Hồi sinh Nalanda

04/06/2013 - 06:25

PNO - PN - Từ thời những đại học danh giá của phương Tây như Oxford, Cambridge và đại học cổ nhất châu Âu Bologna còn chưa ra đời thì tại quê hương Đức Phật đã hình thành trung tâm học thuật Nalanda.

Được thành lập vào thế kỷ thứ V, Nalanda phát triển rực rỡ, thu hút nhiều học giả khắp châu Á, được xem như một trường đại học quốc tế trong hàng trăm năm trước khi bị những kẻ xâm lược phá hủy vào năm 1193. Nalanda từng có trên 10.000 học viên, chủ yếu là các nhà sư đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác ở Đông Nam, Trung và Tây Á. Vào thế kỷ VII, nhà sư Huyền Trang (Trung Quốc) đã theo học tại Nalanda, ngài miêu tả về một Nalanda hưng vượng có thư viện chín tầng xuyên mây. Lúc đó, bên cạnh Phật học, Nalanda cũng đã có các nghiên cứu thế tục, sức khỏe cộng đồng, chiêm tinh học, logic học, toán học và ngôn ngữ học.

Từ năm 2006, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan đã công bố kế hoạch hồi sinh đại học Nalanda dựa trên sứ mệnh của Nalanda cũ, và đã được sự ủng hộ của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm các nước Đông Nam Á, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.

Nalanda hồi sinh qua dự án được tiến hành bởi nhóm chính trị gia và học giả do nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Amrtya Sen chủ trì. Địa điểm được chọn nằm gần với phế tích Nalanda cổ xưa, thuộc bang Bihar ở phía Bắc Ấn Độ. Đại học quốc tế Nalanda mới không chỉ giảng dạy Phật học mà còn có các ngành nhân văn, kinh tế và quản trị, hội nhập châu Á, phát triển bền vững và ngôn ngữ phương Đông.

Hoi sinh Nalanda

Đại học quốc tế Nalanda sắp tuyển sinh vào năm sau trên cơ sở kế thừa tinh hoa của Trung tâm học thuật Nalanda xưa (ảnh: BBC )

Nhưng, xây dựng một trường đại học hàng đầu từ nền tảng đổ nát trong một khu vực nghèo, kém phát triển của Ấn Độ là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Không ít người nghi ngờ tính khả thi của dự án, trong đó có Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại trường Đại học Boston ở Hoa Kỳ Philip Altbach, khi ông nêu nghi vấn “liệu vùng nông thôn Bihar có thể thu hút được các sinh viên và giảng viên ưu tú?”. Tuy nhiên, người chủ trì dự án vẫn kiên định: “Trường Nalanda cũ mất 200 năm để đi đến cực thịnh. Chúng tôi có thể không mất 200 năm nhưng chắc cũng sẽ mất một vài thập kỷ”.

Đại học Nalanda mới được xây dựng tại Rajgir (thành Vương Xá xưa), cách trường cũ 10km. Hiện tại, đại học đã gửi lời mời đến các nhà nghiên cứu và học giả trên khắp thế giới. Hai khoa đầu tiên là lịch sử, sinh thái học và môi trường bắt đầu tuyển sinh vào năm sau.

Đại học quốc tế Nalanda được kỳ vọng giúp phát triển vùng nghèo nàn Bihar, giúp cho 60 ngôi làng quanh đó cải thiện đời sống bằng nông nghiệp và du lịch. Giáo sư Amrtya Sen cho biết sẽ mở thêm hai khoa công nghệ thông tin và kinh tế - quản lý, nhằm tạo cơ hội việc làm “để Bihar có thể bắt kịp với phần còn lại của Ấn Độ”.

Chính quyền bang Bihar hoàn toàn ủng hộ và dành đất đai cho dự án Nalanda. Nhưng vẫn cần vốn ước tính khoảng một tỷ USD để xây dựng một khối lượng lớn cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá và cả một sân bay quốc tế. Singapore đã hứa sẽ tặng thư viện trị giá bảy triệu USD, Thái Lan góp 100.000 USD, Trung Quốc cũng tuyên bố viện trợ một triệu USD. Mặc dù những sự đóng góp này chưa thấm vào đâu nhưng những người theo đuổi dự án Nalanda vẫn tin tưởng có thể kêu gọi sự tài trợ nhiều hơn từ các chính phủ.

 NGỌC HẠ (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI