Grace Mugabe – người phụ nữ đứng sau sự sụp đổ của Tổng thống Zimbabwe

18/11/2017 - 08:51

PNO - Từ một nhân viên đánh máy, vươn lên làm Đệ nhất phu nhân và nung nấu ý định trở thành Tổng thống Zimbabwe, bà Grace Mugabe không hề che giấu những tham vọng chính trị của mình.

Tuy nhiên, người phụ nữ 52 tuổi này không hề được người dân yêu mến, bởi vô số bê bối về cách hành xử thô lỗ, thói tham nhũng và sở thích vung tiền hoang phí giữa bối cảnh đất nước nghèo đói nặng nề.

Từ nhân viên đánh máy đến Đệ nhất phu nhân

Sinh năm 1965 ở Nam Phi, bà Mugabe chuyển đến sinh sống ở Zimbabwe sau khi nước này tuyên bố độc lập.

Cuối thập niên 80, khi làm nhân viên đánh máy trong phủ Tổng thống, bà gặp chồng tương lai là Tổng thống Robert Mugabe, hơn mình 41 tuổi.

Grace Mugabe – nguoi phu nu dung sau su sup do cua Tong thong Zimbabwe
Ảnh cưới của vợ chồng Tổng thống Robert Mugabe và Grace Mugabe. Ảnh: Sky News

Lúc này, cả hai người đều đã kết hôn. Dù có chồng là một viên phi công và đã có một đứa con, bà Mugabe vẫn lọt vào mắt xanh của ông Mugabe trong khi vợ ông, bà Sally bị bệnh ung thư. Từ cốc trà, miếng bánh những khi rảnh rỗi, họ làm quen và được cho là có tình riêng với nhau từ năm 1987.

Năm 1992, vợ đầu của ông Mugabe qua đời. Bốn năm sau, bà Grace Mugabe chia tay chồng cũ (hiện là tuỳ viên quốc phòng tại đại sứ quán Zimbabwe ở Trung Quốc) để lên xe hoa, chính thức trở thành Đệ nhất phu nhân.

Đám cưới thế kỷ có sự góp mặt của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và nhiều nhà lãnh đạo Châu Phi khác. Chi phí cho đám cưới tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.

Từ ngày đầu làm phu nhân Tổng thống, Grace Mugabe đã không đồng ý vào ở trong dinh thự cũ của chồng mà đòi xây một khu cư trú riêng biệt mới hoàn toàn trong khu phố cao cấp Borrowdale ở thủ đô Harare, tốn đến hàng triệu USD.

Thích vung tiền, ưa dùng nắm đấm

Là Đệ nhất phu nhân Zimbabwe - quốc gia rất nghèo ở châu Phi, bà Grace không ngại vung tay chi tiền cho những thú chơi và xa xỉ phẩm.

Những thành phố hoa lệ như Paris, London, Hongkong… là nơi mà Grace Mugabe thường ghé chân đến để “mua sắm”. Chỉ trong một lần đến Paris vào năm 2002, bà Mugabe đã tiêu hết 120.000 USD. Cùng thời gian này, kinh tế Zimbabwe lâm vào cảnh suy sụp nặng nề, lạm phát ở một số thời điểm lên tới hàng tỷ phần trăm.

Đầu năm 2017, vị phu nhân này dùng 1,4 triệu USD - số tiền lẽ ra sẽ được trả cho một người Lebanon mà bà thu hồi lại từ tòa án ở Harare, để mua một chiếc nhẫn kim cương 100-cara.

Grace Mugabe – nguoi phu nu dung sau su sup do cua Tong thong Zimbabwe
Bà Mugabe mê mẩn những món nữ trang triệu đô. Ảnh: Face2Face Africa

Vừa tận hưởng cuộc sống sang trọng ở quê nhà, vợ chồng Tổng thống còn có biệt thự ở Nam Phi, sở hữu bất động sản ở Hong Kong, Dubai và Malaysia.

Với thành tích xài sang, bà Mugabe được báo giới quốc tế mệnh danh là “Gucci Grace” hay “Dis-Grace” (Grace trong tiếng Anh là ân sủng, hay sự duyên dáng). Thậm chí, Liên minh châu Âu EU đã phải đặt lệnh cấm vận với cả hai vợ chồng Mugabe để ngăn họ không làm nền kinh tế Zimbabwe thêm khánh kiệt.

Trước những cáo buộc, bà Mugabe không thể đưa ra bằng chứng phủ nhận nào và chỉ lên tiếng phản đối một cách hời hợt: “Một người không thể tiêu đến cả triệu USD chỉ trong một giờ. Tôi nào có thời gian như vậy, thế nhưng những rắc rối thế này cứ đeo bám tôi mãi”.

Theo nhận định của New York Times, ngoài tham nhũng, bà Grace Mugabe còn có tiếng là nóng tính.

Năm 2009, trong chuyến mua sắm ở Hongkong, bà từng đấm thẳng vào mặt một phóng viên ảnh người Anh bằng tay đeo nhân kim cương, gây chín vết thương cho nạn nhân. Tại quê nhà Zimbabwe, ba nam giới và một phụ nữ đã bị bắt sau khi hô khẩu hiệu phản đối bà trong một một sự kiện của đảng cầm quyền.

Grace Mugabe – nguoi phu nu dung sau su sup do cua Tong thong Zimbabwe
Người mẫu Nam Phi (ảnh phải) tố Grace Mugabe hành hung mình. Ảnh: The Times

Gần đây nhất, đầu năm 2017, phu nhân Zimbabwe bị một người mẫu Nam Phi kiện vì đã hành hung, đập sứt mặt cô bằng một vật cứng tại khách sạn ở Johannesburg. 

Sự việc khiến bà phải trốn khỏi Nam Phi để tránh bị truy tố. Sau đó, bà lên tiếng đáp trả, buộc tội chính người mẫu 20 tuổi này mới là kẻ gây hấn đầu tiên.

Khát vọng quyền lực trên chính trường

Không chỉ dừng lại ở sở thích mua sắm thường thấy của phụ nữ, Grace Mugabe còn nhanh chóng bộc lộ tham vọng chính trị và nung nấu ý định theo đuổi quyền lực nơi chính trường.

Sau chương trình học “cấp tốc” trong vòng ba tháng, bà nhận bằng tiến sỹ ở một đại học Zimbabwe. Với cương vị phụ trách Đoàn Thanh niên Zanu-PF, bà Mugabe trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ quốc gia, được những người ủng hộ tung hô là “Mẫu nghi”.

Từ những thành công bước đầu này, bà Mugabe nhanh chóng tìm cách tập trung quyền lực với tham vọng trở thành người đảm nhiệm vị trí lãnh đạo quốc gia, kế nhiệm người chồng.

Bà nhắm đến vị trí phó Tổng thống, bởi theo hiến pháp Zimbabwe, khi Tổng thống qua đời, phó Tổng thống là người lên nắm quyền.

Để thực hiện mục tiêu, bà Mugabe lập một nhóm chính khách có tên G40, gồm những gương mặt trẻ trung – mới ngoài 40 tuổi, tạo ra thách thức đáng kể với các cựu binh “công thần” trong chính quyền Mugabe sau khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Anh.

Một mặt, bà Grace Mugabe dường như rất ủng hộ và trung thành với chồng, từng khẳng định, dù chồng bà có qua đời thì ông cũng vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo Zimbabwe. Song song với đó,  bà dần dần tìm cách để chồng loại bỏ những đối thủ có khả năng kế vị: hai phó Tổng thống Joice Mujuru và Emmerson Mnangagwa.

Grace Mugabe – nguoi phu nu dung sau su sup do cua Tong thong Zimbabwe
Grace Mugabe cùng chồng là Tổng thống Robert Mugabe. Ảnh: Reuters

Những tham vọng cũng trở nên khó che giấu hơn. Trong một buổi gặp gỡ người dân, bà Mugabe công khai nói: “Họ bảo tôi muốn trở thành Tổng thống. Sao lại không? Chẳng lẽ tôi không phải công dân Zimbabwe hay sao?”

Từng bước từng bước, ý định này được Đệ nhất phu nhân hiện thực hóa. Năm 2014, bà Joice Mujuru, người cũng làm Phó Chủ tịch Đảng Zanu-PF bị sa thải với cáo buộc đưa ra là “có âm mưu lật đổ”.

Tháng 11/2017, cáo buộc tương tự, “không trung thành, thiếu tôn trọng, lừa dối, không đáng tin”, tiếp tục được đưa ra nhắm vào Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Emmerson Mnangagwa - một nhân vật nhận được sự ủng hộ rất lớn từ quân đội Zimbabwe. Bà Mugabe còn thẳng thừng gọi ông Mnangagwa là “rắn độc cần đánh cho dập đầu”.

Đáp trả, ông Emmerson Mnangagwa, người bị cách chức và được cho là đã đến Nam Phi, cáo buộc vợ chồng Tổng thống có ý định ám sát mình để bảo vệ chức vị và tài sản của gia đình.

“Tại sao tôi lại phải ám sát ông ta? Tôi không thể nghĩ đến việc chuẩn bị một ly kem tẩm độc để giết Mnangagwa. Ông ta là ai cơ chứ? Còn tôi, tôi là đệ nhất phu nhân đấy!”, bà Grace Mugabe phản bác.

Sau nhiều năm duy trì quyền lực, ngày 14/11, quân đội quyết định hành động khi đưa xe tăng vào thủ đô quản thúc Tổng thống.

“Gucci-Grace” đang ở đâu?

Grace Mugabe – nguoi phu nu dung sau su sup do cua Tong thong Zimbabwe
Đệ nhất phu nhân Zimbabwe - Ảnh: Reuters

Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe đang bị quản thúc tại nhà riêng ở Harare. Còn phu nhân của ông đang ở đâu, hiện chưa rõ.

Một số tin tức cho rằng bà đã sang Windhoek, thủ đô Namibia, có tin lại nói bà tìm đến Nam Phi, Dubai hoặc Malaysia - những nơi mà gia đình Mugabe sở hữu bất động sản.

Nhưng theo nguồn tin từ các quan chức có liên quan ở Zimbabwe và Nam Phi, bà Grace Mugabe vẫn ở nhà riêng từ 14/11 đến nay.

Trong tuyên bố trên sóng truyền hình quốc gia, quân đội cho hay, gia đình và bản thân Tổng thống đều an toàn khi đang bị quản thúc. Ngày 16/11, họ cho biết thêm rằng bà Mugabe cũng là một phần trong cuộc hội đàm “chuyển giao quyền lực”, yêu cầu Tổng thống từ chức.

Báo giới Phi châu nhận định, rất khó có khả năng quân đội Zimbabwe để bà Grace Mugabe tiếp tục nắm giữ một vai trò nào đó. Phe phản đối nhà Mugabe thì tung khẩu hiệu “quyền lực không thể chuyển giao qua đường tình dục”, nhằm phản đối việc chuyển giao quyền lực từ chồng cho vợ.

Lan Phương (Theo BBC/Guardian/Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI