Khi vợ quân nhân… đẻ thuê

03/06/2015 - 19:49

PNO - PN - Một phần năm phụ nữ đẻ thuê tại Mỹ là vợ của các quân nhân - một công việc có nhiều ảnh hưởng đến tình cảm và sinh lý.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hồi tháng Giêng, Devon Cravener (37 tuổi) sinh con lần thứ sáu. Sau khi sinh, Devon không ôm ấp bé gái Brielle nặng gần 4kg mà trao ngay cho cặp vợ chồng ở độ tuổi 40, đến từ New York, đang trào nước mắt vì vui sướng. Chồng Devon, Kristopher, là một cựu quân nhân, đã chở cô về lại nhà ở Reading (bang Pennsylvania), một quận nghèo nhất nước Mỹ.

Khi vo quan nhan… de thue

Devon Cravener và con gái ruột vào năm 2010 - Ảnh: Telegraph

Devon Cravener là một trong hàng ngàn phụ nữ làm nghề đẻ thuê, một nghề đang phát triển rất mạnh tại Mỹ. Từ khi vào “nghề” năm 2007 đến nay, Devon đã mang thai giúp bốn cặp vợ chồng đến từ New York. Trả tiền cho phụ nữ mang thai hộ là bất hợp pháp tại New York, nhưng lại được chấp nhận tại các bang Pennsylvania, California, Ohio và Illinois.

Độ tuổi trung bình của một bà mẹ mang thai hộ là 29, cùng các tiêu chuẩn phổ biến như tốt nghiệp phổ thông, có gia đình và có con. Nhưng Devon có thêm ưu điểm là vợ của quân nhân. Có 20% trẻ sinh ra từ dịch vụ đẻ thuê là nhờ các bà vợ của quân nhân tại Mỹ. Melissa Brisman, giám đốc Trung tâm đẻ thuê Reproductive Possibilities giải thích: “Chúng tôi thích vợ của các quân nhân vì họ có hệ thống hỗ trợ tốt, chồng của họ cũng rất cởi mở trong việc đẻ thuê”.

Với vợ của quân nhân, vấn đề kinh tế là một trong những lý do lôi cuốn họ vào “nghề” này. Một quân nhân phải thay đổi địa điểm đóng quân trong ba hoặc bốn năm, điều này ảnh hưởng lớn đến công việc của các bà vợ, vốn phải di chuyển theo chồng. Trong khi lương của một quân nhân tại Mỹ bị “đóng băng” ở mức 24.000 USD/năm kể từ năm 2009, thì Devon Cravener nhận được 30.000 đến 50.000 USD cho mỗi lần sinh hộ.

Khi vo quan nhan… de thue

Gia đình của Melissa Rineer với người chồng quân nhân - ẢNH: TELEGRAPH

Trong khi các nước như Anh, Úc vẫn chưa cởi mở lắm với dịch vụ đẻ thuê, thì tại Mỹ nó đã trở thành ngành công nghiệp đang phát triển, trị giá ước tính khoảng 2 tỷ USD và tăng khoảng 25% mỗi năm. Mỹ cũng là điểm đến dẫn đầu trên thế giới của các cặp vợ chồng hiếm muộn, với hàng ngàn trẻ em được sinh ra cho các gia đình trong nước và nước ngoài.

Với Cravener, tiền công - được trả theo từng thời kỳ trong quá trình mang thai - là rất tốt, nhưng không phải lý do chính khiến cô theo đuổi “nghề”. Năm 2007, con trai bốn tuổi của cô qua đời vì chứng bệnh ung thư hiếm gặp: “Không một đứa trẻ nào có thể thay thế con của chúng tôi, vợ chồng tôi thỏa thuận sẽ không có con nữa. Tôi sinh hai con đều không gặp khó khăn gì, nên tôi nghĩ tại sao không trao lại món quà này cho những cặp vợ chồng khác”.

Nhưng, mang thai hộ với một bà mẹ không hề là một công việc đơn giản. Cravener cho biết cô phải có một tinh thần thép, chấp nhận những cơn trầm cảm khi mang thai, vượt qua cảm giác cô cần nằm nghỉ trong khi con ruột lại cần mình chăm sóc và hơn hết là cô phải luôn tự nhủ đứa trẻ trong bụng không phải là con mình để sẵn sàng “trao trả”. Không vượt qua được những cảm xúc này, bạn không thể nào làm bà mẹ đẻ thuê.

Melissa Rineer (33 tuổi), vợ của một quân nhân hải quân, có hai con nhỏ. Cô đang “cho cơ thể nghỉ hưu” sau khi mang thai hộ cho hai cặp vợ chồng người nước ngoài. Melissa mang thai lần đầu vào năm 2012 khi họ sống tại căn cứ hải quân gần Carlsbad. Thù lao cô nhận được giúp hai vợ chồng trang trải nợ nần và dành dụm cho hai con vào đại học. Chồng cô ủng hộ cô tuyệt đối: “Cơ thể của em là quyền sử dụng của em”. Dịch vụ đẻ thuê Melissa tham gia là ở California, nơi có đến 70% khách hàng là người nước ngoài. Melissa thích điều này, vì cô biết khách hàng trong nước hay đòi hỏi cao hơn.

Devon Cravener đang cân nhắc xem mình có nên mang thai thuê lần thứ năm không: “Đây là cơ thể của tôi, miễn là tôi được gia đình ủng hộ. Những người chỉ trích là do họ không thấy niềm vui của các vợ chồng hiếm muộn khi được ôm con vào lòng”.

 PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI