài tập ở nhà. Năm 15 tuổi, sau khi xem phim 2001: A space Odyssey của đạo diễn Stanley Kubrik, ông đã định hướng nghề nghiệp tương lai cho mình, bất chấp mong ước của mẹ là muốn ông trở thành họa sĩ. “Tôi muốn làm đạo diễn phim. Tôi không thể hình dung ông Kubrik làm thế nào để có thể cho ra đời một tuyệt tác như vậy. Tôi nhất quyết phải học thôi”.

Năm 1971, do yêu cầu công việc của cha ông, gia đình Cameron đến quận Cam, bang California, sinh sống. Cậu thanh niên 17 tuổi háo hức hỏi: “Los Angeles có phải gần Hollywood?”. Ở quận Cam không có phim trường nên không nhiều cơ hội cho Cameron. Hơn nữa, cậu cũng chưa có bằng lái xe. Điều này càng khiến Hollywood trở nên xa vời.

Giấc mơ trở thành đạo diễn phim của Cameron thay vì lung linh thì đã có lúc trở nên lung lay. Cameron kể lại: “Lúc đó tôi có cảm giác đạo diễn là những người sinh ra để làm nghề. Họ thuộc về một đẳng cấp xã hội khác. Tôi chỉ là một cậu bé đến từ thị trấn nhỏ quê mùa ở Canada, làm sao có thể đạo diễn phim được”.

Vào đại học cộng đồng ở Fullerton, Cameron chọn ngành vật lý vì “thích khoa học và muốn làm nhà sinh học biển hoặc nhà vật lý”. Tuy nhiên, sở thích viết truyện khoa học viễn tưởng lại mạnh hơn. Học nửa chừng, Cameron nhảy sang lớp ngữ văn Anh và sau đó quyết định chia tay giảng đường đại học.

Ban ngày, Cameron làm nhiều nghề như lái xe tải, lái xe buýt chở học sinh, bán máy móc, thợ sơn. Ban đêm, cậu viết, viết và viết. Bước ngoặt định mệnh đến với Cameron năm 1977 sau khi được xem phim Star Wars. Giấc mơ làm đạo diễn bùng lên dữ dội.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 3: Nhung “thu khoa” truong doi

Đạo diễn James Cameron (ảnh: Internet)

Đến lúc đó, Cameron tin rằng có thể kết hợp khoa học và nghệ thuật. Ông tự học kỹ thuật viết kịch bản và quay phim. Về hiệu ứng đặc biệt và kỹ thuật quay phim dưới biển sâu mà ông là bậc thầy, Cameron cho biết: “Tôi tự học hoàn toàn nhờ sách và các bài tiểu luận tốt nghiệp của sinh viên khoa công nghiệp điện ảnh mà tôi mượn từ thư viện. Cái gì photo được thì photo, nếu không được thì chép vào sổ tay”.

Giai thoại kể, một lần Cameron bị ngộ độc thực phẩm, nằm mơ gặp ác mộng. Ông thấy bị một người máy vô hình đến từ tương lai truy sát. Thấy ý hay, Cameron viết kịch bản phim The Terminator. Rồi ông tìm người mua kịch bản với điều kiện phim do ông đạo diễn theo ý ông. Nhiều nhà sản xuất chịu mua kịch bản nhưng từ chối điều kiện thứ hai vì Cameron vốn “vô danh tiểu tốt”. Cuối cùng, ông gặp bà Gale Anne Hurd, Giám đốc Hãng phim Pacific Western Production mới thành lập. Bà này đồng ý để Cameron đứng sau máy quay nhưng chỉ chịu mua kịch bản với giá tượng trưng một USD.

Bộ phim với kinh phí khiêm tốn 6,5 triệu USD chiếu ra mắt năm 1984 và thành công quá sức tưởng tượng đối với người trong cuộc. Doanh thu phòng vé toàn cầu đạt hơn 80 triệu USD. Tuần báo Time xếp nó vào danh sách “top ten”. Bộ phim không chỉ thành công về mặt tài chính mà còn khẳng định tài năng của James Cameron như một nhà viết kịch bản và đạo diễn phim hành động khoa học viễn tưởng ngoại hạng.

Từ đó về sau, nhà đạo diễn gốc Canada này thực hiện một loạt phim được xếp vào loại kinh điển như Aliens (1968), The Abyss (1989), Terminator 2: The Judgment Day (1991). Đặc biệt là phim Titanic (1997) đem về cho ông ba giải Oscar và Avatar mà ông đầu tư ròng rã 10 năm. Chưa kể, ông còn có hàng loạt phim tài liệu về biển sâu với tư cách là nhà thám hiểm chuyên nghiệp.

Con người của James Cameron có một nửa là khoa học gia, nửa kia là nghệ sĩ, ông nổi tiếng cầu toàn, làm phim do đam mê và vì đam mê chứ không phải vì tiền, dù ông từng là người kiếm tiền giỏi nhất Hollywood (thu nhập năm 2011 đạt 257 triệu USD). Cameron chưa bao giờ chê bằng cấp nhưng với ông, nó không phải là tấm hộ chiếu vạn năng.

 VĂN ANH 

Kỳ tới: đi trước thời đại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI