Khi ông nghị bị “tố” lạm dụng tình dục

23/03/2013 - 10:25

PNO - PNCN - Những tuần qua quả là quãng thời gian “khó thở” cho Phó thủ tướng Anh Nick Clegg, đồng thời là người lãnh đạo đảng Tự do dân chủ. Hàng loạt nhân viên nữ cáo buộc hành vi lạm dụng tình dục kéo dài trong nhiều năm của...

Cụ thể, năm 2004, ông nghị Rennard bị tố cáo đã sờ soạng một ứng cử viên nữ cùng đảng. Năm 2007, ông lặp lại trò này vào buổi liên hoan mừng Nick Clegg trúng cử vào chức chủ tịch đảng. Một phụ nữ khác cho biết, ông Rennard đã sờ mó bà trong một quán rượu, bà này còn biết chín phụ nữ khác cũng bị tương tự. Hiện nay, con số nạn nhân lên tiếng lên đến 30. Dĩ nhiên, Thượng nghị sĩ Rennard kịch liệt phản đối các cáo buộc trên.

Điều đáng nói, các cáo buộc trên đều được phản ánh đến những người liên quan theo nhiều hình thức, các viên chức này cũng khẳng định đã phản ánh đến người đứng đầu đảng là Nick Clegg. Vậy nhưng nhiều năm qua, tất cả lại chìm vào im lặng.

Từ vụ việc “khó ngửi” này, câu hỏi đặt ra, thật sự có bình đẳng nam nữ trong nền chính trị Anh cũng như trong các ngành nghề khác ở Anh? Theo báo cáo mới nhất mang tên “Giới tính và quyền lực năm 2013” (Sex and Power 2013), trong khi các nước khác vươn lên các thứ hạng cao hơn thì Anh tụt hạng trong bảng xếp hạng quyền lực chính trị của giới nữ - từ thứ hạng 33 trong năm 2001, tụt xuống hạng 60 năm 2012.

Quốc hội Anh, theo lời mô tả của một cựu nữ bộ trưởng của đảng Tự do dân chủ là, giống như một trường học toàn “bọn con trai mới lớn”. Một nữ nghị sĩ khác thuộc đảng Lao động cho biết, mỗi khi bà đứng lên phát biểu trước Quốc hội, các nghị sĩ nam lại chụm tay ra dấu mô tả “vòng 1” của bà. Một số nam nghị sĩ còn chẳng thèm gọi đúng tên các nữ nghị sĩ vì họ muốn chế giễu “phụ nữ thì như nhau”.

Khi ong nghi bi “to” lam dung tinh duc

Sự bất bình đẳng giới ở Anh không chỉ xảy ra tại Quốc hội mà còn tồn tại trong các ngành nghề khác. Một cựu phóng viên chính trị cho biết, cô vô cùng sửng sốt khi phát hiện một nam nhân viên kém cô nhiều bậc lại hưởng lương cao hơn hẳn mức lương của cô. Khi bị chất vấn, sếp cô thản nhiên nói “cô cần nhiều tiền làm gì, cô chẳng phải trả góp tiền nhà, cũng chẳng phải nuôi ai”. Đó là chưa kể việc cô phải nhận những tin nhắn tục tĩu của các thượng nghị sĩ, hoặc luôn bị các nghị sĩ gọi là thư ký chỉ vì cô là nữ nhà báo.

Trong giới luật sư, việc cánh đàn ông ngồi đoán cỡ áo ngực của nhân viên nữ là chuyện phổ biến. Hàng loạt vụ kiện về các hành vi quấy rối của các ông chủ nhà băng với nhân viên nữ diễn ra với số lượng đáng kể, đủ cho thấy tình trạng trong khối ngân hàng và công sở cũng không mấy khả quan hơn.

Người ta không hy vọng tình trạng này trong giới chính trị nói riêng, và gốc rễ trong một nền văn hóa sẽ sớm thay đổi. Nhưng việc này cần phải có hướng giải quyết tích cực. Điều đáng mừng là trong một cuộc điều tra của hãng tin Channel 4, đảng Tự do dân chủ cho biết sẽ chấn chỉnh lại cách thức xử lý các cáo buộc về những hành vi không đứng đắn.

Các nạn nhân và nhà hoạt động nữ quyền cũng lạc quan về tương lai. Họ cho rằng, phản ứng của dư luận đã động viên họ rất nhiều. Họ từng e ngại sẽ bị chế giễu và xem thường khi lên tiếng tố cáo. Nhưng mọi việc lại xảy ra hoàn toàn ngược lại, dư luận tỏ ra tôn trọng thông tin họ đưa ra, và xác định rõ các nhà chính trị phải thận trọng và đối xử bình đẳng với đồng nghiệp nữ.

PHAN QUỲNH DAO (Tổng hợp từ Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI