Học trên YouTube, người đàn ông hai lúa chế máy bay riêng

04/06/2017 - 09:00

PNO - Trong suốt 3 năm trời, anh thợ máy ô tô tên Paen Long ở vùng nông thôn Campuchia dành hàng giờ xem video trên YouTube, theo dõi niềm đam mê đặc biệt của mình: máy bay.

Anh kể: "Từ khóa "máy bay phản lực" đưa tôi đến các video máy bay cất cánh và hạ cánh, mô phỏng chuyến bay và chuyến tham quan ảo trong các nhà máy sản xuất máy bay."

Hoc tren YouTube, nguoi dan ong hai lua che may bay rieng
Anh Long là một thợ máy ô tô, sở hữu tiệm sửa xe của riêng mình.

Là một trong sáu đứa con của gia đình nông dân chân lấm tay bùn, anh Long lớn lên trong thời kỳ Campuchia vật lộn để phục hồi sau tàn phá của chế độ Khmer Đỏ. 

Sống trong hoàn cảnh như vậy, anh chưa bao giờ được chạm vào máy bay.

Từ khi nhìn thấy một chiếc trực thăng vào năm sáu tuổi, ước mơ được bay cứ quẩn quanh trong tâm trí người đàn ông 30 tuổi. 

Anh nói, "Tôi mơ về máy bay mỗi đêm. Tôi muốn có máy bay của riêng mình."

Ban đầu, đó chỉ là một giấc mơ. Cho đến năm ngoái, người chủ của một tiệm sửa xe mới có đủ khả năng thực hiện giấc mơ thuở thơ ấu.

"Tôi bí mật chế tạo một chiếc máy bay. Sợ bị mọi người chế giễu, tôi hay làm việc vào ban đêm."

Chiếc phi cơ đầu tiên của anh được thiết kế dựa trên một chiếc máy bay Nhật Bản trong Thế chiến II. Nó chỉ có một chỗ, sải cánh 5.5m và mất gần một năm sản xuất từ phần lớn vật liệu tái chế.

Ghế phi công là một chiếc ghế bằng nhựa bị chặt chân, với bảng điều khiển xe hơi và thân máy bay được làm từ bình chứa khí cũ.

Hoc tren YouTube, nguoi dan ong hai lua che may bay rieng
Anh Long chế tạo chiếc máy bay đầu tiên từ vật liệu cũ.

3 giờ chiều ngày 8/3/2017, anh Long khởi động chiếc máy bay của riêng mình. Ba người khác đã giúp đẩy nó lên "đường băng" là một con đường đất dẫn đến cánh đồng lúa.

Có khoảng 200 đến 300 người tụ tập để xem phi hành gia đầu tiên của làng.

Anh Long đội mũ bảo hiểm xe máy để giữ an toàn và ngồi bên trong buồng lái. Sau khởi đầu vội vã khoảng 50m trên không trung, chiếc máy bay bất ngờ đâm xuống mặt đất.

Âm thanh của tiếng cười chào đón anh trở lại Trái Đất. "Tôi đứng đó, nước mắt rơi lã chã trên mặt. Tôi không thể chịu đựng được những lời người ta nói với tôi.”

Theo anh Long, điểm yếu của chiếc phi cơ chính là trong lượng 500kg. Lần thất bại này khiến anh quyết tâm thành công hơn bao giờ hết. Sau một thời gian ngắn xem xét, hiện anh đang trong quá trình chế tạo một thủy phi cơ, cũng chủ yếu từ phế liệu, đủ nhẹ để lướt trên bầu trời.

Hoc tren YouTube, nguoi dan ong hai lua che may bay rieng
Cho đến nay, đam mê đã ngốn của anh Long hơn chục nghìn đô la.

Dù ngôi làng anh Long ở cách biển 200km, anh dự định sẽ dùng xe tải vận chuyển chiếc thủy phi cơ và bay thử ở sông Waiko.

Trong khi chiếc máy bay đầu tiên tốn tổng cộng hơn 10 nghìn đô, cho đến nay anh Long đã tiêu 3 nghìn đô cho chiếc thủy phi cơ.

Đây không phải là một số tiền nhỏ ở một đất nước mà mức lương tối thiểu là 153 đô một tháng và 13.5% dân số vẫn thuộc diện nghèo khổ.

Dù số tiền dành cho hai phát minh có thể đưa gia đình anh Long đi du lịch nước ngoài thoải mái, anh vẫn không hề hối hận.

Với anh, đây không đơn giản là bay, mà còn là biến cái không thể thành có thể.

Hoc tren YouTube, nguoi dan ong hai lua che may bay rieng
Vợ anh Long chỉ lo lắng cho sự an toàn của chồng.

Bên cạnh những người chế giễu anh, nhiều dân làng rất ngưỡng mộ người thợ máy.

Man Phary, 29 tuổi, chủ một nhà hàng gần nhà anh Long cho biết: “Tôi thấy điều này thật kỳ lạ. Ở Campuchia chẳng mấy ai làm thế đâu.”

Vợ anh Long, Hing Muoyheng 29 tuổi, chỉ lo lắng về sự an toàn của chồng. Dù họ cần nuôi hai đứa con, cô vẫn luôn ủng hộ anh.

“Tôi không biết máy bay hoạt động như thế nào và cũng không nhờ được chuyên gia giúp anh ấy. Tôi muốn khuyên chồng dừng lại vì tôi rất lo lắng. Nhưng anh ấy rất kiên định và hứa sẽ không gây ra nguy hiểm nên tôi chỉ biết ủng hộ.”

Dù cố gắng hết sức để giảm rủi ro, anh Long hoàn toàn nhận thức được các thiết kế có thể gây ra nhiều vấn đề, một số ngoài tầm kiểm soát.

Nhưng anh nói: “Dù sao chúng ta cũng không thể lường trước nguy hiểm.”

Ngọc Anh (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI