Hai bóng hồng trong tâm bão

24/02/2014 - 10:33

PNO - PN - Thế là bà Yulia Tymoshenko đã thoát khỏi nhà tù, chắc chắn sẽ quay lại chính trường Ukraine trong vị thế mới. Trong khi đó, ở Thái Lan, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra không thể hân hoan như bà Tymoshenko.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hai bóng hòng trong tam bão

Quảng trường Độc lập tại trung tâm thủ đô Kiev ngày 23/2 - Ảnh: AFP

Trở lại ngoạn mục

Dù vẫn kiên quyết không rời bỏ chức vụ, cho rằng hành động của Quốc hội Ukraine không khác gì một cuộc đảo chính, nhưng ông Yanukovich cũng đã thua cuộc. Hiện đang có nhiều thông tin trái ngược về số phận của ông Yanukovich. Người ta vẫn chưa biết ông đang ở đâu, chỉ biết chắc là ông đã rời Kiev để trở về Kharkov, nơi ông có nhiều người ủng hộ hơn.

Lập tức, nhiều thay đổi đã diễn ra với các vị trí quan trọng trong quốc hội và chính phủ Ukraine. Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov vừa nhậm chức đã tuyên bố chính phủ ủng hộ người biểu tình. Quốc hội nhanh chóng quyết định số phận của bà Tymoshenko bằng cách bỏ phiếu sửa đổi một điều luật nhằm phóng thích ngay bà Tymoshenko mà không cần tổng thống phê chuẩn. Điều đó không có gì là bất ngờ, bởi vị tân Chủ tịch Quốc hội, ông Oleksander Turchynov, vốn là đồng minh thân cận nhiều năm của bà Tymoshenko.

Hai bóng hòng trong tam bão

Bà Yulia Tymoshenko sau khi ra tù - Ảnh: ABC News

Việc bà Tymoshenko được phóng thích có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị của Ukraine và bà sẽ khiến phe đối lập phải tìm ra một lãnh đạo được mọi phía công nhận. Bà Tymoshenko bị chính quyền của Tổng thống Yanukovich giam giữ hơn hai năm qua với án tù bảy năm vì cáo buộc tham ô trong một thỏa thuận khí đốt Ukraine ký kết với Nga khi bà còn là thủ tướng. Nhiều chính phủ ở châu Âu cho đó là một đòn đau mang động cơ chính trị đối với bà Tymoshenko, nên yêu cầu chính phủ Ukraine phải phóng thích bà, như một điều kiện tiên quyết, trước khi EU kết thúc việc thương thảo về hiệp định thương mại toàn diện với Ukraine. Khi mọi người ngỡ cuộc thương thảo này đã đến lúc kết thúc bằng việc chính thức ký hiệp định vào tháng 11/2013 thì bất ngờ ông Yanukovich thay đổi ý định, bãi bỏ hiệp định với EU để quay sang Nga với một hiệp định tương tự.

Chính điều đó đã làm người dân Ukraine nổi giận, liên tục tổ chức các cuộc biểu tình với cường độ tăng dần mà kết thúc bằng việc ông Yanukovich phải ra đi. Ngay sau khi rời một nhà tù ở Kharkov, bà Tymoshenko đến thẳng Kiev, hòa cùng dòng người biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở trung tâm thành phố. “Tôi sẽ tranh cử chức tổng thống và làm mọi cách để không ai quên những giọt máu đã đổ xuống của những người biểu tình” - bà Tymoshenko phát biểu.

Bà Tymoshenko từng là lãnh đạo của cuộc Cách mạng cam, đưa Ukraine rẽ sang bước ngoặt mới trong lịch sử, nhưng mọi thành quả sau đó đều thuộc về ông Yanukovich. Đặc biệt là sau cuộc tranh cử tổng thống năm 2010, dù phần thắng thuộc về mình nhưng ông Yanukovich đã nhìn thấy bà Tymoshenko là một mối nguy hiểm tiềm tàng, nên đã làm mọi cách để bà không thể quay lại con đường chính trị. Thế nhưng, ý đồ của ông Yanukovich đã phá sản sau những cuộc biểu tình bạo động liên tiếp, lấy đi mạng sống của nhiều người, mà trong lần gần đây nhất, vào ngày thứ Năm và thứ Sáu vừa qua, có đến ít nhất 77 người chết. Người đàn bà 53 tuổi này rất biết cách tận dụng mọi ưu thế để thu phục nhân tâm, đặc biệt là vẻ ngoài duyên dáng và mái tóc dài, vàng rực, thắt bím “độc nhất vô nhị” của mình.

Hai bóng hòng trong tam bão

Người biểu tình tại Bangkok - Ảnh: AFP

Tình thế nan giải

Trong khi bà Tymoshenko đang chuẩn bị thẳng tiến để khôi phục lại vị thế chính trị thì bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan, ngày càng chìm trong tình thế nan giải.

Hôm cuối tuần, bạo động lan rộng khỏi Bangkok, với ít nhất 35 người bị thương trong một cuộc biểu tình ở tỉnh Trat, cách phía Đông Bangkok khoảng 300km. Thiếu tá cảnh sát Thanabhum Newanit cho biết, một nhóm người trên chiếc xe tải nhỏ mui trần đã bắn nhiều loạt đạn vào đám đông biểu tình. Chưa có xác nhận nhóm biểu tình có bắn trả hay không, nhưng đây được xem là tin đáng ngại đối với bà Yingluck. Bạo động đã vượt qua khỏi ranh giới thủ đô Bangkok và chẳng ai có thể đoan chắc cuộc khủng hoảng sẽ như vết dầu loang đến đâu. Các cuộc biểu tình vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm cuối tuần, có thêm sáu người bị thương khi một người chưa xác định tung tích ném lựu đạn vào đám đông.

Từ ba tháng nay, đã có 15 người chết và hàng trăm người khác bị thương nhưng chính phủ của bà Yingluck vẫn chưa tìm được biện pháp chấm dứt các cuộc biểu tình. Lãnh đạo các nhóm biểu tình khẳng định, giải pháp duy nhất để kết thúc cuộc khủng hoảng kéo dài này là bà Yingluck phải ra đi, nhường quyền điều hành đất nước cho một chính phủ lâm thời. Vị thủ tướng xinh đẹp này khẳng định không bao giờ thực hiện yêu cầu đó, vì bà là thủ tướng hợp pháp, cầm quyền thông qua cuộc bầu cử hợp hiến.

Hai bóng hòng trong tam bão

Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra - Ảnh: AFP

Cuộc giằng co chưa biết khi nào mới kết thúc, nhưng rõ ràng bà Yingluck đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Tòa án đã nghiêm cấm chính phủ của bà dùng các hình thức bạo lực để giải tán biểu tình, đồng thời yêu cầu bà không được áp dụng một số điều khoản trong sắc luật ban hành tình trạng khẩn cấp. Không chỉ thế, chính phủ của bà Yingluck còn đang đối mặt với sự giận dữ của giới nông dân vì còn nợ tiền mua gạo của họ. Chính sách mua gạo của nông dân với giá trợ cấp, cao hơn giá thị trường, đã gây ra nhiều hệ lụy cho bà Yingluck cũng như nền kinh tế Thái Lan. Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc bà Yingluck có nhiều sai phạm trong chủ trương mua gạo giá cao của nông dân, đẩy giá gạo lên, khiến Thái Lan không xuất khẩu mặt hàng này được nhiều như những năm trước.

Vòng luẩn quẩn đang diễn ra. Không xuất khẩu được gạo thì không có tiền trả nợ cho nông dân, nhưng bán dưới giá thành thì ngân sách lại thêm thâm thủng. Đã có nguồn tin, Thái Lan quyết định bán gạo cho các nước với giá dưới giá thành, chấp nhận lỗ để có tiền trả nợ cho nông dân.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, đó là một nước cờ đầy mạo hiểm của bà Yingluck, bởi như thế bà sẽ có tiền thanh toán nợ nần cho nông dân, nhưng chính phủ phải gánh chịu khoản lỗ này. Phe đối lập lại có thêm cơ hội chỉ trích bà và nhân đó, nhóm biểu tình cũng có thêm lý do để buộc bà… ra đi. Giờ thì chỉ cần một nước cờ tính toán sai lầm là có thể bà Yingluck phải trả giá bằng chính chiếc ghế thủ tướng.

 THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI