Hiện thực hãi hùng trong chợ đen bán trứng và tinh trùng ở Trung Quốc

03/04/2017 - 14:48

PNO - Để có được một khoản tiền hậu hĩnh, không ít người Trung Quốc (TQ) đã chấp nhận bán cả những thứ gắn liền với sức khỏe và sự sống của mình.

Mới đây, Đài truyền hình Thượng Hải đã công bố một phóng sự về nhiều phụ nữ khỏe mạnh đang trong độ tuổi sinh nở, tình nguyện tham gia vào thị trường chợ đen bán trứng của chính mình.

Một trường hợp cụ thể được nêu là Tiểu Vũ (23 tuổi), đã tiếp nhận quá trình tiêm thuốc kích trứng trong 18 ngày liên tục và nhận được 41.000 USD cho 20 trứng khỏe mạnh.

Tiểu Vũ không ngại chia sẻ, cô dành một phần tiền đó mua chiếc iPhone 7 Plus, mẫu iPhone thời thượng nhất. 

Hien thuc hai hung trong cho den ban trung va tinh trung o Trung Quoc
Cảnh tuyển người bán trứng ở thị trường chợ đen Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Luật pháp TQ nghiêm cấm việc bán trứng vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của hơn 50 triệu phụ nữ vô sinh ở nước này, những đường dây chợ đen vẫn bất chấp giới hạn đạo đức và những chuẩn mực an toàn y tế, đã tổ chức những điểm cơ động phục vụ cho việc mua bán trái phép này.

Cả khi phóng sự được phát, Tiểu Vũ vẫn chưa nhận ra mình là nạn nhân. Cô vô tư kể, mình được đưa vào một căn phòng bình thường trong một tòa nhà, không hề được chích thuốc tê và bị tác động trực tiếp bởi những dụng cụ chưa hẳn đã được vô trùng.

Cô cho biết, cô đã thấy mệt lả, không bước nổi xuống giường sau khi lấy trứng. Tiểu Vũ không hề biết, đúng quy trình thì cô phải được đưa vào một căn phòng vô trùng với nhiệt độ luôn được duy trì bằng với thân nhiệt 37 độ C.

Theo các chuyên viên y tế, nếu không đảm bảo điều kiện an toàn, người cho trứng hoàn toàn có thể bị vô sinh, tệ hơn nữa là bị đe dọa tính mạng.

Mặt khác, một lần chỉ được phép lấy trung bình 10-12 trứng, bằng một nửa số trứng được đám chợ đen lấy từ cơ thể Tiểu Vũ.

Cuối năm ngoái, truyền thông TQ từng đề cập đến trường hợp Tiểu Trần, nữ sinh trung học, đã bán trứng để có tiền tiêu xài.

Cô bé suýt mất mạng sau khi bị tiêm thuốc kích thích rụng trứng trong 10 ngày liền, bị lấy một lúc 21 trứng. Trứng rụng quá nhiều khiến em bị xuất huyết nội, ngất xỉu, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Trái khoáy là luật pháp cấm mua bán trứng nhưng lại khuyến khích việc dùng tinh trùng để đổi lấy những món lợi nhỏ trước mắt.

Điều này đã gây ra sự nhập nhằng trong nhận thức của người dân, là nguyên nhân khiến những người như Tiểu Vũ, Tiểu Trần cho rằng pháp luật dù không cho phép nhưng cũng không quá khắt khe với việc mình làm.

Từ năm 2015, thời điểm “sốt” mua bán trứng bùng nổ ở TQ, còn kéo theo một “cơn sốt” khác tương đương, là cơn sốt khuyến khích hiến tặng tinh trùng.

Các ngân hàng tinh trùng ở khắp TQ lâm vào tình trạng khan hiếm, đặc biệt là sau khi chính quyền nới lỏng chính sách một con, khuyến khích sinh hai con từ đầu năm 2016.

Thậm chí, Bệnh viện Renji ở Thượng Hải đã đánh vào tâm lý của người trẻ - đối tượng lý tưởng để cho tinh trùng: “Không cần bán thận để có iPhone. Hãy hiến tặng tinh trùng”.

Bệnh viện này cam kết, những người tình nguyện hiến tặng trong liên tục sáu tháng sẽ nhận được khoản bồi dưỡng gần 1.000 USD. Ngân hàng tinh trùng Hồ Bắc cũng có những mời gọi tương tự.

Trong năm 2016, ngân hàng tinh trùng Tứ Xuyên cũng công khai rao khoản bồi dưỡng gần 800 USD cho một người đảm bảo lượng tinh trùng khỏe mạnh.

Nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng, đây chính là một cách trá hình nhằm đổi chác một phần cơ thể trong khi hành lang pháp lý ở TQ chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này.  

Đánh vào tâm lý cần là có ngay của nhiều người, nhất là giới trẻ Trung Quốc, những cuộc ngã giá ngoài vòng pháp luật vẫn đang diễn ra, bất chấp người trong cuộc phải đánh đổi bằng chính sức khỏe bản thân. 

ANH THÔNG (Theo Next Shark, Global Times, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI