Hết thời của chaebol

29/03/2019 - 15:00

PNO - Chủ tịch Korean Air - Cho Yang Ho - mất ghế trong hội đồng quản trị là cú ngã đau không chỉ cho gia tộc họ Cho.

Đó chính là cú trượt tiếp theo trong chuỗi lao dốc tai tiếng của các tập đoàn gia tộc - chaebol - từng khuynh đảo Hàn Quốc nhiều thập niên qua.

Những bê bối khó chấp nhận

Ông Cho Yang Ho là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Korean Air, đồng thời là Chủ tịch tập đoàn Hanjin Kal (công ty nắm quyền kiểm soát Korean Air). Đây là lần đầu tiên người nắm nhiều cổ phần nhất trong một tập đoàn Hàn Quốc bị loại khỏi hội đồng quản trị. Hơn 2/3 cổ đông không đồng ý cho ông Cho tiếp tục giữ ghế chủ tịch, trong cuộc họp ngày 27/3. Bê bối gia đình và giờ đây là bê bối cá nhân (ông Cho đang phải hầu tòa vì tội tham nhũng) của ông đã tạo ra vết nhơ khó gột rửa đối với thương hiệu Korean Air.

Het thoi cua chaebol
Hàng trăm nhân viên Korean Air đeo mặt nạ xuống đường biểu tình phản đối nhà Cho

Bê bối của gia tộc họ Cho khởi phát từ vụ cô con gái Cho Hyun Ah, khi đó là Phó chủ tịch Korean Air, cậy thế ức hiếp tiếp viên trưởng, ngang ngược yêu cầu máy bay đang trên đường lăn phải quay về cổng sân bay quốc tế John F.Kennedy, để đuổi nhân viên này.

Chuyện bé xé ra to, chỉ vì cô Cho không hài lòng khi tiếp viên trưởng phục vụ hạt mắc ca trong gói chứ không bày ra đĩa sứ. Cho Hyun Ah, sau đó, phải ngồi tù 5 tháng. Chủ tịch Cho đã phải muối mặt xin lỗi. Những tưởng thói hoạnh họe kiểu “con nhà chaebol” sẽ thay đổi, nhưng không, cô con gái út Cho Hyun Min, trong một cuộc họp, đã hất nước vào mặt và đe dọa nhân viên. Năm ngoái, hàng trăm nhân viên Korean Air đeo mặt nạ, xuống đường biểu tình phản đối nhà Cho và đây có lẽ là “tối hậu thư” khiến những nhà lãnh đạo và cả cổ đông buộc phải thẳng tay, để cứu lấy thương hiệu Korean Air.

Những tập đoàn gia tộc chiếm tới 2/3 GDP của Hàn Quốc và được cho là yếu tố then chốt tạo nên nền kinh tế thuộc top đầu Đông Á hiện nay. Nhắc đến chaebol, không thể không nhắc đến 4 tên tuổi lớn nhất, được xem là “Big Four”, gồm: Samsung, Hyundai Motor, SK và LG. Tờ New York Times, trong một bài viết về thế giới chaebol, từng nhận định: “Ở Hàn Quốc, tất cả đều thuộc về chaebol”. Từ của cải đến luật pháp và cả quyền lực chính trị nghiễm nhiên nằm trong tay các gia tộc có thế lực. Đó là lý do mà phải sau 10 năm theo đuổi vụ kiện Samsung Electronics, nhóm đại diện cho 320 công nhân hứng chịu 16 chứng ung thư quái ác, ảnh hưởng từ môi trường làm việc của công ty, mới nhận được lời xin lỗi.

118 người trong số 320 công nhân bị ung thư vì nhiễm độc từ nhà máy của Samsung Electronics đã qua đời. Suốt một thời gian dài, vụ kiện lâm vào bế tắc, dù chứng cứ quá rõ ràng. Vụ kiện có lẽ sẽ không đi đến đâu nếu “thái tử” kiêm Phó chủ tịch Samsung - Lee Jae Yong - không bị bắt vì tội tham nhũng. Sau lời xin lỗi từ phía Samsung Electronics là cam kết bồi thường 133.000 USD cho mỗi trường hợp. Đó chính là sự nhượng bộ “có lợi”, giúp Samsung Electronics nói riêng và Samsung nói chung lấy lại hình ảnh, chứ không phải là sự trừng trị đích đáng từ pháp luật, liên quan đến trách nhiệm đảm bảo môi trường làm việc an toàn.

Het thoi cua chaebol
 

Sự trỗi dậy của các cổ đông

Tháng 11/2018, hơn 150.000 công nhân từ các công xưởng trên khắp đất nước Hàn Quốc đã xuống đường phản đối phản ứng chậm trễ của chính quyền trước yêu cầu cải cách chính sách lao động đặc quyền ưu ái dành cho các chaebol. Tổng thống Moon Jae In, ngay lúc đó đã tuyên bố, sẽ “xử lý” các chaebol, không cho họ quá nhiều đặc quyền đặc lợi, tăng lương cơ bản cho công nhân, chấm dứt tình trạng tuần làm việc 52 tiếng; nhưng đến nay, vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể.

“Sự trỗi dậy của các cổ đông” (shareholder activism) là cụm từ được nhắc nhiều trên truyền thông Hàn Quốc thời gian gần đây. Đứng sau khái niệm mới mẻ này chính là nhóm nhà đầu tư có tổ chức lớn nhất Hàn Quốc - NPS. Những người này đề cập đến khái niệm trên lần đầu vào năm 2018 và họ có một khoảng thời gian đủ để thực hiện kế hoạch của mình. Lần này, người bị “lật đổ” là Chủ tịch Cho và có vẻ mọi thứ vẫn chưa dừng lại.

Sau khi NPS khởi xướng khái niệm “sự trỗi dậy của cổ đông”, công ty quỹ đầu tư KCGI cũng đề cập đến việc đuổi một số nhà điều hành của Hanjin Kal, trong đó có thành viên nhà họ Cho, nếu họ có hành vi xâm hại uy tín Hanjin Kal. Chủ tịch Cho và các thành viên gia đình ông nắm 28,95% cổ phần. Trong khi đó, ở vị trí thứ hai và thứ ba là KCGI, với  gần 11% cổ phần và NPS với 7,34% cổ phần Hanjin Kal. Sau cuộc lật đổ lần này, đại diện KCGI và NPS cho biết, họ tin những nhà điều hành chuyên nghiệp sẽ từng bước “làm trong sạch” Hanjin Kal.

Các chaebol từng là “người hùng” của Hàn Quốc, nhưng giờ đây, họ đã rơi dần xuống vực khi ảo tưởng và dựa quá nhiều vào cái bóng của chính mình. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI