Indonesia, Malaysia đề nghị ‘tuần tra chung’ ở Biển Đông

31/05/2015 - 17:30

PNO - PN - Đối thoại Shangri-La 2015, diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực đã bế mạc ngày 31/5 tại Singapore. Tham gia Đối thoại năm nay có các bộ trưởng, tư lệnh quốc phòng đến từ gần 30 quốc gia trên thế giới. Thượng tướng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Indonesia, Malaysia de nghi ‘tuan tra chung’ o Bien Dong

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2015 - Ảnh: Reuters

Đối thoại Shangri-La bao gồm nhiều phiên thảo luận đề cập đến những chủ đề chính như thách thức an ninh châu Á - Thái Bình Dương, những hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á, phòng ngừa xung đột leo thang, phòng tránh chạy đua vũ trang ở châu Á cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các khu vực. Tuy nhiên vấn đề nóng nhất tại diễn đàn là an ninh hàng hải tại Biển Đông sau các hành động cải tạo đất, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông. Theo ông Lý Hiển Long, dù các nước không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng tất cả đều có phần liên quan trong các tranh chấp hàng hải. Ông kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đồng thời nhấn mạnh các bên liên quan cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hiện nay. Thủ tướng Singapore nhấn mạnh, trật tự và ổn định khu vực không thể duy trì chỉ bằng sức mạnh vượt trội, nó cần có tính hợp pháp và được cộng đồng quốc tế công nhận. Quan điểm của nước chủ nhà Đối thoại Shangri-La được nhiều nước ASEAN tán thành, và được phát triển qua các phát biểu của một số nước, trong đó có Indonesia và Malaysia.

Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Đối thoại Shangri-La 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu ngày 30/5 kêu gọi các nước ASEAN và cả Trung Quốc kết hợp tuần tra Biển Đông “một cách hòa bình” để làm giảm nguy cơ xung đột. Ông cho biết việc tuần tra chung sẽ gửi một thông điệp cảnh báo rằng “không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác” ở Biển Đông.

Indonesia, Malaysia de nghi ‘tuan tra chung’ o Bien Dong

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein (trái) cùng Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean tại Đối thoại Shangri-La 2015 - Ảnh: MediaCorp

Tán thành quan điểm của người đồng cấp Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói rằng “tuần tra chung với Trung Quốc không phải là một điều không thể”. Trước đó, trong một phát biểu liên quan đến an ninh Biển Đông, Bộ trưởng Hishammuddin khẩn thiết kêu gọi các nước Đông Nam Á sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), ông cảnh báo: "Nếu chúng ta không cẩn thận, nó (xung đột ở Biển Đông) sẽ leo thang thành một cuộc xung đột đẫm máu nhất của thời đại chúng ta”.

Trong bài thuyết trình với chủ đề "Cấu trúc an ninh khu vực nơi tất cả cùng phát triển", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tái khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và khẳng định Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do đi lại hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế. Ông Carter cũng kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thông báo Mỹ phát động chương trình An ninh hàng hải Đông Nam Á, viện trợ 425 triệu USD để giúp các nước trong khu vực mua trang thiết bị, nâng cao khả năng quân sự.

Ngày 31/5, ngày cuối cùng của diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 2015 ở Singapore khép lại bằng phát biểu của đoàn Trung Quốc, nước hứng chịu “búa rìu” dư luận trong suốt mấy ngày diễn đàn. Đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc, phát biểu "tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, và không có vấn đề gì ảnh hưởng đến tự do hàng hải”. Vị Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cũng đề cập đến việc nước này cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là “nhằm cải thiện chức năng của những nơi này và điều kiện sống, làm việc của nhân viên làm nhiệm vụ trên các đảo”.

Chưa hết, trưởng đoàn Trung Quốc còn nói rằng nước này "đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới", khi giải thích rằng "ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng khi cần thiết, những cơ sở tôn tạo chủ yếu thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc" như cứu hộ, cứu nạn, quan trắc khí tượng.

Lời nói của Trung Quốc đi ngược lại việc làm của nước này ở Biển Đông, khi một sự kiện quốc tế lớn và có uy tín như Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 phải đưa vấn đề này ra làm chương trình nghị sự trung tâm của diễn đàn. Vấn đề an ninh hàng hải và việc Trung Quốc ráo riết xây dựng ở Biển Đông thực tế mang tính cấp bách và ý nghĩa của nó đã vượt ra khỏi quy mô khu vực, làm lu mờ vấn đề cuộc khủng hoảng người di cư đang nổi lên gay gắt giữa các nước Đông Nam Á.

HÒA NINH
(Tổng hợp theo www.iiss.org, Channel NewsAsia, AFP, Reuters, TTXVN)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI