Hành trình đi tìm công lý cho những đứa trẻ bị nhiễm độc chì ở Trung Quốc

21/06/2017 - 06:00

PNO - Tìm công lý cho những đứa trẻ bị nhiễm độc chì ở thị trấn Dapu còn khó hơn tìm đường lên trời, khi các gia đình bị côn đồ hành hung, chính quyền cản trở, và kết cục sau cùng chỉ như muốn bỏ biển.

Hơn 300 đứa trẻ ở thị trấn Dapu của Trung Quốc đều có chung một chứng bệnh: mất trí, còi xương, thiếu máu, động kinh vì uống chung một dòng nước nhiễm độc.

Cha mẹ của những đứa trẻ này đưa con tới các bệnh viện lớn ở thành phố Changsha, thậm chí ở Thượng Hải cách thị trấn gần 1000km. Họ phát hiện ra: Những đứa trẻ đều có lượng chì trong máu cao hơn bình thường nhiều lần. Vào mùa xuân năm 2014, thị trấn Dapu có tới hơn 300 trẻ em được chẩn đoán nhiễm độc chì.

Họ tìm ra nguyên nhân chính là do nguồn nước đã bị nhà máy Meilun đã làm ô nhiễm. Nhà máy thuốc màu này nằm ngay ở trung tâm thị trấn đông đúc, là trái tim bơm thứ máu đen, đầu độc hàng nghìn hộ gia đình, nông trại và ruộng vườn. Vượt qua vô vàn trở ngại và đe doạ, các gia đình nạn nhân cuối cùng cũng đến được nơi hằng tìm công lý cho con em mình, nhưng kết quả không kém phần thất vọng.

Các gia đình bị đe dọa

Phiên tòa chẳng còn bao lâu sẽ bắt đầu và Dai Renhui từng ngày rất lo lắng. Anh đã hết lòng bảo vệ các nạn nhân ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Anh quên luôn cả chuyện mình là một trong những nạn nhân của vụ kiện nhiễm độc chì ở thị trấn Dapu, quận Hengdong, tỉnh Hồ Nam.

Hanh trinh di tim cong ly cho nhung dua tre bi nhiem doc chi o Trung Quoc
Ảnh chụp các em nhỏ chơi đùa ở Dapu, hồi tháng Ba. Mùa xuân năm 2014, hơn 300 trẻ bị phát hiện nhiễm độc chì.

Trước khi anh Dai đâm đơn kiện, công ty hóa chất Meilun đã mở chiến dịch bẩn hòng đe dọa các gia đình của những đứa trẻ bị ngộ độc chì.

Công lý nào cho những đứa trẻ ngớ ngẩn vì nhiễm độc chì ở Trung Quốc

Một nhóm đàn ông không rõ danh tính xuất hiện khi trời chập choạng, cảnh cáo người dân rằng họ sẽ mất công ăn việc làm hoặc bị đánh không thương tiếc nếu tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Nếu ai tự nguyện rút đơn kiện, mỗi người sẽ nhận được 1.500 USD tiền lót tay.

Đầu năm 2015, khi anh Dai xuất hiện ở tòa thì chỉ còn 13 người theo vụ kiện, 40 người khác đã bỏ cuộc.

Những người kiên trì kiện đến cùng, hy vọng đòi được số tiền bồi thường hơn 300.000 USD từ công ty Meilun. Đây là số tiền để chi trả cho 13 đứa trẻ có nồng độ chì trong máu cao hơn gấp nhiều lần mức cho phép.

Trước tòa, luật sư của công ty Meilun gây khó cho nguyên đơn bằng cách đặt câu hỏi liệu những đứa trẻ có giấy chứng nhận sinh sống ở khu vực gần nhà máy hay không. Đây là câu hỏi thừa vì cha ông các em đã sống từ rất lâu ở khu vực này.

Các luật sư của Meilun còn cho rằng, điều kiện môi trường không đủ vệ sinh ở thị trấn Dapu mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì của các em.

Thử thách mà các gia đình Dapu đối mặt trước tòa cũng là khó khăn của những gia đình nạn nhân vì ô nhiễm ở Trung Quốc. Thu thập chứng cứ đòi hỏi tốn kém rất nhiều, thậm chí là những xét nghiệm cơ bản nhất về ô nhiễm nguồn đất hay nguồn nước cũng tốn hàng chục ngàn đôla. Nhiều nguyên đơn bỏ ra nhiều năm liền với chút ít tiền để theo đuổi việc thu thập chứng cứ.

Ngoài ra, các thẩm phán thường yêu cầu thu thập dữ liệu từ bên thứ ba, thường là các báo cáo chính thức. Thế nhưng, các cơ quan chức năng nhiều lúc lại từ chối công bố số liệu này.

Nạn nhân của ô nhiễm có thể tập hợp lại để cùng thuê các luật sư, giúp chia sẻ chi phí thu thập chứng cứ, thuyết phục chuyên gia đưa ra quan điểm khách quan. Tuy nhiên, toà án Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận những vụ có nhiều nguyên đơn vì lo sợ sẽ kích động đám đông tổ chức biểu tình.

Luật Môi trường mới ra đời (nhờ sự đốc thúc của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình) có thể giúp các gia đình ở Dapu bằng cách tận dụng sức mạnh và tiếng nói của các tổ chức phi lợi nhuận.

Hanh trinh di tim cong ly cho nhung dua tre bi nhiem doc chi o Trung Quoc
Zhou Wenshan (trái và Zhou Wenzhu đều bị nhiễm độc chì, với hàm lượng chì trong máu ở mức cao.

Nhưng tòa án không công bằng trong việc lựa chọn các tổ chức phi lợi nhuận. Năm 2015, chỉ có 9 tổ chức phi lợi nhuận có thể tiếp cận các vụ kiện, trong khi ở Trung Quốc có đến 700 tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật sư Zeng Xiangbin ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, từng đại diện cho người dân ở một ngôi làng ở tỉnh Vân Nam, nơi có nhiều người dân bị nhiễm độc cadmium. Nhiều dân làng trong đó có cậu bé 15 tuổi đã chết đột ngột và người dân cho rằng nguyên nhân vì ô nhiễm.

Vụ việc thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước năm 2012. Nhưng từ đó đến nay, rất ít biện pháp cải thiện được áp dụng. Tòa án địa phương thụ lý đơn kiện nhưng nhiều năm qua vẫn từ chối mở phiên tòa. Luật sư Zeng cho biết: “Mọi thứ cứ dừng lại ở đó. Đó là cách Trung Quốc giải quyết vấn đề”.

Chiến thắng với đền bù nhỏ mọn

Bà Mao có cháu trai bị ngộ độc chì. Năm ngoái, một phiên tòa ở Hengdong đã tuyên Meilun có trách nhiệm trong việc gây ngộ độc nghiêm trọng đối với 2 trong số 13 đứa trẻ trong hồ sơ khởi kiện công ty này.

Cháu bà Mao là một trong số hai đứa trẻ trên. Tuy nhiên, tòa chỉ yêu cầu Meilun bồi thường gia đình bà Mao và gia đình nạn nhân còn lại số tiền vỏn vẹn 1.900 USD cho mỗi trường hợp.

Số tiền ít ỏi trên không thể kham nổi án phí và tiền chi trả cho việc thu thập chứng cứ, chưa kể đến các hóa đơn điều trị cho cháu bà. Những gia đình còn lại đã theo đuổi vụ kiện chẳng được gì.

Hanh trinh di tim cong ly cho nhung dua tre bi nhiem doc chi o Trung Quoc
Một người rửa thức ăn bằng nước sông ô nhiễm tại Dapu. Trung Quốc hiện là một trong những “công xưởng” sản xuất hóa chất công nghiệp lớn nhất thế giới, với lượng hóa chất sản xuất nhiều thứ ba trên toàn cầu. - Ảnh: New York Times

Tháng Tư vừa qua, tòa án Hengdong đồng ý mở phiên tòa lần nữa. Bà Mao lo rằng kết quả cũng chẳng khá hơn. Bà nói: “Đôi khi tôi mất hết hi vọng và có cảm giác điều này chẳng bao giờ có kết cục như mong đợi. Chẳng ai muốn lãnh trách nhiệm cho những điều xảy ra với bọn trẻ”.

Ở Dapu, chính quyền địa phương giữ thái độ ôn hòa khó hiểu. Các quan chức biết nhiều đứa trẻ có dấu hiệu ngộ độc chì nặng nhưng vẫn khăng khăng cho rằng chúng đều đã được điều trị. Tan Zhenli, một cán bộ tuyên huấn ở Hengdong còn nói rằng tất cả những đứa trẻ ấy bây giờ đang khỏe mạnh và vùng đất bị ô nhiễm nay đã sạch sẽ.

Bà Tan Zhenli nói: “Thông tin tiêu cực chỉ là tin cũ thôi. Nhà máy cũng đã đóng cửa. Mọi thứ khá hơn nhiều rồi”.

Thế nhưng, bà Tan không cho người dân ở Dapu tiếp xúc, cung cấp thông tin với báo giới, khi không có bà. Nhiều người tiết lộ chính quyền đã không cho người dân trả lời phỏng vấn truyền thông, đồng thời cảnh cáo sẽ bỏ tù họ nếu dám nói.

Nhà máy Meilun đã di dời đến một thị trấn gần đó và nơi cũ dường như bị bỏ hoang. Cậu bé Wang Yifei ngày ngày vẫn chơi đùa gần đó.

Thứ Ba hàng tuần, em lại đến bệnh viện để kiểm tra nồng độ chì trong máu. Nồng độ chì trong máu của Wang từng có thời điểm cao gấp 9 lần mức chuẩn quốc tế, và hiện chỉ số này của em vẫn trong tình trạng cao đáng nguy hiểm. Bố mẹ Wang cho biết tình trạng của con mình không thay đổi là mấy, trí nhớ của em ngày một giảm sút.

Bố của Wang Yifei nói: “Chúng tôi bất lực rồi, chẳng thể thay đổi gì được. Chẳng biết phải làm thế nào để giành phần thắng về phía mình đây”.

Anh Khôi (Theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI