Indonesia báo động mặt xấu của đầu tư Trung Quốc

14/12/2019 - 13:16

PNO - Indonesia đang lên tiếng báo động về mặt xấu của đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài, cụ thể là nguy cơ tham nhũng và ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Tạp chí Forbes ngày 13/12 đưa tin ông Laode Muhammad Syarif, Phó chủ tịch Ủy ban Bài trừ Tham nhũng của Indonesia đã cảnh báo điều này khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg.

Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Syarif nhắc nhở các nước tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á và châu Phi có cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

Mặt tốt là đường bộ, đường sắt, cầu, cảng và các nhà máy họ tài trợ và xây dựng. Chẳng hạn như một tuyến đường sắt cao tốc ở Indonesia, các cơ sở công cộng ở Philippines, cảng ở Sri Lanka và Djibouti, hay các nhà máy điện, đường cao tốc và đường sắt ở một số quốc gia châu Phi.

Ông cũng nói về điều mà các nhà kinh tế gọi là “hiệu ứng cấp số nhân”, tức những việc làm và khoản thu nhập mà các dự án trên tạo ra trong quá trình thi công dự án, và “hiệu ứng tăng tốc”, tức những việc làm và thu nhập tăng thêm được tạo ra khi các dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động. Nói một cách đơn giản, các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể giúp đưa các nền kinh tế Đông Nam Á và châu Phi vào một con đường tăng trưởng kinh tế bền vững.

Indonesia bao dong mat xau cua dau tu Trung Quoc
Một dự án của Trung Quốc ở châu Phi. Ảnh: Reuters

Nhưng mặt xấu của đầu tư Trung Quốc là về tham nhũng và ảnh hưởng kinh tế.

"Chúng tôi đang khuyên chính phủ nên cẩn thận hơn với đầu tư từ Trung Quốc", ông Syarif nói trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg. "Họ đang làm điều đó như một phần công việc của họ, cố gắng mở rộng ảnh hưởng kinh tế của họ. Vì vậy đó là lý do tại sao chúng ta phải rất cẩn thận".

Ông Ted Bauman, một nhà phân tích nghiên cứu và chuyên gia kinh tế cao cấp của hãng Banyan Hill Publishing, cho rằng "các quan chức chống tham nhũng của Indonesia có quyền lo ngại về vấn đề tham nhũng xung quanh đầu tư của Trung Quốc".

Ông chỉ ra những nghiên cứu của các cơ quan giám sát tham nhũng như Global Corruption Watch, cho thấy các dự án do Trung Quốc hỗ trợ liên tục dẫn đến sự gia tăng nạn tham nhũng địa phương dưới hình thức hối lộ và các phương tiện khác. Và những kết quả phát triển tồi tệ hơn, so với các dự án được hỗ trợ bởi các quốc gia khác.

Ông Bauman cũng cảnh báo về nạn tham nhũng theo sau các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi. Ông tham khảo một cuộc khảo sát năm 2017 về các công ty Trung Quốc hoạt động ở Lục địa Đen, cho thấy 87% đối tượng được khảo sát thừa nhận từng hối lộ cho các quan chức bản địa.

Chưa hết, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc không có hiệu quả kinh tế. Chúng bị thổi phồng và để lại những khoản nợ nặng nề cho các nước tiếp nhận, chẳng hạn như trường hợp của Sri Lanka và Djibouti, vốn cuối cùng phải nhường lại quyền kiểm soát các cảng của họ cho Bắc Kinh.

Đó là cách các khoản đầu tư của Trung Quốc cuối cùng trở thành tác nhân của ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á và châu Phi, theo ông Syrarif.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI